Chủ động, kịp thời, trách nhiệm, thể hiện rõ quyết tâm đổi mới, vì dân

- Thứ Năm, 04/11/2021, 06:00 - Chia sẻ
Trực tiếp tham dự Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV tại điểm cầu các địa phương, đại diện Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố khẳng định, việc tổ chức Hội nghị không những kịp thời mà còn thể hiện rõ quyết tâm đổi mới, tinh thần chủ động vào cuộc "từ sớm, từ xa" với lộ trình cụ thể, chắc chắn, bảo đảm công tác lập pháp đúng chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống trong tình hình mới. Dưới sự điều hành linh hoạt của Chủ tọa, nhiều ý kiến, đề xuất tâm huyết, chất lượng, đưa ra được các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án theo Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng LÃ THANH TÂN: Ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn

Ảnh: T. Nguyên

Việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14.10.2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV có ý nghĩa và tầm quan trọng hết sức to lớn trong bối cảnh hiện nay, với những dự báo tình hình kinh tế - xã hội có tác động đến công tác lập pháp trong nhiệm kỳ Khóa XV được nêu trong Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20.10.2021 của Đảng đoàn Quốc hội. Điều này tiếp tục thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đối với công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Quốc hội và cả hệ thống chính trị trong thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Khóa XV. Cụ thể là bảo đảm công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng; thể chế hóa kịp thời, đúng đắn và đầy đủ các chủ trương của Đảng, hướng đến mục tiêu vì con người, vì Nhân dân, nhân đạo, nhân văn; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và bảo đảm ngày càng tốt hơn dân chủ, công bằng, trật tự, kỷ cương xã hội…

Để triển khai hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng xây dựng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV của Đảng đoàn Quốc hội, Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng xác định tuân thủ sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng; nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn quan điểm, chủ trương, đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội và Thành ủy trong tổ chức hoạt động của Đoàn và các ĐBQH. Đồng thời, phối hợp chặt với HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện ở tất cả các lĩnh vực công tác của Đoàn ĐBQH thành phố. Thường xuyên gần gũi, liên hệ, gắn bó chặt chẽ, mật thiết, nắm bắt đầy đủ, thấu cảm sâu sắc tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của cử tri và Nhân dân. Phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo, không ngừng cải tiến phương thức, nội dung tổ chức hoạt động lấy ý kiến tham gia đóng góp xây dựng các dự thảo Luật. Thường xuyên chú trọng việc mời các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng liên quan tham gia vào quá trình nghiên cứu, đóng góp ý kiến xây dựng các dự án, dự thảo luật…

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình HOÀNG ĐỨC CHÍNH: Thể hiện rõ tinh thần chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa

Ảnh: Trần Tâm

Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV được tổ chức trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian nghỉ giữa 2 đợt họp của Kỳ họp thứ Hai là rất kịp thời. Đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng nhằm triển khai, cụ thể hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Đồng thời, cũng thể hiện quyết tâm đổi mới, cách làm bài bản, thống nhất trong hoạt động của Quốc hội Khóa XV, nhất là trong công tác xây dựng pháp luật, với phương châm: Quốc hội chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, với lộ trình bước đi cụ thể, chắc chắn. Từ đó, bảo đảm công tác lập pháp phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là những chủ trương nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV của Đảng đoàn Quốc hội là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng. Thông qua việc triển khai Đề án giúp các ĐBQH thấy được những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Từ đó, đóng góp xây dựng định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Khóa XV, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng. Thông tin tại Hội nghị rất cần thiết và quan trọng, giúp các ĐBQH thực hiện ngày càng tốt nhiệm vụ, đặc biệt trong lĩnh vực lập pháp. 

Đặc biệt, dưới sự điều hành linh hoạt, chủ động của Chủ tọa theo hướng dân chủ, đã có nhiều ý kiến, đề xuất trách nhiệm, tâm huyết, chất lượng được đưa ra, trong đó đã đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả nhằm quán triệt, thống nhất triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Trong kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: Quốc hội dành ưu tiên cao nhất đến chất lượng luật, chứ không chạy theo số lượng. Các hồ sơ, dự án luật trình Quốc hội phải tuân thủ đầy đủ quy trình và bảo đảm thời gian, tiến độ theo quy định để góp phần ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng ban hành pháp luật, tạo niềm tin của cử tri và Nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An THÁI THỊ AN CHUNG: Nhiều ý kiến, đề xuất trách nhiệm, chất lượng

Ảnh: Hải Phong

Việc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV không những kịp thời mà còn thể hiện quyết tâm đổi mới, sự linh hoạt và thích ứng của Quốc hội với bối cảnh tình hình mới. Các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến trách nhiệm, chất lượng, góp phần thực hiện có hiệu quả Kết luận 19-KL/TW.

Với 8 nhóm định hướng lớn, 70 định hướng cụ thể, Đề án Định hướng xây dựng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV của Đảng đoàn Quốc hội đã bám sát chủ trương, đường lối Đại hội XIII và các văn kiện quan trọng khác của Đảng, từ đó đề ra 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể cần thực hiện trong nhiệm kỳ này nhằm hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Các định hướng và nhiệm vụ lập pháp đề ra trong Đề án đã bao quát toàn diện các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, quán triệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV: “Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội”…

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long NGUYỄN THỊ MINH TRANG: Tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước

Ảnh: M.Tuân

Hội nghị trực tuyến toàn quốc lần này có quy mô và ý nghĩa quan trọng không chỉ với riêng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH mà còn đối với tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Lần đầu tiên, Bộ Chính trị có kết luận về định hướng xây dựng pháp luật cho cả một nhiệm kỳ. Đây là định hướng hết sức quan trọng để Quốc hội và các cơ quan chủ động hơn, vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng pháp luật; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Những quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị không chỉ có ý nghĩa định hướng hoạt động lập pháp trong giai đoạn 2021 - 2026 mà còn hướng đến mục tiêu dài hạn cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là khắc phục tình trạng văn bản luật thiếu tính ổn định, "luật khung, luật ống", chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật…

M. TUÂN - T. TÂM - D. ANH - T. NGUYÊN thực hiện