Báo cáo công tác dân nguyện tháng 8.2021

Chủ động vào cuộc sớm

- Thứ Tư, 22/09/2021, 05:57 - Chia sẻ
Cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 8.2021 trong phiên họp chiều qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong công tác này. Tuy vậy, để tạo chuyển biến căn cơ hơn trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội cần rà soát các vụ việc nổi cộm, điển hình, vụ việc có tính chất phức tạp, kéo dài, trên cơ sở đó, hàng tháng báo cáo, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng phải giải quyết. Phải có sự vào cuộc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng một văn bản kết luận, yêu cầu phải tập trung việc gì, trách nhiệm của các cơ quan ra sao thì mới có hiệu lực được.

Chú trọng giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri

Tổng hợp của Ban Dân nguyện cho thấy đã có 334 kiến nghị của cử tri của 23 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Nhất gửi đến, trong đó có 322 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, bộ, ngành (chiếm 96,4%). Cùng với đó, Ban Dân nguyện cũng đã tổng hợp, phân loại và chuyển 807 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, đã có 807/807 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 100%.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Với kết quả này, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhận định, các cơ quan đều đã chú trọng giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, coi đây là nguồn quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành. Cùng với đó, việc tiếp thu kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan chú trọng. Một số vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân, nhất là hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đã được các bộ, ngành nghiên cứu ban hành chính sách để giải quyết.

Một dấu ấn trong công tác tiếp công dân, giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội trong tháng 8.2021 là sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan của Quốc hội.

Báo cáo của Ban Dân nguyện nêu rõ, thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách, qua công tác tiếp nhận, xử lý thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, có một số thông tin, phản ánh của dư luận xã hội đã được các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành. Điển hình như Ủy ban Pháp luật đã kịp thời nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung, trong đó chỉ rõ việc ban hành văn bản quy định về cấp giấy đi đường, việc phân vùng dịch ở Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch của UBND thành phố Hà Nội chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, Ủy ban Pháp luật cũng báo cáo về việc ban hành văn bản của Bộ Y tế về việc thu hồi giấy phép hành nghề của y, bác sĩ không thực hiện nhiệm vụ chưa phù hợp với quy định của Luật Khám chữa bệnh; việc tiêm trộn 2 loại vaccine ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam trước khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.

“Canh cánh” đơn thư chậm trả lời

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trong công tác tiếp công dân, giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn canh cánh với một số hạn chế cũ. Trong đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới lưu ý, các cơ quan của Quốc hội đã chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý 293 đơn thư đủ điều kiện xử lý, giải quyết. Tuy nhiên, số đơn thư nhận được công văn trả lời chỉ là 49 đơn, chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa nói đến việc nội dung trả lời đúng hay sai, có đáp ứng được yêu cầu hay không. Ngoài ra, ở một số địa phương, tình trạng chậm nhận được trả lời của các cơ quan chức năng khi Đoàn đại biểu Quốc hội chuyển đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân cũng xảy ra khá phổ biến. Trước thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, Báo cáo về công tác dân nguyện thời gian tới cần xác định được lý do cụ thể, chỉ ra địa chỉ những cơ quan, đơn vị chậm trả lời để rút kinh nghiệm.

Nhất trí với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, trong tháng 10.2021, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục rà soát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân qua “kênh” các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề: Để khắc phục tình trạng chậm trễ của các cơ quan hữu quan trong xem xét, xử lý đơn thư do cơ quan của Quốc hội chuyển đến thì về phía Quốc hội có cần giao một đầu mối theo dõi công tác này không? Đây là việc phải bàn, thậm chí, rà soát, nghiên cứu sửa đổi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giao cho một cơ quan làm đầu mối theo dõi, đôn đốc, giám sát vấn đề này.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội cần sát sao hơn, đeo bám quyết liệt hơn trong việc gửi, đôn đốc các cơ quan liên quan giải quyết đơn thư của công dân, trong đó có đơn thư do các cơ quan của Quốc hội gửi đến, đồng thời, phải giám sát chặt chẽ việc giải quyết của các cơ quan này. Bởi người dân khi gửi kiến nghị, đơn thư đến cơ quan của Quốc hội thì không biết cụ thể cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết, xử lý mà cứ thấy chậm trễ tức là Quốc hội chậm trễ, và như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội.

Tất nhiên, việc rà soát toàn diện là khó. Do đó, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội cần tiến hành rà soát vụ việc nổi cộm, điển hình, vụ việc có tính chất phức tạp, kéo dài. Sau đó, trên cơ sở đề nghị của Ban Dân nguyện, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội hàng tháng sẽ báo cáo để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng phải giải quyết để trả lời sớm. “Tức là có sự vào cuộc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng một văn bản kết luận, yêu cầu phải tập trung vào việc gì và phải báo cáo cho Quốc hội, cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội biết việc đó giải quyết thế nào, trách nhiệm của các cơ quan ra sao thì mới có hiệu lực được. Mình chỉ chuyển đơn đi, sau đó rơi vào quên lãng thì bản thân Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội mang tiếng, mặc dù chúng ta không phải là người trực tiếp xử lý đơn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thanh Hải