Chủ động, trách nhiệm, hướng về Nhân dân

- Thứ Ba, 09/11/2021, 06:22 - Chia sẻ

Theo dõi ngày làm việc đầu tiên của đợt họp tập trung tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, đại diện Thường trực, các Ban, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND nhiều địa phương đánh giá cao trí tuệ, trách nhiệm của Quốc hội cũng như từng đại biểu. Dưới sự điều hành linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm của Chủ tọa, bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 được phản ánh sinh động. Đặc biệt, các đề xuất, góp ý thiết thực đối với Chính phủ đã thể hiện rõ nét hình ảnh một Quốc hội chủ động, trách nhiệm trước các vấn đề quan trọng của đất nước, hướng về cử tri, Nhân dân.

Ảnh: P. NAM.
Ảnh: P. Nam

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp KIỀU THẾ LÂM: Tinh thần làm việc nghiêm túc, trí tuệ, trách nhiệm của Quốc hội tạo hiệu ứng lan tỏa

Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh, các nội dung được bàn thảo trong ngày làm việc đầu tiên của đợt họp tập trung Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí hợp lý, khoa học, phát huy tối đa thời gian, trí tuệ của đại biểu. Các cơ quan của Chính phủ cũng đã tập trung, nghiêm túc tiếp thu, giải trình các vấn đề được Quốc hội đặt ra. Dưới sự điều hành khoa học, linh hoạt của Chủ tọa, nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của Quốc hội được đề cao. Tinh thần làm việc nghiêm túc, trí tuệ và trách nhiệm đó đã cho tôi thêm động lực và quyết tâm tổ chức và điều hành thật tốt kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh Đồng Tháp sắp tới.

Quốc hội đã khép lại ngày thảo luận đầu tiên với chất lượng rất cao. Tôi quan tâm nhiều đến các giải pháp đưa nền kinh tế phát triển bền vững và vấn đề phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Trong đó, phải làm sao để thực sự nâng cao chất lượng cũng như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; quan tâm hơn nữa đến giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tập trung nguồn lực, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai; quan tâm đánh giá để xây dựng bản đồ về những vùng có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai để có phương án, giải pháp ứng phó…

Để đất nước tiếp tục có sự phát triển khởi sắc thời gian tới, tôi mong muốn, việc phân bổ vốn từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có sự ưu tiên cần thiết, hỗ trợ cao hơn đối với các địa phương còn nhiều khó khăn, nhất là ưu tiên trong lĩnh vực xây dựng cơ chế đặc thù đối với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tôi cũng mong rằng, thời gian tới, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối cung - cầu lao động; kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn; tạo sinh kế cho người lao động có thu nhập cao hơn để bảo đảm cuộc sống; triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, để người lao động yên tâm quay trở lại làm việc.

Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Hà Giang BÙI QUANG TRÍ: Góp phần giải quyết thấu đáo nhiều vấn đề cử tri quan tâm

Theo dõi ngày thảo luận đầu tiên về kế hoạch kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của đợt 2, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV được truyền hình trực tiếp, tôi đánh giá cao sự linh hoạt trong điều hành của Chủ tọa; các ý kiến ngắn gọn, tâm huyết, chất lượng của các ĐBQH. Tất cả đã tạo nên bầu không khí thảo luận sôi nổi, trách nhiệm, trí tuệ, góp phần giải quyết thấu đáo nhiều vấn đề cử tri và dư luận quan tâm. Hoạt động của Quốc hội nói chung, trong đó có các phiên thảo luận sẽ là kinh nghiệm quý để HĐND các địa phương áp dụng trong công tác tổ chức và điều hành các kỳ họp, trước mắt là kỳ họp cuối năm sắp tới.

Trong số các nội dung thảo luận, tôi rất ấn tượng với các ý kiến ĐBQH xoay quanh công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch. Tôi đồng tình với ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Minh Tâm (Quảng Bình) về các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới. Trong đó, cần nhanh chóng ban hành chính sách và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách tại các điểm đến; cân nhắc hỗ trợ tài chính, trực tiếp, linh hoạt cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; đào tạo lại nguồn nhân lực ngành du lịch; tăng cường tiếp cận các quỹ, tạo cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin giữa chính quyền với các doanh nghiệp…

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tuy nhiên, các chính sách mới chỉ đủ khắc phục khó khăn. Để kinh tế - xã hội khởi sắc trong năm 2022 và các năm tiếp theo, chúng ta cần gói hỗ trợ mạnh hơn để kích cầu cho các doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Mặt khác, cần có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc như hỗ trợ chỗ ở, đi lại; đẩy nhanh tiêm chủng vaccine cho người dân. Đặc biệt, cần quan tâm đầu tư cho y tế tuyến cơ sở từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến nguồn nhân lực. Đây là biện pháp lâu dài để chủ động trước các dịch bệnh, không chỉ riêng dịch Covid-19.

Đối với mục tiêu giảm nghèo, mặc dù hiện nay đã có một số chính sách lớn như: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh bền vững giai đoạn 2021 - 2025, song tôi mong rằng, Chính phủ cần tiếp tục có các chính sách ưu tiên, đặc thù cho vùng khó khăn; tạo cú hích phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; góp phần rút ngắn khoảng cách vùng miền, giữ vững an ninh, chủ quyền khu vực biên giới.

Ảnh: Tường VY
Ảnh: Tường VY

Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Nam Định BÙI TRUNG KIÊN: Hướng đến người dân và doanh nghiệp

Ngày thảo luận đầu tiên về kế hoạch kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, sôi nổi. Nhiều ĐBQH đã thảo luận với những ý kiến tâm huyết, sát thực với đời sống của người dân. Đặc biệt là các giải pháp nhằm thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe tính mạng của nhân dân. Cùng với đó, là các giải pháp giảm thiểu thiệt hại, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong phiên thảo luận hôm qua, tôi đặc biệt ấn tượng với ý kiến của ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) về vấn đề việc làm và ổn định cuộc sống cho người lao động. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc thông qua việc đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động; kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn. Bên cạnh đó, cần triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp… Đây là đề nghị rất thiết thực. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp người lao động yên tâm quay trở lại nơi làm việc, ổn định cuộc sống. Hỗ trợ người lao động cũng chính là đóng góp đắc lực vào động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Một số đại biểu quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế một cách cân bằng, an toàn, hiệu quả, để người dân không phải ly hương, mà có thể ly nông vẫn có việc làm, làm giàu trên quê hương mình. Các đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần có chính sách bình ổn giá về thức ăn chăn nuôi, phân bón và các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn, vì lợi ích của bà con nông dân. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị triển khai các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp và linh hoạt cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch, vận tải… Những ý kiến thảo luận của các ĐBQH luôn hướng đến người dân và doanh nghiệp. Đây cũng sẽ là nội dung trọng tâm được HĐND tỉnh Nam Định bàn thảo trong kỳ họp thường lệ cuối năm sắp tới.

MẠNH TUÂN - TRỌNG HIẾU - ĐÀO CẢNH ghi