Đồng Nai

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

- Thứ Ba, 14/09/2021, 06:10 - Chia sẻ
Dù không thuộc các tỉnh ven biển nhưng theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, tác động của biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai. Điều này đòi hỏi tỉnh phải tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sự gia tăng lượng mưa hàng năm là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông
Nguồn: ITN

Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng 

Theo Báo cáo đánh giá khí hậu tỉnh Đồng Nai ban hành cuối tháng 7.2021, Đồng Nai ít chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nhưng dưới tác động đô thị hóa, công nghiệp hóa và gia tăng dân số, các yếu tố như nhiệt độ, lượng mưa, hạn hán, xâm nhập mặn thay đổi tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó rõ nhất là nông nghiệp và môi trường sinh thái. Biến đổi khí hậu tác động đến năng suất cây trồng, làm thay đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Cụ thể, tổng lượng mưa hàng năm của Đồng Nai tăng từ 1.300 - 2.000mm giai đoạn 2010 - 2015 lên phổ biến từ 1.700 - 2.600mm giai đoạn 2016 - 2020. Khu vực phía Bắc gồm các huyện Tân Phú, Định Quán và Vĩnh Cửu có cường độ mưa hàng năm cao. Trong khi đó, khu vực phía Nam và Đông Nam như huyện Cẩm Mỹ, Long Thành ghi nhận tổng lượng mưa hàng năm thấp. Sự tăng, giảm lượng mưa ở các khu vực đã gây ra sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.

Từ năm 2010 đến nay, Đồng Nai cũng ghi nhận nền nhiệt có chiều hướng gia tăng liên tục trên phạm vi toàn tỉnh, mức tăng trung bình 0,028 - 0,063 độ C/năm. Trong đó, khu vực phía Nam gồm TP. Biên Hòa và phần lớn các huyện Long Thành, Nhơn Trạch là vùng ghi nhận có các yếu tố nhiệt độ cao.

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Tại huyện Nhơn Trạch, diện tích đất trồng lúa liên tục giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì xâm nhập mặn và hạn hán. Đơn cử, trước đây, xã Phước Khánh chủ yếu trồng lúa nước nhưng do ảnh hưởng của xâm nhập mặn người dân chuyển sang trồng mía; gần đây lại chuyển sang nuôi tôm và trồng cây ăn quả vì cây mía không mang lại hiệu quả kinh tế.

Sự gia tăng lượng mưa hàng năm cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, xói mòn đất đồi tại huyện Tân Phú. Tính đến tháng 6.2020, trên địa bàn huyện có 6 điểm sạt lở làm ảnh hưởng đến đời sống, đi lại của người dân. Ngoài ra, chu kỳ mùa mưa đến sớm và kết thúc muộn cũng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây trồng theo mùa vụ.

Tại huyện Cẩm Mỹ, sự thay đổi giảm lượng mưa khiến nhiều khu vực bị suy giảm nguồn nước ngầm nghiêm trọng. Một số khu vực thuộc thị trấn Long Giao, các xã Xuân Đông, Xuân Tây không thể khai thác nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt; còn tại một số khu vực khác, người dân phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với nguồn nước. Chưa kể, lượng mưa ít khiến nhiều hồ chứa thủy lợi bị cạn vào mùa khô, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác nước mặt phục vụ mục đích sinh hoạt về lâu dài.

Đẩy mạnh phòng ngừa, ứng phó

Chính những sự thay đổi này đã tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái của tỉnh. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, năm 2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 1257/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020. Kế hoạch ưu tiên 64 dự án liên quan đến công tác chống ngập, thoát nước, xây dựng và gia cố hồ đập thủy lợi, xây dựng ngăn mặn.

Trong giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về ứng phó với biến đổi khí hậu theo Hợp phần biến đổi khí hậu thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh như đánh giá khí hậu tỉnh Đồng Nai; xây dựng Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 2728/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 86 chương trình, dự án ưu tiên.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho hay, với mục tiêu là xác định được thách thức và cơ hội của biến đổi khí hậu đối với quá trình phát triển các ngành, lĩnh vực của địa phương; UBND tỉnh đã giao ngành tài nguyên - môi trường tăng cường quản lý các tài nguyên, hệ sinh thái và đa dạng sinh học; lập danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng đăng ký khai thác nước dưới đất và lập bản đồ khoanh vùng hạn chế khai thác nước dưới đất…

Thời gian tới, Đồng Nai cũng sẽ đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về ứng phó với biến đổi khí hậu, với sự tham gia, hưởng ứng của nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân. Đây cũng là hoạt động thường xuyên, với các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng…

Nhật Phương