TP. Hồ Chí Minh

Chủ động phục hồi kinh tế - xã hội

- Thứ Hai, 18/10/2021, 06:24 - Chia sẻ
Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, thành phố phải tiến hành song song hai việc: vừa tập trung phòng chống dịch, vừa phải tính toán có lộ trình để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tìm giải pháp đột phá

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025” nhằm nhận diện, dự báo các thách thức, rủi ro ảnh hưởng đến các động lực tăng trưởng của thành phố. Qua đó, xây dựng các giải pháp mang tính đột phá, tạo đà phát triển của thành phố trong thời gian tới, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh sau thời gian bị tác động bởi đại dịch Covid-19.

TP. Hồ Chí Minh bàn giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025
TP. Hồ Chí Minh bàn giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi chia sẻ, TP. Hồ Chí Minh chưa bao giờ gặp khó khăn và chịu tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 như thời gian vừa qua. Hiện tại, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng cơ bản đã được kiểm soát. Do đó, bên cạnh công tác phòng, chống dịch, thành phố cần xây dựng các kế hoạch có lộ trình, kịch bản để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Chủ tịch UBND thành phố, hội thảo đặt ra 3 vấn đề: Thứ nhất, tập trung đánh giá, nhận diện xu hướng, diễn biến dịch cùng những tác động tích cực, tiêu cực đối với kinh tế thế giới, cả nước và TP. Hồ Chí Minh. Thứ 2, đưa ra những phương án giúp thành phố giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, giữ vững vị trí trong mối tương quan giữa các thành phố trong khu vực và thế giới. Thứ 3, vạch ra kế hoạch nhằm duy trì, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu được đặt ra tại Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI.

Nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, năm 2021 là một thử thách có tổn thất nhưng để lại nhiều bài học, trong đó có kinh nghiệm chống Covid-19 cùng những mô hình phát triển tốt hơn năm 2020. Ông Nhân đề xuất, trong tháng 10, TP. Hồ Chí Minh nên tổng kết toàn diện việc phòng, chống dịch Covid-19 của 2 năm là 2020 và 2021. Qua đó, khẳng định thành quả đạt được, vạch ra hậu quả và những yêu cầu thực tiễn.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh cần hoàn tất chính sách hỗ trợ lần 3 cho các nhóm đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh; hỗ trợ lực lượng y tế về vật chất và tinh thần; triển khai chương trình phục hồi kinh tế, khẩn trương hỗ trợ nhân dân và doanh nghiệp, tập trung trong 6 tháng tới. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng, cụ thể hóa 4 chương trình phát triển và 51 chương trình cụ thể, chậm nhất tháng 3 năm sau phải trình HĐND thành phố thông qua; triển khai các chương trình bảo đảm quốc gia của thời kỳ 2021 - 2025 trong đó bổ sung vốn trái phiếu của Chính phủ hoặc của TP. Hồ Chí Minh cho cả nhiệm kỳ; có phương án với các quận, huyện vẫn có số lượng F0 cao; hỗ trợ người dân các tỉnh, thành phố quay trở lại TP. Hồ Chí Minh làm việc…

“Trong quá trình phát triển của thành phố, TP. Thủ Đức là địa bàn đột phá về kinh tế tri thức nhưng hạ tầng vẫn chưa tương thích. Nên dành một gói vay thông qua trái phiếu riêng cho TP. Thủ Đức trong 5 năm để phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng kinh tế tri thức”, ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất.

Sống chung an toàn với dịch bệnh

PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh đề nghị thành phố tiếp tục thực hiện 5K; cho phép doanh nghiệp tự chủ trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch; chấp nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng miễn là tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát; không cần thiết cách ly người F1 nếu những người này đã được tiêm vaccine 2 mũi. “Thành phố cần mạnh dạn xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế nhằm tranh thủ thời cơ”, ông Dũng đề nghị.

Theo PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, với cố gắng đạt 2 mũi tiêm vaccine cho trên 90% người trên 65 tuổi và trên 80% cho người trên 50 tuổi, chúng ta có thể bảo vệ được người cao tuổi, không làm tăng số ca tử vong và không làm quá tải hệ thống y tế. Ngoài ra, số ca mắc ở một số lượng nào đó cũng giúp tạo ra yếu tố kích thích miễn dịch trong cộng đồng. “Từ quan điểm này, chúng ta có thể bớt khắt khe hơn trong các biện pháp chống dịch. Các biện pháp chế tài cực đoan có thể không phù hợp mà thay vào đó sử dụng biện pháp chế tài kinh tế có thể có hiệu quả cao hơn”, PGS. TS. Đỗ Văn Dũng đánh giá.

Tại hội thảo, các tham luận tập trung vào 4 nội dung gồm: Lao động, việc làm; thu nhập, chi tiêu; sức khỏe cộng đồng; văn hóa - giáo dục, xã hội. Trong đó, nổi lên một số vấn đề lớn đó là vấn đề miễn dịch cộng đồng để sống chung an toàn và bền vững với Covid-19. Điều này được đề cập, đi cùng với một số kiến nghị nhằm phục hồi kinh tế bao gồm: Tuân thủ quy tắc phòng, chống dịch bệnh, xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp; xây dựng mạng lưới giám sát dịch tễ, đánh giá mức độ miễn dịch của người lớn tuổi.

Các tham luận cũng đề cập đến tính cấp thiết tăng cường năng lực y tế cơ sở, trong đó vai trò mạng lưới bác sĩ gia đình là một điển hình. Vấn đề xác lập đối tượng chăm sóc sức khỏe tinh thần cho ba đối tượng gồm người trưởng thành, trẻ em và nhóm yếu thế tại TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đó, các đại biểu đã đề xuất nghiên cứu thành lập Trung tâm phản ứng Chăm sóc sức khỏe tinh thần sau đại dịch để chăm sóc sức khỏe cho người dân; đề xuất mô hình tiếp cận chăm sóc sức khỏe tâm thần theo 3 mức độ: các dịch vụ phòng ngừa phổ quát cho nhóm có nguy cơ thấp - các dịch vụ phòng ngừa mục tiêu cho nhóm nguy cơ trung bình - các dịch vụ chỉ định can thiệp chuyên sâu cho nhóm nguy cơ cao.

Ngoài ra, công tác xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân, người lao động cũng được đề cập trong nội dung các tham luận. Đây được xác định là vấn đề bức thiết và cấp bách, được đặt ra hiện nay sau đại dịch. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh cần ưu tiên đầu tư 3 chương trình nhà ở gồm: chương trình nhà lưu trú công nhân; chương trình giải tỏa, di dời và tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân sinh sống trên và ven kênh rạch; chương trình nhà cho thuê dài hạn, đủ tiêu chuẩn với giá thuê hợp lý.

Nhật Trường