Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội):

Chủ động, linh hoạt trong đối phó với dịch bệnh

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 12:56 - Chia sẻ
Như cha ông ta thường nói “lửa thử vàng, gian nản thử sức”, có thể nói dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chung tay của Quốc hội và sự nỗ lực của toàn dân, Chính phủ đã khá chủ động linh hoạt, uyển chuyển trong việc đối phó với dịch Covid-19 để vừa bảo đảm thực hiện mục tiêu chống dịch vừa duy trì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Cho dù về tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức 5,64% là chưa đạt như kỳ vọng, nhưng so với quốc tế và khu vực thì đây là tỷ lệ cao. Thực trạng kinh tế ở thời điểm này, đầu quý III xấu hơn nhiều, đây là điều chúng ta cần tính toán cẩn trọng trong kế hoạch phát triển trong những tháng cuối năm.

Hiện nay nếu chỉ căn cứ vào con số của 6 tháng đầu năm có thể thấy sự phân hoá lớn trong sự phát triển của các khu vực trong nền kinh tế. Trong khi kinh tế đối ngoại phục hồi mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất khẩu cao đạt hơn 30% so với năm ngoái thì khu vực kinh tế trong nước rơi vào tình trạng trầm lắng do sức mua rất yếu. Tổng mức bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm gần như dậm chân tại chỗ so với cùng kỳ hai năm trước, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ tương đương tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Xưa nay lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp luôn có tốc độ tăng trưởng thấp nhất, dịch vụ luôn có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, 6 tháng đầu nay tốc độ hai khu vực này tương đương, tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ cũng kém xa khu vực xây dựng, công nghiệp. Đây là tín hiệu rất đáng lo ngại. Chúng ta vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng của dịch vụ - “ngôi sao hy vọng” của nền kinh tế Việt Nam.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) phát biểu

Ảnh: Quang Khánh 

Sự tương phản này đều do những ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các biện pháp giãn cách xã hội đang được tăng cường khiến các doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu vực dịch vụ. Trong khu vực dịch vụ, ngoài các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các doanh nghiệp dịch vụ khác đang là các “tử huyệt” của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, vận tải đang “chết dần, chết mòn” và có khả năng nhiều doanh nghiệp trong khu vực này không vực dậy được sau đại dịch nếu không có các biện pháp hỗ trợ thiết thực, mạnh mẽ. Thời gian qua dù đã có các biện pháp hỗ trợ nhưng thực sự chưa đi vào thực tế bao nhiêu.

Tôi đồng ý với các chủ trương lớn của Chính phủ đã và đang thực hiện. Trước hết, phải đẩy mạnh tiêm vaccine, đặc biệt là các khu vực động lực tăng trưởng của nền kinh tế để có thể vừa bảo vệ được sinh mạng cho nhân dân vừa duy trì sản xuất, kinh doanh và tránh làm đứt gãy nguồn cung. Đây là các giải pháp rất căn cơ.

Thứ hai là chuẩn bị điều kiện và lộ trình để mở cửa lại nền kinh tế tương ứng với tỷ lệ tiêm trủng vaccine của người dân. Đây cũng là giải pháp rất căn cơ.

Thứ ba là giải pháp của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay và cắt giảm, thu hồi vốn đối với các bộ, ngành, địa phương làm chưa tốt để bổ sung cho các cơ quan Trung ương và địa phương có tốc độ giải ngân tốt. Đó là chủ trương rất đúng đắn.

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa, tôi đánh giá rất cao Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất, đồng thuận với các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi suất. Điều này được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao. Gói hỗ trợ 26.000 tỷ của Chính phủ ban hành cũng được đánh giá rất cao, khi đã cắt giảm được các thủ tục hành chính và có khả năng đẩy nhanh tốc độ giải ngân.

Trong lĩnh vực dịch vụ thì trợ giúp là một việc, hỗ trợ về tài chính là một việc nhưng căn cơ là áp dụng hộ chiếu vaccine càng sớm càng tốt. Hộ chiếu vaccine, không chỉ hiểu như hộ chiếu vaccine cho du khách quốc tế đến Việt Nam mà đó là hộ chiếu vaccine cho toàn dân Việt Nam. Khi chúng ta có được tỷ lệ dân cư tiêm đủ hai mũi vaccine sẽ là động lực cho nền kinh tế phục hồi.

Về các biện pháp cải cách thể chế, việc Chính phủ rà soát những bất hợp lý, chồng chéo để kiến nghị với Quốc hội sửa đổi là cần thiết. Chính phủ thành lập các tổ công tác đặc biệt để có thể thúc đẩy, hỗ trợ triển khai các dự án cũng rất kịp thời. Chúng tôi đề nghị không chỉ các dự án công, dự án FDI mà các dự án tư nhân hiện nay đang gặp trở ngại về thủ tục nên phải hỗ trợ đẩy nhanh giải quyết các thủ tục, sớm các dự án vào sản xuất kinh doanh. Đây là những giải pháp rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Đức Hiệp