Chủ động phát triển sản phẩm chất lượng cao

- Chủ Nhật, 05/12/2021, 05:18 - Chia sẻ
Tính đến tháng 11.2021, Bắc Giang có 116 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (1 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao). Trong đó có 34 sản phẩm đạt 4 sao, chiếm 29,31%; 82 sản phẩm đạt 3 sao, chiếm 70,69%, đứng thứ 3 khu vực miền núi phía Bắc (sau Hà Giang 188 sản phẩm và Bắc Kạn 131 sản phẩm) và đứng thứ 12 cả nước.
Quá trình đóng gói mỳ Chũ theo tiêu chuẩn OCOP

Dự kiến 155 sản phẩn OCOP năm 2021

Trước những diễn biến tiêu cực và phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành nông nghiệp Bắc Giang vẫn có những hoạt động tích cực nhằm duy trì sản xuất, thực hiện đánh giá các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Theo Báo cáo số 205/BC-TGV của Tổ giúp việc hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh Bắc Giang năm 2021, theo đó toàn tỉnh đã có 61 sản phẩm được đánh giá, phân hạng dự kiến đạt từ 3 sao trở lên. Lũy kế đến hết năm 2021, toàn tỉnh dự kiến có 155 sản phẩm OCOP, trong đó có 36 sản phẩm 4 sao và 119 sản phẩm 3 sao. Đây được xem là cơ sở quan trọng đưa Bắc Giang lên vị trí thứ 2 khu vực miền núi phía Bắc sau Hà Giang và đứng thứ 7 cả nước về số sản phẩm OCOP.

Số sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng đợt 2 tăng gần gấp đôi so với đợt 1, đều là những sản phẩm thế mạnh của địa phương (một số sản phẩm được công nhận là sản phẩm chủ lực, đặc trưng tiềm năng của tỉnh: mỳ gạo Cảnh Thụy ; na dai Nghĩa Phương; mỳ gạo Chũ; mật ong Sơn Động; nấm Lạng Giang... Các sản phẩm này đều được đánh giá cao về hình thức, mẫu mã đa dạng, một số sản phẩm có bao bì đẹp như rượu nấm lim xanh; rượu thóc men lá Mộc Sơn…

Với tỷ lệ 82,86% số hợp tác xã (HTX) tham gia đã góp phần tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, nâng cao vai trò kinh tế tập thể, HTX trong thực hiện chương trình OCOP. Nhiều huyện như Tân Yên, Sơn Động đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang để hướng dẫn chủ thể sản xuất hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, hoàn thiện bao bì, tem nhãn phù hợp yêu cầu của chương trình.

Năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu độc quyền cho mỳ Chũ (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang). Nhờ được đầu tư máy móc tráng liên hoàn, máy thái mỳ giúp nâng cao chất lượng, tăng năng suất lao động, quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, khép kín; nguyên liệu được lựa chọn kỹ lưỡng. Hiện nay, làng nghề mỳ Chũ có hơn 300 hộ sản xuất mỳ gạo (chiếm tới 85% số hộ trong làng). Trong đó, chủ yếu các hộ tham gia cùng các HTX trong chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nên không lo đầu ra. Thị trường tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu. Qua đó, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân làng nghề, nhiều hộ dân, HTX đã trở nên khá giả và quyết tâm gắn bó với nghề truyền thống.

Phấn đấu 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, trong năm 2022 sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tập trung triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đặc biệt là công tác rà soát, định hướng, tư vấn, hỗ trợ phát triển sản phẩm mới tham gia chương trình. Với mục tiêu đến 2022, phấn đấu có tối thiểu 30 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, nâng hạng sao cho một số sản phẩm đã đăng ký, phát triển ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.

Cùng với đó, tập trung hướng dẫn thành lập mới nhiều HTX để tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn; các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng các điểm bán hàng, công tác truyền thông qua các hội chợ, xây dựng cẩm nang sản phẩm để quảng bá tại các hội nghị xúc tiến cung cầu; phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch; quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất bảo đảm chất lượng; tăng cường các hoạt động tập huấn, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm về bao bì, tem nhãn mác, thương hiệu, hồ sơ sản phẩm cho các chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên.

Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cũng đề xuất ứng dụng Công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP năm 2022 (phần mềm chấm điểm sản phẩm OCOP, quản lý sản phẩm đã được xếp hạng OCOP) và rà soát các sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia để tập trung hướng dẫn, hoàn thiện, trong đó ưu tiên phát triển sản phẩm vải thiều, mỳ Chũ (huyện Lục Ngạn) và sản phẩm gà đồi Yên Thế.

Văn Anh