Phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực

Chủ động, toàn diện và hiệu quả

- Thứ Ba, 29/06/2021, 05:44 - Chia sẻ
Để tiếp tục đổi mới, hoạch định và thực thi con đường xã hội chủ nghĩa, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Ý thức được nguy cơ đối với đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hóa..., nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị”. Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là những “chiếc bình thông nhau”! Hơn bao giờ hết, phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực phải gắn liền với nhau.

Lãng phí “dung dưỡng” cho tham nhũng, tiêu cực

Theo dõi hàng trăm vụ án về tham nhũng, nhất là những vụ điều tra kéo dài nhiều năm, liên quan tới nhiều tổ chức, nhiều người, thậm chí vượt khỏi biên giới quốc gia, đặc biệt các vụ đại án đã được xét xử vừa qua cho thấy, tham nhũng không vận động một cách đơn tuyến, không chỉ thuần túy hoặc tham nhũng hoặc tiêu cực, mà thường xoay quanh nhiều cá nhân “trung tâm” hoặc “liên minh”, vừa trắng trợn vừa tinh vi, câu kết chặt chẽ ngang - dọc, đan xen trên - dưới, trong - ngoài, bằng cả những “luật ngầm”, lợi dụng các khoảng trống, thiếu công khai, minh bạch, thiếu cơ chế và chế tài kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, thậm chí bất chấp các quy định của Đảng, bất chấp pháp lý và luân thường đạo lý. 

Từ các vụ án tham nhũng cũng chưa thấy ai phạm vào tội tham nhũng mà không sa vào tiêu cực, không gây thất thoát, lãng phí, dù ở phương diện này hay mức độ khác. Rõ ràng, tham nhũng trước hết bắt đầu từ tiêu cực, nghĩa là từ sự tha hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Vì thế, phải gắn chống tham nhũng và tiêu cực với chống lãng phí. Nếu không làm được như vậy thì chúng ta mới chỉ chống tham nhũng “một nửa”, chống tiêu cực nửa vời. Lãng phí là cái “ô” để tham nhũng núp bóng, là “lô cốt” để tham nhũng cố thủ và tiêu cực len lỏi, hoành hành. 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, lãng phí được hiểu là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên khác của quốc gia một cách không hiệu quả. Đối với các lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ấn định thì lãng phí được hiểu là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và các nguồn tài nguyên khác mà vượt quá định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định. Theo nghĩa đó, dưới góc độ quản trị xã hội, lãng phí - một khuyết tật trong quản lý, có mối liên hệ tự nhiên với tham nhũng và tiêu cực. Đặc biệt, trong quản lý công, lãng phí là một hiện tượng khá phổ biến, diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực của hoạt động quản lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đặc biệt chú ý khi coi lãng phí là có tội với đất nước và nhân dân. Vì vậy, Người yêu cầu cán bộ phải liên quyết và kiên trì “chống tham ô, lãng phí, quan liêu”.  

Lãng phí, theo góc nhìn khác, chính là sự gặm nhấm, đục khoét tài sản thường núp dưới danh nghĩa công vụ. Khi người lãng phí chủ ý mưu lợi cá nhân (sĩ diện hoặc lợi dụng lãng phí để tham nhũng) thì rất tinh vi và không kém nguy hại bởi đổ cho lãng phí, họ sẽ “biển thủ” ngân sách quốc gia, không thể tính hết được. Qua kiểm soát, lượng lãng phí, thất thoát hằng năm chắc chắn tới nhiều chục nghìn tỷ đồng, nhưng thường rơi vào tình trạng không rõ địa chỉ thiếu tính phản biện. Chỉ một dự án TISCO đã gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước hơn 830 tỷ đồng. Thử hỏi 10 vụ đại án năm 2020 thất thoát, lãng phí bao nhiêu tỷ đồng? Nhưng, chúng chảy về đâu? Chính vì thế, đây đã và đang là một trong những nguyên cớ, là môi trường dung dưỡng cho tham nhũng, tiêu cực. 

Chặn đứng các “bình thông nhau”

Dưới góc độ của phát triển xã hội bền vững và góc độ kinh tế, xã hội, lãng phí là một loại hành vi nguy hiểm cho xã hội. Suy đến cùng, lãng phí không chỉ là sự hủy hoại tài sản, thời gian, nhân lực của xã hội từ các hoạt động công quyền (xây dựng, điều hành, thực thi chính sách) đến tài nguyên, cơ hội... mà gặm nhấm, làm mất lòng tin của Nhân dân, hủy hoại uy tín của thể chế. Nhìn vào các vụ đại án đã xử, vụ nào cũng thấy phần thất thoát, lãng phí này, nhưng Tòa án rất khó lượng hóa và phán xử, vì các điều luật chưa khép kín và hoàn thiện. Đây cũng là một nguyên cớ, một môi trường cho tệ tham nhũng phát triển. 

Tham nhũng giờ đây không chỉ có tham nhũng kinh tế, vật chất hữu hình, chức vụ và danh vị, chính sách cụ thể mà xâm hại cả tới những lãnh địa thiêng liêng: tham nhũng lòng tin, tham nhũng chính trị, biến ảo khôn lường... song hành với nạn lãng phí, nhất là lãng phí cơ hội phát triển cá nhân và xã hội, lãng phí, thất thoát nguồn lực con người. Nếu lãng phí cơ hội, thời gian là sự lãng phí tài sản vô hình lớn nhất của con người thì lãng phí lòng tin chính trị là lãng phí sự sinh tồn của thể chế, của cộng đồng, của quốc gia dân tộc. Đây mới thật sự là điều vừa cấp bách và vừa chiến lược. Nếu không nhìn như thế, sẽ rất khó phân định và định luận hai lĩnh vực này trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, trong khi thực tiễn lại đòi hỏi giải quyết một cách khách quan, toàn diện và tổng thể.

Như vậy để thấy rằng, cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với lãng phí. Đã tới lúc phải khẳng định, phải quy định hành vi lãng phí là hành vi cấu thành tội phạm và người gây lãng phí đều có nguy cơ dẫn tới tham nhũng, tiêu cực và trở thành tội phạm. Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là những chiếc bình thông nhau! Hơn bao giờ hết, phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực phải gắn liền với nhau. Việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực không thể không bổ sung và phải có kế sách ngăn chặn, khắc chế, đẩy lùi lãng phí, hợp thành chỉnh thể cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Cần nhận thức rõ ràng, dứt khoát và kiên quyết “công phá” vào chỗ hiểm yếu này để phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực một cách chủ động, toàn diện và hiệu quả.  

TS Nhị Lê - Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản