Chuẩn bị Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV

Chủ động, chu đáo, bảo đảm sự tiếp nối liên tục

- Thứ Tư, 24/02/2021, 06:21 - Chia sẻ
Kỳ họp thứ Mười một, cũng là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIV, dự kiến sẽ khai mạc ngày 24.3 tới. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung kiện toàn một số chức danh lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Vì thế, tại phiên họp sáng qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, phải chuẩn bị tổ chức Kỳ họp một cách chủ động, chu đáo, “bảo đảm sự tiếp nối như một dòng chảy liên tục, không bị tắc chỗ nào và không có gì cản trở dòng chảy này”.

Phối hợp với trách nhiệm cao nhất

Kỳ họp thứ Mười một dự kiến diễn ra trong 11 ngày với nhiều nội dung hết sức quan trọng liên quan đến việc tổng kết hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan trong bộ máy Nhà nước trong nhiệm kỳ 2016 - 2021. Quốc hội cũng sẽ dành thời gian xem xét, kiện toàn một số chức danh lãnh đạo của Nhà nước. Do đó, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, “tại Kỳ họp này, những nội dung gì đã chín, chúng ta sẽ thông qua ngay, nội dung nào chưa chín, cần thời gian thảo luận thì nên để dành cho Quốc hội khóa mới, trên cơ sở những nội dung đã chuẩn bị sẵn, công việc sẽ tiếp tục được nối tiếp, như một dòng chảy liên tục”.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp
Ảnh: M. Thành

Có cùng quan điểm này, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lùi thời hạn xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến nông nghiệp nói riêng và KT - XH nói chung. Hơn nữa, nhiều tỉnh, thành phố và người dân cũng đang lo giải cứu nông sản, nên hoàn toàn có thể lùi lại nội dung này để Quốc hội Khóa XV xem xét, giải quyết.

Theo các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiệm vụ quan trọng tại kỳ họp tới là Quốc hội phải tập trung cao độ cho việc kiện toàn một số chức danh lãnh đạo trong bộ máy nhà nước. Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý, tính chi li từ họp tổ, họp đoàn xong chờ in phiếu, kiểm phiếu thì phải làm việc cần rất khẩn trương, khoa học; kể cả việc in phiếu phải rất kịp thời, chính xác. Điều này đòi hỏi Ban Thư ký Quốc hội phải hoạt động nhịp nhàng với công suất lớn. Nhiệm vụ đặt ra cho Tổng Thư ký Quốc hội là rất vất vả. Bên cạnh đó, Ban Công tác đại biểu, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng phải phối hợp để chuẩn bị hồ sơ, các nội dung liên quan đến công tác cán bộ, từ kê khai tài sản và những nội dung liên quan báo cáo trước Quốc hội, đến việc tiếp thu, giải trình… Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, “những vấn đề đặt ra rất lớn, đề nghị chúng ta phải phối hợp với trách nhiệm cao nhất”.

Điểm đặc biệt nữa, đây cũng là nhiệm kỳ mà các lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội sẽ nghỉ theo quy định của Đảng và Nhà nước, cho nên cần phải kiện toàn để bảo đảm đủ số lượng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý “nếu làm số nghỉ trước mà mới kiện toàn thì sẽ không đủ điều kiện để họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho nên chúng ta nên kiện toàn các chức danh lãnh đạo trước. Lãnh đạo vào vị trí rồi, thì lúc đó bầu xong là có hiệu lực”. Khi kiện toàn các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì những đồng chí này sẽ đủ điều kiện để tiến hành họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ký văn bản, không phải ủy quyền cho đồng chí nào. Quyền này là của Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội mới được bầu.

Khẩn trương hoàn thiện nội dung kỳ họp

Kỳ họp thứ Mười một cũng là kỳ họp của năm chuyển giao nhiệm kỳ, cho nên một số Ủy viên Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề có tổ chức tiếp xúc cử tri ở kỳ họp này hay không? Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Luật Tổ chức Quốc hội quy định tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi Kỳ họp, nhưng đấy là những kỳ họp bình thường của năm (một năm tổ chức 2 kỳ họp thì có tiếp xúc cử tri trước và sau). Nhưng riêng Kỳ họp của năm chuyển giao nhiệm kỳ có 3 kỳ họp, theo thông lệ từ trước đến nay là không tổ chức tiếp xúc cử tri ở Kỳ họp thứ Mười một. Tuy nhiên, với mong muốn được tạm biệt và tri ân cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc tổ chức tiếp xúc cử tri có thể linh hoạt. Chúng ta không có chủ trương là không tiếp xúc cử tri mà đề nghị các đại biểu Quốc hội tùy từng địa phương sẽ đến gặp gỡ cử tri để báo cáo, tổng kết.

Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng mong muốn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban, Trưởng các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào công việc còn lại của mình để chuẩn bị chu đáo, gọn ghẽ, đến khi bàn giao, "bảo đảm sự tiếp nối như một dòng chảy liên tục, không bị tắc chỗ nào, không có gì cản trở dòng chảy này". Chủ tịch Quốc hội nói: “Những chức danh được kiện toàn tại Kỳ họp thứ Mười một, khi được Quốc hội thông qua Nghị quyết là có hiệu lực ngay, chứ không ai phê chuẩn nữa, người được bầu sẽ tiếp cận công việc ngay. Chủ tịch Quốc hội mới được bầu sẽ tuyên thệ và lên vị trí điều hành, chứ không chờ đợi gì hết. Tất cả những người được kiện toàn thay chức danh mới vẫn là đại biểu Quốc hội cho tới khi Quốc hội bầu ra Đại biểu Quốc hội mới. Không phải bàn giao rồi là các đồng chí về nhà nghỉ, các đồng chí vẫn ở tại hội trường, họp Quốc hội và hoàn thành nhiệm vụ đại biểu Quốc hội cho tới khi bầu ra đại biểu mới”.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã và đang tích cực, khẩn trương, nỗ lực, phối hợp hoàn thiện các nội dung kỳ họp, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Đến nay, đa số các nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Trong đó, các dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hầu hết các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ được cho ý kiến tại phiên họp này. Tại phiên họp tháng 3.2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo về kiến nghị của cử tri và tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội. Riêng nội dung xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét sau khi có ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan ngay sau phiên họp tiếp tục khẩn trương hoàn thiện các nội dung để kịp gửi đại biểu Quốc hội.

Nhất trí đề nghị này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thời gian chuẩn bị cho kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIV không còn nhiều. Tất cả các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Chính phủ, các cơ quan hữu quan chuẩn bị chủ động những nội dung báo cáo, để trình ra kỳ họp. Các báo cáo của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch Nước và các cơ quan trong hệ thống tư pháp phải được chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo để trình Quốc hội. Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, do đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Kỳ họp thứ Mười một cần được tổ chức theo đúng tinh thần phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 

Anh Thảo