Bài học từ ách tắc nông sản vùng dịch

Chủ động kịch bản ứng phó

- Thứ Hai, 01/03/2021, 06:39 - Chia sẻ
Diễn biến dịch Covid-19 “không thể lường được”, nhưng theo các chuyên gia, việc ách tắc hàng hóa, đặc biệt là nông sản tại địa phương có dịch thời gian qua cho thấy sự lúng túng, thụ động của chính các cơ quan quản lý trong việc ban hành quy trình, tiêu chuẩn lưu thông hàng hóa cũng như lên kịch bản ứng phó.

Lúng túng, thụ động

Những ngày gần đây nông sản Hải Dương được tạo điều kiện lưu thông giúp tổng sản lượng tiêu thụ đã đạt trên 50%. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản cho biết, tính đến ngày 3.3 khi hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh cần thu hoạch và tiêu thụ hơn 62.000 tấn rau củ các loại. Trong đó, cà rốt khoảng 30.000 tấn (80% xuất khẩu); hành, tỏi trên 4.000 tấn; rau các loại 16.000 tấn... Tỷ lệ tiêu thụ chắc chắn sẽ tăng lên khi Hải Phòng - con đường chính để đưa 80% nông sản Hải Dương ra bên ngoài - đã áp dụng các biện pháp thông thoáng hơn.

	Người dân Đà Nẵng tham gia "giải cứu" nông sản Hải Dương. Nguồn Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh.
Người dân Đà Nẵng tham gia "giải cứu" nông sản Hải Dương.
Nguồn Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, nhiều nông dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh - vựa rau của thành phố Hà Nội - đã phải đổ bỏ sản phẩm nông nghiệp do không có nơi tiêu thụ vì nhà hàng, quán ăn tạm đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19. Đại diện HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt) cho biết, tổng diện tích dư thừa vào khoảng 30 - 50ha, sản lượng khoảng 100 tấn cà chua, 200 tấn củ cải.

Nông sản khó tiêu thụ, phải đổ bỏ khiến nông dân không thu hồi được chi phí đầu tư như phân bón, ngày công và làm cho cuộc sống của họ càng khó khăn hơn. 

Nhìn nhận về thực tế này, chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp cho rằng, dịch bệnh Covid-19 chính là nguyên nhân khiến tiêu thụ hàng hóa, trong đó có nông sản gặp khó khăn bởi việc siết các quy định phòng chống dịch. Tuy vậy, “dịch Covid-19 chỉ như cú đấm bồi cho hiện trạng vốn đang có những bất cập, hay nói cách khác, dịch bệnh chỉ là nguyên cớ”.

Ông Hiệp phân tích, dịch bùng phát lần 3 từ cuối tháng 1 song đến nay vẫn chưa có quy trình, tiêu chuẩn về sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt là nông sản trong vùng có dịch. Rõ ràng, các cơ quan quản lý đã có sự lúng túng. Chính vì chưa có quy trình, tiêu chuẩn mang tính thống nhất trong cả nước nên các địa phương có tâm lý e dè, siết chặt việc phòng chống dịch theo kiểu mạnh ai nấy làm. Khi rào chắn quá rộng, càng an toàn thì càng ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tắc nghẽn lưu thông.

Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú bổ sung, sự chậm trễ, lúng túng của cơ quan quản lý còn thể hiện ở chỗ đáng ra các bộ liên quan như Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế phải cử cán bộ, chuyên gia xuống cùng với địa phương nắm bắt tình hình, xem ách tắc ở khâu nào để kịp thời giải quyết. Chính vì thiếu phản ứng tức thời, cùng với chưa có quy trình thống nhất về sản xuất, lưu thông đã khiến hàng hóa, đặc biệt là nông sản bị ách tắc, khó tiêu thụ, hư hỏng.

 Đồng tình với nhận định trên, chuyên gia nông nghiệp Vũ Trọng Khải cho rằng, Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp thu mua cũng như doanh nghiệp vận tải để lưu thông nông sản, tránh ách tắc bằng các biện pháp như miễn giảm thuế. Nếu doanh nghiệp được khuyến khích, chắc chắn tình trạng tồn ứ sẽ được khắc phục. Đáng tiếc, “phản ứng chính sách của chúng ta khá chậm”.

