Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực

Chủ động giám sát bảo đảm hiệu quả thực thi

- Thứ Bảy, 26/06/2021, 05:48 - Chia sẻ
Với sự tham gia của 15 nước, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) không chỉ tạo ra thị trường rộng lớn cho hàng hóa xuất khẩu mà còn có những tác động sâu rộng về kinh tế và chính trị - ngoại giao đối với nước ta. Mặc dù Quốc hội không phê chuẩn RCEP nhưng với tính chất quan trọng của Hiệp định này, các cơ quan của Quốc hội đã chủ động vào cuộc, đồng hành với Chính phủ để bảo đảm thực thi có hiệu quả.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu tại cuộc tọa đàm về RCEP
Ảnh: Thanh Chi

Tăng cường tin cậy, đan xen lợi ích

Mới đây, Thường trực Ủy ban Đối ngoại đã chủ trì tổ chức tọa đàm với sự tham dự của đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành, tổ chức liên quan để nghe báo cáo về tình hình ký kết, chuẩn bị cho việc triển khai thực thi RCEP. 

Báo cáo tại cuộc làm việc này, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương Lương Hoàng Thái nêu rõ, đây là FTA có quy mô lớn nhất thế giới về mặt dân số mà Việt Nam tham gia khi bao phủ tới 2,2 tỷ người, chiếm gần 30% GDP và hơn 25% thương mại toàn cầu. Các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, xóa bỏ thuế quan và các biện pháp tạo thuận lợi thương mại trong RCEP sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực. Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt là ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…

Về đầu tư, mức độ mở cửa thị trường của Việt Nam sẽ không vượt quá mức cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); không áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư. Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhìn chung thấp hơn cam kết trong CPTPP và EVFTA. Đối với mua sắm của Chính phủ, mức độ cam kết trong RCEP cũng thấp hơn nhiều so với CPTPP và EVFTA. Hơn nữa, Việt Nam không có cam kết mở cửa thị trường đối với lĩnh vực này.

RCEP cũng có nhiều ý nghĩa chính trị - ngoại giao với Việt Nam khi có sự tham gia của các đối tác lớn trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản. RCEP mang đậm dấu ấn của ASEAN bởi hiệp định này do ASEAN khởi xướng và đóng vai trò dẫn dắt trong suốt quá trình đàm phán, dù trong quá trình đàm phán kéo dài 8 năm đã gặp không ít thách thức. Việc thúc đẩy RCEP được chính thức ký kết trong năm 2020, năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, đã góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, củng cố thực lực và tham gia định hình các thể chế đa phương; đồng thời, góp phần tăng cường tin cậy, đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên RCEP.

Với quy mô và ý nghĩa kinh tế, chính trị - ngoại giao như vậy, tại sao RCEP lại không được trình Quốc hội phê chuẩn? Lý giải cặn kẽ điều này, đại diện Bộ Công thương cho biết, theo Luật Điều ước quốc tế năm 2016, những hiệp định nào có tác động về chính trị, an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia hoặc dẫn đến việc phải sửa đổi hoặc ban hành mới luật, pháp lệnh thì phải báo cáo Quốc hội. Tuy nhiên, RCEP được ký kết trong khuôn khổ hợp tác ASEAN nên những tác động của hiệp định này về mặt chính trị, an ninh - quốc phòng đều bảo đảm tuân thủ Hiến chương ASEAN. Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp Bạch Quốc An cho biết thêm, RCEP là FTA xâu chuỗi lại các cam kết, quy định trong các FTA đã ký giữa ASEAN với 5 nước đối tác nên không phát sinh nghĩa vụ quốc tế mới đối với Việt Nam. Qua rà soát hệ thống pháp luật hiện nay, Bộ Tư pháp nhận thấy, không có văn bản luật, pháp lệnh nào cần Quốc hội sửa đổi hoặc ban hành mới để bảo đảm thực hiện các cam kết trong khuôn khổ RCEP. Việt Nam chỉ cần ban hành một số văn bản ở cấp Chính phủ và cấp bộ để triển khai một số vấn đề về kỹ thuật.

Sau 8 năm đàm phán, RCEP được 15 nước (gồm 10 nước ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã có FTA là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand) ký kết ngày 15.11.2020. Hiệp định cần có ít nhất 6 nước ASEAN và ba nước ngoài khối ASEAN phê chuẩn để có hiệu lực. Đến nay, có Singapore, Thái Lan và hai nước ngoài khối ASEAN là Nhật Bản và Trung Quốc phê chuẩn RCEP. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, sau khi RCEP có hiệu lực thực thi, các nước tham gia hiệp định này sẽ chứng kiến mức tăng trưởng GDP khoảng 1,5%. Các nhà kinh tế ước tính, thỏa thuận này có thể bổ sung 200 tỷ USD vào nền kinh tế thế giới vào năm 2030. Tuy nhiên, để thực sự nhìn thấy những lợi ích mà RCEP mang lại cho Việt Nam cũng sẽ phải mất vài năm. 

Các cơ quan Quốc hội chủ động vào cuộc

Cùng với các FTA thế hệ mới gần đây Việt Nam tham gia ký kết là CPTPP, EVFTA, EVIPA, việc thực thi RCEP là một phần trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Vì lẽ đó, Quốc hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới việc đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực hiện các hiệp định này.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Quang Xuân, thời điểm Việt Nam đang đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã đến thăm trụ sở WTO, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong hoàn thiện thể chế để thực thi các cam kết với Tổ chức này. Sau đó, Quốc hội đã dành ưu tiên cao nhất cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy hoàn tất đàm phán gia nhập WTO. Hay với EVFTA, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân đến Nghị viện châu Âu đã tác động tích cực vào việc hoàn tất quá trình đàm phán, ký kết hiệp định này.

Nhắc lại như vậy để thấy rằng, mặc dù Quốc hội không phê chuẩn RCEP nhưng việc Thường trực Ủy ban Đối ngoại tổ chức tọa đàm về RCEP với sự tham gia của đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội với các cơ quan liên quan tới quá trình đàm phán, ký kết hiệp định này đã thể hiện sự chủ động vào cuộc của các cơ quan của Quốc hội đồng hành với Chính phủ trong việc đưa hiệp định này đi vào thực thi có hiệu quả. 

Thời gian qua, Quốc hội đã tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý khá toàn diện, đầy đủ cho tiến trình hội nhập, nhất là thực hiện các FTA. Do đó, vấn đề quan trọng đối với triển khai RCEP nằm ở việc thực thi các cam kết như thế nào để có thể tranh thủ tối đa những cơ hội mà hiệp định này mang lại. Thực tế cho thấy, các lợi ích, cơ hội mà các FTA mang lại cho Việt Nam thường đi kèm với những thách thức. Vì vậy, điều mà các đại biểu Quốc hội quan tâm là các bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp trong nước có sự chuẩn bị như thế nào để tận dụng tối đa những tiềm năng, cơ hội mà các FTA, trong đó có RCEP mang lại. Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, thách thức mà RCEP mang lại cho các doanh nghiệp trong nước là sức ép cạnh tranh hàng hoá và việc hàng hoá Việt vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn nhập khẩu, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị, mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu còn khiêm tốn. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, cũng không nên quá lo lắng trước những thách thức này. 

Đại diện Bộ Công thương đồng tình cho rằng, Quốc hội có vai trò và thẩm quyền rất lớn trong việc giám sát việc thực thi RCEP nói riêng và các FTA nói chung. Trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có giám sát chuyên đề việc thực thi các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết, qua đó thấy được mặt mạnh - yếu, những hạn chế, bất cập trong tổ chức thực thi để rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra giải pháp nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới. Chính vì vậy, giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội có vai trò rất quan trọng nhằm thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện các FTA, trong đó có RCEP đạt hiệu quả cao nhất. 

Nhật An