Thị trường lao động 6 tháng cuối năm

Chủ động vượt khó

- Thứ Ba, 20/07/2021, 06:03 - Chia sẻ
Theo đánh giá của giới chuyên gia, thời điểm này rất khó dự báo về triển vọng của thị trường lao động. Tuy nhiên, dự báo tới đây nhiều người có thể tìm được công việc khác trong bối cảnh mới. Để có thể vực dậy thị trường lao động dưới tác động của đại dịch Covid-19, bên cạnh cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt của doanh nghiệp cũng như người lao động.
Người lao động tìm kiếm việc cuối năm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội
Nguồn: ITN

Linh hoạt trong tuyển dụng, kết nối

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý II, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Tuy nhiên, phản ánh từ các địa phương cho thấy, đã có những thay đổi linh hoạt trong việc điều tiết thị trường lao động. Sự thay đổi linh hoạt này đã góp phần rút ngắn khoảng trống về cung - cầu trên thị trường lao động, góp phần tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

Đơn cử, tại Hà Nội, mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho gần 100.000 lao động, đạt hơn 60% kế hoạch cả năm, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Nguyễn Hồng Dân cho biết, các cơ quan chức năng của thành phố luôn tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để tự tạo việc làm. Tổng số tiền thành phố cho vay để giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm là 1.282 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hà Nội cung cấp thông tin đa chiều về thị trường lao động, tổ chức hơn 111 phiên giao dịch việc làm trực tiếp, lưu động, trực tuyến, giúp người lao động dễ dàng tiếp cận với thị trường lao động... Từ nay đến cuối năm 2021, toàn thành phố phấn đấu giải quyết việc làm tối thiểu cho 160.000 lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị dưới 4%, chung toàn thành phố dưới 3%.

Tương tự, từ năm 2020 Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình đã chuyển hướng sang kết nối cung - cầu lao động thông qua ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook và trên website. Nhờ đó, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm đã kết nối được 10.000 việc làm cho người lao động với mức thu nhập ổn định. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình Lã Thanh Tùng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng toàn tỉnh vẫn có 171 lượt doanh nghiệp đăng ký gần 53.000 chỉ tiêu tuyển dụng tại Trung tâm. Mọi thông tin về việc làm, nhu cầu tuyển dụng đều được các doanh nghiệp đăng tải đầy đủ trên Website của Trung tâm. Người lao động có thể dễ dàng nắm bắt, đăng ký tuyển dụng trực tuyến qua website hoặc gọi điện thoại đến đường dây nóng của trung tâm.

Theo xu hướng lây nhiễm hiện nay, dự báo số lao động bị ảnh hưởng như phải cách ly, bị ngừng việc do doanh nghiệp ngừng sản xuất, kinh doanh có thể lên đến khoảng 2 - 2,5 triệu người lao động.

Còn nhiều khó khăn

Có thể thấy, 6 tháng đầu năm đã ghi nhận những bước tiến khả quan trong việc phát triển và điều tiết thị trường lao động của các trung tâm dịch vụ việc làm, địa phương, bộ, ngành... Nhờ sự thay đổi này đã dần hình thành xu hướng tuyển dụng online, vừa  thuận tiện vừa ít chi phí cho đôi bên. Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia, để phục hồi thị trường lao động thì không chỉ phụ thuộc vào nhân tố điều tiết thị trường lao động mà là vấn đề sự ổn định phát triển và sức khỏe của doanh nghiệp.

Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 67.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 942.600 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 484.300 lao động. Bên cạnh đó, còn có 26.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 93.200 doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 15.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động. Vậy nhưng, thị trường lao động vẫn khó phục hồi trong thời gian ngắn.

TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội nhận định, thị trường lao động những tháng cuối năm vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Mặc dù vậy, vẫn có những cơ hội để phục hồi khi mà những tháng cuối năm các nước trên thế giới kiểm soát được dịch nhờ tiêm vaccine, khi đó kinh tế sẽ phục hồi kéo theo nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng hơn.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến khó lường, nhiều ý kiến cho rằng, Chính  phủ cần tiếp tục thực hiện kiên định mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Các địa phương chủ động và tích cực triển khai hiệu quả 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Thái Yến