Chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó kịp thời, hiệu quả

- Thứ Năm, 21/10/2021, 22:31 - Chia sẻ

ĐBQH Hoàng Thị Thuý Lan (Vĩnh Phúc)

Qua Báo cáo của Chính phủ cho thấy, kinh tế năm 2021 tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, thu ngân sách đạt khá, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá ổn định. Công tác an sinh xã hội được chú trọng thực hiện, nhiều nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã và đang tiếp tục được triển khai.

ĐBQH Hoàng Thị Thuý Lan

Quyết tâm tháo gỡ các vướng mắc về thể chế

Các lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm chỉ đạo, nhanh chóng thích ứng với điều kiện thực tế; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là chiến lược ngoại giao vaccine, góp phần vào môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phục hồi nền kinh tế, nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế...

Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế tiếp tục được chú trọng, đặc biệt là quyết tâm tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, thể hiện trên 2 khía cạnh cụ thể là: Kịp thời ban hành một số chính sách “đặc biệt” nhằm ứng phó ngay với tình hình dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch; Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan của Quốc hội đã rất nỗ lực, khẩn trương tiến hành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, từ đó, đề xuất, kiến nghị sửa, bổ sung các quy định còn chưa phù hợp, có điểm chồng chéo hoặc đề xuất ban hành các văn bản mới để khắc phục những vướng mắc, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật khơi thông nguồn lực cho phát triển. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận, thể hiện trách nhiệm, quyết tâm của một Chính phủ hành động, kiến tạo, đồng thời, cũng cho thấy sự sát cánh, đồng hành, tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội trong nhiệm kỳ này.

Năm 2022 sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhất là hậu quả khá nặng nề của dịch Covid-19 và dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Do đó, trên cơ sở Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội và các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đạt được trong phòng, chống dịch bệnh, đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả với những diễn biến mới của dịch bệnh, kiểm soát chặt các nguồn lây nhiễm trong cộng đồng; chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó kịp thời, hiệu quả kể cả trong trường hợp dịch bệnh còn kéo dài với những biến thể nguy hiểm hơn; xây dựng lộ trình, giải pháp có tính nhất quán, tổng thể nhằm phục hồi kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, giữ vững thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Căn cứ vào tình hình thực tế và dự báo tình hình năm tới, đề nghị xác định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ có tính khả thi, thiết thực để triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022.

Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

Về các vấn đề cụ thể, đề nghị trong năm 2022, Chính phủ cần xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn; sớm phục hồi kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, đời sống đối với người lao động, đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế và phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Thường xuyên đánh giá về kết quả thực hiện các biện pháp đặc biệt, cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và các nghị quyết khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời điều chỉnh khi cần thiết và sớm tổng kết, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan để áp dụng ổn định, thống nhất, có hiệu quả. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương khi ban hành theo thẩm quyền các văn bản, quy định về phòng, chống dịch Covid-19, nhất là văn bản, quy định liên quan đến quyền công dân thì cần cân nhắc kỹ lưỡng cách làm, thời điểm thực hiện, có đánh giá tác động, chuẩn bị công tác truyền thông, lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân, dư luận... để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, thống nhất. Đồng thời, chủ động, linh hoạt điều chỉnh các biện pháp, quy định cho phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh trên địa bàn hoặc khi phát hiện có nội dung không hợp lý.

Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu đề xuất những chính sách an sinh xã hội để kịp thời hỗ trợ các đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nhiều từ đại dịch, đặc biệt là trẻ em mồ côi do cha mẹ, người thân vừa mất do đại dịch, người khuyết tật, người cao tuổi, lao động di cư từ các thành phố lớn...; bảo đảm quyền được học tập, bảo vệ sức khỏe của trẻ em, quyền được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế của các đối tượng yếu thế trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Khẩn trương hoàn thành chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, đặc biệt là tại các địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp để tránh trường hợp khi dịch bùng phát mới tiêm thì sẽ không phát huy hết hiệu quả của việc tiêm phòng; lưu ý việc quản lý, bảo quản vaccine, thời hạn sử dụng vaccine; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “quỹ vaccine”.

Tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số, kinh tế không dùng tiền mặt, xây dựng và tạo điều kiện thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công.

L. Anh