Chủ động ứng phó với bão số 3 và áp thấp nhiệt đới

- Thứ Ba, 17/07/2018, 23:54 - Chia sẻ
Tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 3 diễn ra ngày 17.7 tại Hà Nội, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đã yêu cầu thành lập ngay các đoàn kiểm tra bảo đảm an toàn công trình đê điều, hồ thủy lợi tại những nơi xung yếu; thực hiện nghiêm yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về kiểm tra hệ thống các hồ chứa thủy lợi.

Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài nhận định, tình huống thiên tai diễn biến rất nhanh, đề nghị các địa phương, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và áp thấp nhiệt đới, tiếp tục kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm.  Tổng cục Thủy sản hướng dẫn địa phương bảo vệ sản xuất, nhắc nhở người dân sơ tán khu vực lồng bè, ven bờ khi bão đổ bộ, đặc biệt bảo đảm an toàn cho khách du lịch. Vụ Quản lý đê điều, Tổng cục Phòng, chống thiên tai kiểm tra hệ thống đê biển, công trình đang thi công dang dở yêu cầu hoàn thành hoặc có phương án bảo đảm an toàn, chuẩn bị sẵn sàng vật tư hộ đê.

Đối với khu vực miền núi, theo dự báo có khả năng xảy ra mưa lớn, các cơ quan thông tin đại chúng cần thông tin, tuyên truyền mạnh mẽ để người dân, các cấp chính quyền chủ động các phương án sơ tán, di dời, bảo đảm an toàn tính mạng tài sản.

Về vận hành liên hồ chứa, đề nghị Cục ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai kiểm tra, tình toán kỹ và thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tùy theo thực tế để hạ thấp mực nước hồ về cao trình đón lũ chính vụ. Đối với khu vực miền Trung, theo dự báo, khu vực từ Nghệ An đến Hà Tĩnh sẽ mưa rất to, hiện nhiều nơi đã có ngập lụt cục bộ trong đô thị, vì vậy cần tính toán, tham mưu cho Ban chỉ đạo khi cần thiết…

Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới cũng như bão số 3, các tỉnh đã chủ động các phương án đối phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

+ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng đối phó với mưa và lũ lớn có thể xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, các cơ quan đơn vị tổ chức tính toán hồ chứa, vận hành xả lũ bảo đảm an toàn hồ chứa, thông báo xả lũ đối với hạ du và khai thác tổng hợp nguồn nước sản xuất, chủ động tiêu nước mặt để đón lũ chính vụ; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Đặc biệt, các lực lượng, địa phương sẵn sàng triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người dân và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc.

+ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành thực hiện nghiêm các Công điện của tỉnh, để chủ động ứng phó với bão số 3. Các địa phương khẩn trương kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền, các phương tiện hoạt động trên biển; thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động tránh trú an toàn, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; giữ liên lạc với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. UBND các huyện, thành phố triển khai các biện pháp phòng chống lụt, bão, kể cả phương án phòng, chống siêu bão, theo phương châm “bốn tại chỗ”, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị tạm dừng các cuộc họp và các hoạt động chưa thật cần thiết, tổ chức phân công lực lượng thường trực tại các cơ quan, đơn vị trập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác ứng phó với bão.

+ Các huyện ven biển tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động đưa thuyền vào âu tránh trú bão, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Theo ghi nhận tại âu thuyền Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà đã có gần 400 tàu, thuyền trong và ngoài tỉnh vào neo đậu an toàn; ngư dân chuẩn bị lương thực, thực phẩm để tránh trú bão. Hiện nhiều tàu, thuyền với hàng trăm lao động tỉnh Hà Tĩnh đã về nơi tránh trú bão an toàn. Các tàu, thuyền đánh bắt xa bờ đã được kêu gọi tránh trú bão ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và khu vực an toàn. Hàng trăm thuyền đánh cá gần bờ ở vùng biển Hà Tĩnh được các cấp chính quyền và người dân đưa lên bờ che chắn an toàn. Cùng với kêu gọi tàu, thuyền vào neo đậu trú ẩn an toàn tại các âu thuyền, các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã khẩn trương huy động phương tiện, dụng cụ, kêu gọi các đoàn thể giúp nhân dân khơi thông cống, rãnh, dòng chảy nhằm tiêu úng ở vùng thấp trũng và các vùng nuôi trồng thủy sản, bảo đảm tiêu thoát nước, phòng, chống ngập úng cho lúa hè thu và hoa màu trên địa bàn.

+ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố ven biển, các ngành tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão nhằm hướng dẫn tàu thuyền, chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương tổ chức theo dõi tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ tàu; sẵn sàng phương án ứng cứu khi xảy ra sự cố, đồng thời quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền. Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, chủ động triển khai phương án bảo đảm an toàn công trình đê, đặc biệt là các cống dưới đê, trọng điểm xung yếu, tuyến đê đang thi công dở dang. Bên cạnh đó, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng hộ đê khi xảy ra sự cố. Đối với khu vực miền núi, chủ động rà soát, di dời các hộ dân đang sống trong khu vực nguy hiểm.

Nhật Chung tổng hợp