"Phải xây dựng chuỗi giá trị"

Thực tế, không phải đến đợt dịch này mà tình trạng giải cứu nông sản vẫn xảy ra trong nhiều năm qua, cho thấy sự yếu kém trong xây dựng kế hoạch. Theo ông Vũ Vinh Phú, thời gian tới phải giải quyết vấn đề quy trình, chuỗi phân phối một cách khoa học, xem ách tắc ở chỗ nào phải tháo gỡ ngay. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần đặt ra các kịch bản khi có dịch thì làm thế nào, trong trường hợp phong tỏa thì sản xuất, lưu thông ra sao, đừng chờ đến khi sự việc xảy ra mới tìm phương án giải quyết. Bài học ở Hải Dương cho thấy, trong lúc chờ xin ý kiến các bộ, ngành, thì hàng tấn nông sản bị hỏng vì không để được lâu. Ngoài ra, còn có tình trạng một số mặt hàng tiêu dùng được lưu thông nhưng hàng nông sản bị ách lại, trong khi đúng ra các mặt hàng nông sản phải được ưu tiên đi trước.

Về lâu dài, “không có con đường nào khác là phải xây dựng chuỗi giá trị nông sản từ đồng ruộng đến siêu thị, xuất khẩu, đặc biệt là phải xây dựng chuỗi giá trị với nông sản chủ lực của từng vùng”, ông Trần Hữu Hiệp đề xuất. Trong chuỗi giá trị thì nông dân, hợp tác xã, siêu thị phải có quy trình rõ ràng để người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc. “Bài học của đồng bằng sông Cửu Long là minh chứng rõ nhất. Trước đây, vùng này có tình trạng giải cứu khá dày đặc từ cá tra, chuối… thì mấy năm nay không còn, cho thấy xây dựng chuỗi giá trị có tiến triển và là chìa khóa để tháo gỡ tình hình”, ông Hiệp nói.

Trong chuỗi giá trị, phải xác định rõ vai trò của 3 tác nhân gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân, trong đó doanh nghiệp phải làm nòng cốt. Muốn các tác nhân này đủ mạnh, chính sách hỗ trợ phải đúng, trúng, kịp thời. “Thực tế, chính sách hỗ trợ đã có, song cần rà soát xem bất cập ở đâu để tháo gỡ kịp thời, trong đó có vấn đề bố trí nguồn lực thực hiện. Tôi đi các tỉnh vùng Tây Nam Bộ, đại diện địa phương cho biết, quy định giao tỉnh phân bổ nguồn lực thực hiện hỗ trợ nhưng trong khi tỉnh còn phải xin trợ cấp Trung ương thì lấy đâu ra nguồn?’, ông Hiệp nêu vấn đề.

Cũng theo vị chuyên gia này, phải xây dựng được hệ sinh thái nông nghiệp và chuỗi giá trị phải đặt trong hệ sinh thái đó để nuôi dưỡng doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã và nông hộ. Quy hoạch vùng nguyên liệu là quy hoạch tích hợp, dựa trên lợi thế sinh thái tự nhiên, kèm theo đầu tư hạ tầng nông nghiệp bảo đảm kết nối vận chuyển, dịch vụ hậu cần (logistics) thì mới hạ giá thành nông sản, tăng tính cạnh tranh. “Vấn đề xây dựng chuỗi đã nói nhiều nhưng chúng ta vẫn đang thiếu nhiều thứ. Nên nhớ, chuỗi giá trị nông sản không chỉ riêng nông nghiệp mà phải có cả hệ thống dịch vụ hậu cần, hệ sinh thái”.

Thừa nhận trong chuỗi giá trị nông nghiệp, vai trò của hợp tác xã hầu như mới dừng ở kết nối doanh nghiệp với nông dân, chuyên gia nông nghiệp Vũ Trọng Khải đề xuất phải tăng cường vai trò của các hợp tác xã thông qua hình thành đội ngũ nông dân lớn để họ tập hợp lại, tức phải tích tụ ruộng đất. Điều này đồng nghĩa giảm được lao động nông nghiệp thông qua đào tạo nghề công nghiệp, dịch vụ, để họ chuyển dần sang.

Đối với doanh nghiệp, phải có chính sách để khuyến khích họ đầu tư vào kho lạnh, bảo quản, chế biến thông qua ưu đãi thuế nhập khẩu thiết bị vật tư, thuế thu nhập doanh nghiệp. Ông Khải thừa nhận, việc bố trí nguồn lực rất quan trọng, nếu không chính sách hỗ trợ sẽ chỉ nằm trên giấy, tình trạng tiếp tục giải cứu nông sản cũng sẽ khó có hồi kết.

Đ. Thanh