Chủ động, linh hoạt ngày khai trường

- Thứ Tư, 01/09/2021, 07:02 - Chia sẻ
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có thể linh loạt thời gian bắt đầu năm học mới. Đặc biệt, tại địa phương có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có thể lùi thời điểm bắt đầu năm học mới cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, dành thời gian trước mắt để tập trung chống dịch. Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong công điện của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các địa phương về việc chuẩn bị cho năm học mới.

Thực tế, khi diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, việc vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả vừa bảo đảm “dừng đến trường, không dừng học” là nhiệm vụ không dễ thực hiện. Nhiều địa phương không thể bảo đảm đáp ứng được cơ sở vật chất để triển khai dạy và học trực tuyến. Trình độ tiếp cận công nghệ thông tin của giáo viên và học sinh ở vùng sâu, vùng xa cũng còn nhiều hạn chế chưa theo kịp với xu hướng mới. Trước thực tế đó, đến nay đã có 13/63 tỉnh, thành phố trên cả nước thông báo lùi thời gian tựu trường, khai giảng năm học mới.

Đặt mình vào phụ huynh có con nhỏ ở tuổi đi học ở vùng tâm dịch sẽ thấy lo lắng trăm bề. Vừa lo lắng giữ cho con an toàn, khỏe mạnh trong đại dịch, vừa phải lo chuyện học hành sắp tới của con thế nào. Việc học trực tuyến, nghe thì giản đơn, nhưng không phải phụ huynh nào cũng đủ điều kiện sắm sửa máy móc và đủ khả năng để theo dõi bài học để hỗ trợ việc học cho con hàng ngày. Ngay cả những địa phương không phải là tâm dịch thì việc quay trở lại trường học trực tiếp cũng chứa nhiều rủi ro. Đã có trường hợp cô giáo mắc Covid-19 và sau ngày tựu trường, 3 học sinh cũng trở thành F0.

Năm học 2021 - 2022 sẽ là năm đầu tiên các trường tiểu học, THCS trên cả nước thực hiện chương trình lớp 2, lớp 6 mới; là năm thứ hai các trường tiểu học thực hiện chương trình lớp 1 mới. Đây chính là nguyên nhân khiến phụ huynh và cả giáo viên dè dặt khi nói về phương án học trực tuyến. Nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương nên cân nhắc năm học mới bắt đầu từ tháng 9 đối với học sinh lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12 vì các em đã lớn, ý thức học tập cao. Còn học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 6 mà học trực tuyến rất khó đạt kết quả tốt bởi các em chưa được làm quen với trường, với lớp, với thầy cô giáo, chưa được hướng dẫn phương pháp học tập mới của sách mới.

Việc tổ chức dạy và học online trong năm học vừa qua, dù đã rất nỗ lực, cố gắng nhưng vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Sẽ rất khó để đưa ra đánh giá liên quan tới chất lượng. Vì thế, khung thời gian năm học mới phải tự các địa phương quyết định thế nào cho hợp lý, xây dựng chương trình chung về dạy và học online thế nào, giải pháp nào để học sinh đến trường an toàn… tuỳ theo tình hình thực tế tại địa phương. Nếu địa phương nào không đủ điều kiện để triển khai dạy và học trực tiếp lẫn gián tiếp thì có thể lùi thời điểm bắt đầu năm học mới. Các tỉnh, thành có thể tận dụng các tuần dự phòng, giảm thời gian nghỉ Tết nguyên đán, giảm thời gian nghỉ hè… để có thể bắt đầu năm học muộn hơn so với mọi năm.

Quan trọng hơn cả là các địa phương phải thiết kế chương trình dạy và học để các em học sinh đều có thể tiếp cận một cách bình đẳng. Điều này đòi hỏi chính quyền bên cạnh triển khai các biện pháp chống dịch hiệu quả, lo cho người nghèo không bị bỏ lại phía sau, lo cầm cự kinh tế thì cũng không quên chăm lo cho trẻ em nghèo, trẻ ở vùng khó khăn. Không để vì ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế khó khăn mà trẻ phải bỏ học, thiếu thiết bị học tập…

Lùi năm học mới, không đồng nghĩa với có khoảng thời gian chết mà cần tạo thói quen học tập cho các em học sinh, nhất là ở cấp tiểu học. Đơn cử như ở TP. Hồ Chí Minh, cấp tiểu học sẽ khai giảng vào đầu tháng 10, nhưng từ giữa tháng 8, các cô trò đã làm quen và giảng dạy online, nhằm giảm bớt áp lực học dồn dập khi quay lại trường. Tin rằng, trong khó khăn, với sự chủ động, tự quyết của các địa phương, chúng ta sẽ có những thế hệ học sinh mới chủ động trong học tập, dẫu dịch bệnh buộc chúng ta “dừng đến trường, nhưng không dừng học”.

Chi An