Các hoạt động đối ngoại đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Quốc hội Khóa XV

Chủ động, linh hoạt, không ngừng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam

- Thứ Bảy, 04/09/2021, 12:51 - Chia sẻ
Chỉ ít ngày sau khi kết thúc rất thành công các hoạt động tham dự Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 42 theo hình thức trực tuyến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam trực tiếp tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hòa Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu và Vương quốc Bỉ, thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan từ ngày 5 - 11.9 tới. Từ dấu ấn đậm nét với những đóng góp hiệu quả, thực chất của Quốc hội Việt Nam tại diễn đàn nghị viện khu vực vừa qua, chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội đến khu vực châu Âu sẽ tiếp tục chuyển tải thông điệp, hình ảnh về đất nước Việt Nam với một Quốc hội hành động, là quốc gia có trách nhiệm, chủ động, tích cực trong hợp tác đa phương, có chính sách đối ngoại rộng mở, khát khao phát triển, nỗ lực vươn lên trong đại dịch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên Khai mạc Đại hội đồng AIPA lần thứ 42
Ảnh: Lâm Hiển

Chủ động, tích cực dẫn dắt các nỗ lực chung tại diễn đàn nghị viện khu vực

Đại dịch Covid-19 là “phép thử” lớn đối với sự vững chắc của các quốc gia thành viên ASEAN và đặt ra câu hỏi liệu các nước có thể vượt qua đại dịch, phát triển mạnh mẽ hơn sau đại dịch hay không? Đại hội đồng AIPA 42 với chủ đề “Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025” do Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam tổ chức trực tuyến từ ngày 23-25.8 vừa qua đã góp phần quan trọng tìm câu trả lời cho vấn đề này.

Với sự tham dự đầy đủ, tích cực và ở cấp cao nhất của Chủ tịch Quốc hội các nghị viện thành viên, Đại hội đồng AIPA 42 đã thông qua Thông cáo chung và 25 Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng để nghị viện đồng hành với Chính phủ, thúc đẩy hợp tác nội khối ASEAN cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19 và phục hồi sau đại dịch. Có thể kể đến những Nghị quyết như: “Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm”; “Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN”; “Tăng cường an ninh con người trong kỹ thuật số bao trùm vì ASEAN”; “Tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN thông qua thúc đẩy số hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa”; “Phục hồi kinh tế hậu Covid-19: Hợp tác du lịch trong ASEAN… Kết quả của AIPA 42 một lần nữa minh chứng cho tinh thần gắn kết, hợp tác và trách nhiệm cũng như khả năng thích ứng của AIPA trong vượt qua thách thức của đại dịch, thúc đẩy hợp tác và phát triển của Cộng đồng ASEAN.

Trong thành công tốt đẹp đó phải kể đến điểm nổi bật là với vai trò kết nối của Việt Nam, sau 4 kỳ Đại hội đồng liên tiếp, Ủy ban Chính trị đã tổ chức họp thành công và thông qua 4 dự thảo Nghị quyết, cho thấy sự đồng thuận và quyết tâm mạnh mẽ của các nghị viện thành viên AIPA đồng hành, hỗ trợ ASEAN vượt qua khủng hoảng và giải quyết các thách thức khu vực, cùng xây dựng ASEAN đoàn kết, thịnh vượng, hướng tới Cộng đồng ASEAN 2025 và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực.

Đại hội đồng AIPA 42 là hoạt động đối ngoại đa phương chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta trong nhiệm kỳ Khóa XV. Đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực, hiệu quả và có trách nhiệm vào các hoạt động chung của AIPA, thể hiện đậm nét chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, phát huy vị thế của Việt Nam sau thành công của Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Chủ tịch ASEAN 2020 được các nghị viện thành viên ghi nhận và đánh giá cao.

Đóng góp nổi bật của Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đồng AIPA 42 được thể hiện qua phát biểu chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng, thể hiện sâu sắc tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sự đồng lòng của Việt Nam đối với những nỗ lực chung của AIPA để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức.

“Đề xuất 5 điểm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhằm phát huy vai trò quan trọng của AIPA và các nghị viện thành viên trong việc đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, bảo đảm tăng trưởng ổn định, phục hồi bền vững của ASEAN sau đại dịch Covid-19, tiếp tục là hạt nhân đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực đã phản ánh đúng và trúng các yêu cầu, đòi hỏi cấp bách đang đặt ra hiện nay ở mỗi quốc gia cũng như cả khu vực ASEAN về chuyển đổi số, xem đây là đòn bẩy để sớm vượt qua đại dịch Covid-19 và nhanh chóng khôi phục đà tăng trưởng bền vững. Các đề xuất này đều đã được phản ánh đầy đủ, rõ nét trong Thông cáo chung của Đại hội đồng AIPA 42. Đây là sự ghi nhận, hưởng ứng tích cực của nghị viện các nước thành viên đối với những đóng góp của Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đồng AIPA lần này”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà nhấn mạnh.

