Phòng, chống mưa lũ tại miền Trung

Chủ động từ chính quyền đến mỗi người dân

- Thứ Bảy, 31/10/2020, 06:11 - Chia sẻ
Đợt mưa lớn sau bão số 8 vừa dứt thì hoàn lưu sau bão số 9 lại bủa vây trắng trời xứ Nghệ. Chỉ sau một đêm mực nước tại các con sông của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã lên nhanh trông thấy. Nước từ bờ sông men theo chân đồng đã vào tận ngõ, thậm chí sân và trèo lên bậc cửa, nhiều nơi nước ngập sâu vào nhà dân, nhiều vùng đã phải sơ tán… Nhờ sự chủ động từ chính quyền đến mỗi người dân, cùng với việc đã quá quen với bão lụt quanh năm nên nhìn chung xứ Nghệ đang chủ động trước lũ lụt.

Mưa về trên nước lũ

Hoàn lưu sau bão số 9 đã khiến cho hàng trăm hộ dân của các huyện Can Lộc, Vũ Quang, Hương Sơn, Kỳ Anh, Lộc Hà thuộc tỉnh Hà Tĩnh bị tốc mái; nhiều diện tích hoa màu, cây ăn quả bị hư hỏng nặng; các tuyến đường liên thôn, liên xã và công trình thủy lợi bị hư hại, một số địa phương đã xuất hiện sạt lở, đặc biệt tại huyện Cẩm Xuyên đã xuất hiện sạt lở núi tại các xã Cẩm Quang và Cẩm Lĩnh. Mưa to cũng khiến lưu lượng các hồ thủy lợi dâng lên nhanh chóng. Vào lúc 8h ngày 29.10, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 đã tiến hành xả tràn hồ thủy lợi Ngàn Trươi Vũ Quang với lưu lượng từ 60m3/s - 80m3/s. Trước đó, để bảo đảm cho nhân dân chủ động phòng chống lũ và an toàn hồ chứa nước thủy lợi Ngàn Trươi, ngày 27.10, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 đã có thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và người dân, chính quyền các cấp vào 8h ngày 29.10.2020 sẻ xã tràn lưu lượng từ 40m3/s - 350m3/s.

Đoàn viên thanh niên giúp đỡ các hộ cất giữ đồ đạc

Ảnh: Bình Nguyên

Tại Nghệ An, do ảnh hưởng từ hoàn lưu bão số 9, kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên từ sáng 29.10 đến 30.10, trên địa bàn tỉnh đã có mưa. Đặc biệt, đợt mưa to liên tục từ đêm 29.10 đến chiều 30.10 đã gây ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất tại nhiều địa phương như Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Con Cuông. Do mưa lớn liên tục cùng với nước từ thượng nguồn đổ về nên nhiều xóm, xã tại Thanh Chương và Đô Lương đã bị ngập, cô lập hoàn toàn; nhiều đoạn đường đã bị sạt lở. Nước lũ cũng đã cuốn trôi 1 cây cầu ở xã Thanh Sơn (Thanh Chương); 4 cầu tạm, 1 cầu tràn ở xã Thanh Mai (Thanh Chương); nhiều nhà dân bị ngập sâu, phải sơ tán trong đêm.

Kích hoạt “4 tại chỗ”

Bên cạnh làm tốt công tác truyền thông để cả hệ thống chính trị đến từng hộ dân nắm chắc tình hình diễn biến của thiên tai, sẵn sàng các phương án để ứng phó, cấp ủy chính quyền hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã ban hành văn bản chỉ đạo ứng phó kết hợp với các biện pháp khắc phục đi kèm. Trong đó, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, các địa phương đã đồng loạt kích hoạt phương án “4 tại chỗ” sẵn sàng ứng phó với thiên tai.

Tại xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, do phần lớn diện tích nằm ở ngoài đê nên ngay sau đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 8, để chủ động ứng phó với bão số 9 và hoàn lưu bão số 9, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Đức Thọ, chính quyền địa phương đã rà soát lại các điểm xung yếu. Trong đó, đặc biệt quan tâm vùng dân cư nằm ngoài đê, giáp ranh sông La. Ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Bình quân một năm vùng ngoài đê của xã bà con phải đón 1 - 2 đợt lụt. Xã đã sẵn sàng phương án để chủ động ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu bão số 9 gây ra. Hiện nay, hầu hết các khu vực của xã Đức La cũ và một phần của xã Bùi Xá, Đức Nhân cũ nước đã dâng cao, nhiều hộ đã nước vào nhà. Chính quyền xã và các thôn đã thông báo cho nhân dân chủ động dự trữ mọi vật dụng cần thiết, lương thực, nước uống. Chúng tôi sẵn sàng phương án 4 tại chỗ và chủ động ứng phó với mọi tình huống.

Trong cơn mưa nặng hạt, nước đã mấp mé chực tràn lên cầu La Xá, hầu như các tuyến lối đã ngập tràn một màu vàng đục của nước lụt, chúng tôi thấy một số hộ dân khu vực xã Đức La cũ đã bắt đầu thả nốc (thuyền) để làm phương tiện đi lại. Theo ông Lê Hữu Thập, Bí thư Chi bộ thôn Đông Đoài, xã Bùi La Nhân, người dân trong thôn đã quá quen với chu kỳ của lụt lội. Nhiều nhà sắm sẵn 1 cái nốc (thuyền) nhỏ để chủ động cho việc đi lại, xã thì có thuyền máy, thuyền lớn để phục vụ công vụ và hỗ trợ, ứng cứu nhân dân trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, thiết kế nhà ở nơi đây cũng có nhiều nét độc đáo để phù hợp với điều kiện thiên tai khắc nghiệt; hầu như nhà nào cũng có chạn (tầng lửng, hoặc gác lồi). Bình thường, chạn là nơi chất rơm cho trâu bò, để đồ đạc. Khi nước lụt dâng cao, chạn là nơi cất trữ lương thực, đồ dùng cần thiết và cũng là nơi ở tạm, đặc biệt rơm trên chạn là chỗ ngủ lý tưởng và ấm áp, nhất là đối với trẻ con. Biết bao thế hệ người dân Đức La đã từng sinh ra và trưởng thành từ cái chạn toóc ấy (toóc nghĩa là rơm).

Ông Thập cũng cho biết thêm, khi có thông tin về cơn bão số 9 cũng như mưa lớn do hoàn lưu sau bão, trên cơ sở chỉ đạo của xã, cấp ủy, Ban công tác Mặt trận thôn Đông Đoài đã thông báo liên tục trên hệ thống truyền thanh; đồng thời, phân công các đồng chí trong cấp ủy, đoàn thể hỗ trợ những hộ gia đình neo người chằng chống nhà cửa, thu gọn và cất giữ đồ đạc; bám sát phương án 4 tại chỗ; sẵn sàng huy động lực lượng để ứng phó kịp thời với mọi tình huống.

Có thể thấy, thực hiện công điện của UBND tỉnh, huyện, hầu hết các địa phương đã chủ động rà soát các điểm xung yếu, phương án 4 tại chỗ được sẵn sàng từ thôn, xóm đến cấp xã. Nhiều xã thành lập đội ứng cứu, sẵn sàng phương tiện, chủ động sơ tán các hộ dân ở khu vực nguy hiểm. Về lương thực, nhiều địa phương cũng đã hợp đồng với các cửa hàng, đồng thời, hướng dẫn bà con chủ động cất giữ, bảo đảm người dân không ai bị thiếu đói trong những ngày mưa lũ lớn. Từ ngày 29.10 đến nay, hầu như ngày nào các đoàn công tác của cấp trên, chính quyền địa phương cũng cử cán bộ bám sát địa bàn để nắm bắt tình hình và hướng dẫn nhân dân chuẩn bị sẵn sàng.

Hết dịch bệnh rồi mưa bão, người dân xứ Nghệ quê tôi đang kiên cường, đoàn kết thống nhất một lòng dưới ngọn cờ của Đảng. Ai đó nói: Sống lâu trong bão lụt nên đã quá quen với việc ứng phó. Nhưng vì quá quen nên nhân dân hiểu rất rõ sự nguy hiểm của thiên tai và đã chủ động mọi phương án để ứng phó. Tin tưởng, cùng với sự chủ động của cấp ủy, chính quyền và tấm lòng của mỗi một người dân, xứ Nghệ sẽ bình yên, hiên ngang vượt qua lũ dữ.

Lê Hồng Hạnh, Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh