Chủ động và linh hoạt trong tiêu thụ nông sản

- Thứ Năm, 13/05/2021, 13:40 - Chia sẻ
Theo nhận định của giới chuyên gia, nguy cơ gia tăng ách tắc lưu thông nông sản rất có thể sẽ quay trở lại trước những diễn biến mới của dịch Covid-19. Do đó, các địa phương phải chủ động thiết lập những phương án phù hợp để ứng phó linh hoạt, giảm thiếu tối đa việc nông sản ùn ứ, khó tiêu thụ.
Ảnh minh họa
Nguồn: ITN

Tiềm ẩn nguy cơ 

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã khiến dịch bệnh xuất hiện và lan rộng ra 26 tỉnh, thành phố trên cả nước. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch, nhiều địa phương đã thực hiện biện pháp phong tỏa theo khu vực, cách ly xã hội. Từ đó, việc tiêu thụ hàng nông sản tiềm ẩn nguy cơ ách tắc do các tỉnh áp dụng biện pháp cách ly xã hội là những địa phương có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch đi qua. Những lo lắng của người nông dân là có cơ sở khi nhìn vào đợt dịch gần đây nhất là tháng 2 và tháng 3 vừa qua, tỉnh Hải Dương đã thiệt hại khoảng 300 – 400 tỷ đồng do tắc nghẽn lưu thông nông sản đúng thời điểm thu hoạch rau màu vụ đông. Cũng theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa nông sản có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới.

Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương) Lương Thị Kiểm cho rằng, dù các tỉnh đã có kinh nghiệm trong thông thương hàng hóa trong mỗi đợt dịch tuy nhiên vẫn tồn tại khó khăn riêng. Nếu tất cả các tỉnh cùng bùng phát dịch và thực hiện giãn cách xã hội thì việc tiêu thụ hàng hóa sẽ gặp trở ngại, chỉ một hai địa phương sẽ không thể tháo gỡ được. Cụ thể như Hải Dương, xuất khẩu vải thiều cũng như nông sản sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là qua đường bộ, còn nếu đi theo đường biển thì nông sản vẫn phải vận chuyển đến cảng bằng các phương tiện ô tô, container. Vì vậy, lưu thông trên các tuyến đường liên tỉnh đóng vai trò rất quan trọng.

“Thủ phủ” vải thiều Bắc Giang đang là một trong những tỉnh có số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh từng ngày. Cùng lúc này, mùa vải thiều đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, năm nay, toàn tỉnh có 28.000ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn. Trong đó, hơn 200ha vải xuất khẩu sang Nhật Bản với 30 mã vùng; 218ha xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu (EU) với 18 mã vùng và 15.867ha xuất khẩu sang Trung Quốc gồm 149 mã vùng. Do vậy, việc xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều gắn liền với đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh là vô cùng cấp bách.

Đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả

Nhằm đảm bảo hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều, UBND huyện Lục Ngạn đã xây dựng hai phương án triển khai trong trường hợp có dịch và không có dịch tại địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) Nguyễn Thế Thi cho biết, các lực lượng trên toàn huyện đã và đang vào cuộc rất mạnh mẽ, giữ vững tinh thần chống dịch như chống giặc để bảo vệ những vùng trồng cây ăn quả của huyện. Những biện pháp cụ thể đang được triển khai là lập chốt kiểm dịch tại những ngả đường liên thông với các huyện, tỉnh lân cận; đồng thời triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các lực lượng tuyến đầu. Khi đến thời điểm thu hoạch vải, sẽ kiểm soát các vùng trồng đề phòng trường hợp lây lan dịch bệnh giữa người nông dân và thương lái. “Chúng tôi sẽ giảm thiểu tối đa tình trạng ách tắc, vải thiều Lục Ngạn sẽ vẫn được lưu thông bình thường”, ông Thi nói.

Về xúc tiến thương mại, huyện Lục Ngạn cũng đã phối hợp với các sở, ban, ngành, để mời gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như doanh nghiệp nước ngoài đến lắp đặt dây chuyền, xây lò sấy, nhà bảo quản và chế biến. Phương án tổ chức, khai trương và đưa vào vận hành các sàn giao dịch qua mạng cũng đã được triển khai. Huyện cũng kịp thời liên hệ với các huyện, tỉnh lân cận giúp đỡ về mặt lưu thông hàng hóa. Nếu dịch bệnh ngày càng phức tạp hơn và phải khoanh vùng cách ly, giãn cách xã hội, huyện Lục Ngạn sẽ tăng cường bán nội địa, đẩy mạnh giao thương qua môi trường mạng, tập trung vào chế biến và sấy khô để bảo quản bán sau.

Chia sẻ thêm về phương án cách ly đối với các thương nhân nước ngoài, ông Thi cho biết, đến nay tỉnh đã đề nghị lên Chính phủ tạo điều kiện cho 191 thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều một cách an toàn. UBND huyện sẽ tổ chức đủ lực lượng công an và y tế trực tiếp lên Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu quốc tế Lào Cai đón và đưa các thương nhân về 8 điểm cách ly có đủ điều kiện cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Trước đó, tỉnh Bắc Giang đã có kế hoạch đón các thương nhân từ ngày 8, 10 và 15.5. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, công tác đón đoàn thương nhân vẫn chưa thể triển khai. Nếu thuận lợi, trong tuần này, các thương nhân sẽ sang tới Việt Nam để tiến hành cách ly trước khi thu mua vải thiều.

Không chỉ Bắc Giang, Hải Dương cũng đang gấp rút chuẩn bị cho vụ mùa vải sắp tới. Toàn tỉnh đã hoàn thành 4 hệ thống khử trùng vải xuất khẩu sang Nhật Bản. Dự kiến vụ thu hoạch năm nay toàn tỉnh sẽ xuất khẩu gần 1.000 tấn quả vải tươi sang thị trường này. Theo bà Lương Thị Kiểm, tỉnh Hải Dương đã có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó khi dịch Covid-19 bùng phát. Về lưu thông hàng hóa trên địa bàn, tỉnh đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lái xe. Sau đợt dịch, Hải Dương cũng có chính sách tiêm phòng vaccine cho tất cả lái xe để khi có dịch thì mức độ chống chịu với bệnh tật của họ sẽ tốt hơn. Tỉnh cũng đã đẩy mạnh đưa sản phẩm vải thiều lên sàn giao dịch thương mại điện tử, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước trước những quy định giãn cách, cách ly xã hội. Đây là chính sách rất mới được triển khai bắt đầu từ năm nay.

Về phía Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, để tháo gỡ những khó khăn, giảm hàng tồn kho nông sản tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ đã kịp thời có chỉ đạo các đơn vị chức năng tại địa phương cần phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội ngành hàng theo dõi, nắm bắt thông tin diễn biến cung cầu thị trường nông sản, đặc biệt là những sản phẩm trồng trọt đang vào vụ thu hoạch. Bên cạnh đó, phải phản ứng nhanh trước các tình huống, kịp thời thông báo tình hình đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Minh Trang