Tại các Ủy ban Chính trị, Kinh tế, Xã hội, Tổ chức của AIPA, Đoàn Việt Nam đã tham gia rất sâu vào các dự thảo Nghị quyết; đề xuất, gợi mở nhiều sáng kiến, đưa ra các khuyến nghị cụ thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác liên nghị viện trong ASEAN, bám sát chức năng và quyền hạn của Quốc hội đó là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Những đề xuất, ý tưởng của Việt Nam tại AIPA 42 thể hiện vai trò dẫn dắt, quan điểm nhất quán đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên họp toàn thể, đồng thời truyền đi thông điệp về một nước Việt Nam không ngừng đổi mới, Quốc hội Việt Nam trách nhiệm, tích cực và chủ động đối với hợp tác liên nghị viện đa phương khu vực vì sự phát triển của Cộng đồng, được các nghị viện thành viên ghi nhận và đánh giá cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tham dự phiên Khai mạc Đại hội đồng AIPA lần thứ 42
Ảnh: Lâm Hiển

Phát huy vai trò, vị thế Việt Nam tại cơ chế hợp tác nghị viện thế giới

Tiếp nối thành công và những dấu ấn đậm nét của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đồng AIPA 42, ngày mai, 5.9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ lên đường tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) - hoạt động nghị viện cấp cao nhất do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) phối hợp với Liên Hợp Quốc tổ chức tại Cộng hòa Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu, Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Phần Lan.

Thu hút sự tham dự của hơn 110 Chủ tịch Quốc hội trên toàn thế giới, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU và lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế khác…, WCSP5 sẽ tập trung thảo luận về “Sự dẫn dắt nghị viện vì hợp tác đa phương hiệu quả hơn nhằm mang lại hòa bình, phát triển bền vững cho người dân và trái đất này” và 5 chuyên đề về: Hướng tới một Hiệp ước toàn cầu về bình đẳng giới; Giảm thiểu tác động của đại dịch Covid - 19; Phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi nền kinh tế để ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững; Cân bằng mối quan hệ giữa cởi mở, minh bạch và khả năng tiếp cận của nghị viện và vấn đề an ninh; Nghị viện và quản trị toàn cầu, tăng cường vai trò của nghị viện đối với hoạt động của Liên Hợp Quốc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn Việt Nam sẽ tham dự và phát biểu, thảo luận tại các phiên họp trong khuôn khổ WCSP5. Các hoạt động này tiếp tục khẳng định cam kết chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Việt Nam; tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác nghị viện thế giới. Việc tham dự Hội nghị còn thể hiện sự ủng hộ của Quốc hội Việt Nam đối với Nghị viện Áo, tăng cường quan hệ và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nghị viện các nước.

Đoàn Việt Nam cũng sẽ chia sẻ và đóng góp ý kiến góp phần phòng, chống, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trên toàn cầu; triển khai tích cực ngoại giao vaccine, trao đổi, vận động các nước, các đối tác, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp tài trợ, viện trợ vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế cũng như thúc đẩy thương mại vaccine và tranh thủ nguồn dôi dư vaccine của các nước để có thêm các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch trong nước.

Thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), một số hoạt động song phương tại Áo, Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Phần Lan, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn sẽ thúc đẩy quan hệ với đối tác và hợp tác toàn diện với EU/EP - một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Bỉ và Phần Lan cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác nghị viện với các nước đến thăm. Đặc biệt với EP, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng sau khi EP và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn EVFTA và EVIPA, thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc triển khai các cam kết; đồng thời, là sự mở đầu cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Lãnh đạo cao nhất của hai cơ quan lập pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới. Với Phần Lan, đây là chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Phần Lan sau nhiều nhiệm kỳ, tạo dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước và hai cơ quan lập pháp; đồng thời, thông qua Phần Lan thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Bắc Âu và Baltic.

Trong chuyến công tác, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn có các cuộc tiếp xúc không chỉ thông qua kênh nghị viện mà còn với lãnh đạo Liên minh Châu Âu và Chính phủ của các nước, kết hợp đối ngoại đa phương và đối ngoại song phương, ngoại giao nghị viện và ngoại giao nhà nước trên tinh thần triển khai Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh đưa đối ngoại đa phương thành một nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Chủ tịch Quốc hội và Đoàn cũng sẽ trực tiếp tham dự các hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp Việt Nam và các nước, gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp và tiếp một số doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia lớn của Châu Âu và thế giới, thể hiện nỗ lực cùng các nước và cộng đồng doanh nghiệp duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch đồng thời quảng bá tiềm năng, thế mạnh cũng như giới thiệu môi trường đầu tư, nhu cầu và các chính sách của Việt Nam nhằm thu hút, tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài phục vụ mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa duy trì phát triển kinh tế, phục hồi sau đại dịch.

Từ AIPA 42 đến WCSP5, EP, Áo, Bỉ, Phần Lan, từ diễn đàn liên nghị viện khu vực đến cơ chế liên nghị viện quy mô lớn của thế giới, từ trực tuyến đến trực tiếp, kết hợp giữa đối ngoại đa phương và song phương, ngoại giao nghị viện và ngoại giao nhà nước, các hoạt động đối ngoại đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ Khóa XV đã và đang thể hiện đậm nét tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là: chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Phạm Thúy