Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu:

Chủ động “khơi thông” hàng hóa tại khu cảng Cái Mép – Thị Vải

- Thứ Bảy, 21/08/2021, 09:09 - Chia sẻ
Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên rất nhiều hàng hóa container nhập về bị ùn ứ tại cảng Cát Lái ở TP. Hồ Chí Minh. Thực tế này đã tác động dây chuyền đến cụm cảng Cái Mép – Thị Vải ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Vì vậy, để chủ động đưa ra giải pháp khơi thông hàng hóa, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và trên cơ sở kết quả khảo sát, làm việc với các doanh nghiệp liên quan, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã nhanh chóng đưa ra giải pháp tháo gỡ, giải tỏa hàng hóa tại khu cảng Cái Mép – Thị Vải…
Hàng hóa, container về cảng Cát Lái
Hàng hóa, container về cảng Cát Lái

Khi container hàng hóa “mắc cạn”…

Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, nên nhiều nhà máy tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An,… đã đóng cửa, dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, một số doanh nghiệp còn lại cũng giảm quy mô nên phần lớn container nhập về là máy móc, nguyên liệu phục vụ cho những nhà máy này vẫn nằm ở cảng hoặc ở các cảng cạn ICD.

Thực tế trên là nguyên nhân dẫn đến nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu lấy hàng về. Bởi lấy về, doanh nghiệp cũng chưa có nhu cầu sử dụng, kho thì đã đầy, phần thì công nhân bốc xếp hàng hóa đang bị thiếu hụt nghiêm trọng, có nơi vì do giãn cách nghỉ dịch nên không có công nhân làm việc, theo đó nếu có tổ chức kéo container về nhà máy thì cũng khó dỡ hàng để đưa hàng vào kho, còn để container nằm chờ tại nhà máy, phân xưởng thì doanh nghiệp phải trả phí sử dụng container cho hãng tàu.

Bên cạnh đó, do các yêu cầu phòng dịch của Chỉ thị 16/CT-TTg nên chi phí vận tải container từ cảng, ICD đến các nhà máy đã tăng giá cước. Trong khi, thủ tục cho xe hàng container không phải hàng thiết yếu nên rất khó lưu thông liên tỉnh và làm tăng chi phí.

Cùng với đó là do các container hàng nhập khẩu và các container hãng tàu phải vận chuyển vỏ rỗng từ các quốc gia khác về để đủ thùng đóng hàng xuất khẩu nên không thể luân chuyển, giải phóng ra khỏi “nút cuối” của chuỗi vận tải đến với cảng Cái Lái, ICD ... Cũng chính vì chủ hàng không đến nhận hàng mà hàng nhập khẩu, container vẫn tiếp tục nhập về khiến hàng tại bãi, kho hàng tại cảng, ICD bị dồn ứ, quá tải.

Trước thực tế trên, doanh nghiệp cảng cũng đã đưa ra một số giải pháp, trong đó có yêu cầu hãng tàu cam kết lấy container ra khỏi cảng trong một thời hạn nhất định. Tuy nhiên giải pháp này chỉ có tác dụng từ thời điểm hãng tàu cam kết trở về sau, còn container hiện đang lưu bãi của thời điểm trước đó thì vẫn còn. Mặt khác, có hãng tàu có thể sẽ không thực hiện được đúng cam kết vì lý do khách quan là chính chủ hàng – khách hàng của hãng cũng không thực hiện đúng cam kết với hãng tàu ... Trong khi hàng thì đang tồn đọng tại cảng nhưng doanh nghiệp cảng hiện chưa có giải pháp thật sự để có thể áp dụng “chế tài dân sự” buộc khách hàng phải vận chuyển hàng ra khỏi cảng. Đặc biệt, đối với chủ hàng có cơ sở kinh doanh ngừng khai thác hoặc có công nhân nhiễm Sars- CoV-2 thì sẽ thiếu vắng sự tham gia khi có yêu cầu cùng trực tiếp xử lý với chủ tàu.

Chủ động “khơi thông” giải phóng container hàng hóa…

Chính những nguyên nhân trên đã làm hàng hóa dồn ứ tại các kho, bãi chứa hàng ở các ICD tại cảng Cát Lái ngày một nhiều, từ đó đã tác động dây chuyền đến cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.

Nhờ chủ động thực hiện các giải pháp giải tỏa hàng hóa của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu nên lượng container ở cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đã được khơi thông
Nhờ chủ động thực hiện các giải pháp giải tỏa hàng hóa của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu nên lượng container ở cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đã được khơi thông

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và trên cơ sở kết quả khảo sát, làm việc với các doanh nghiệp liên quan, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã đưa ra những giải pháp, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp cảng khẩn trương nghiên cứu, trực tiếp làm việc, kết hợp gửi văn bản yêu cầu hãng tàu cam kết giải phóng container nhập khẩu trong một khoảng thời gian cụ thể, như tối đa 3 ngày, 5 ngày hay 7 ngày kể từ khi container về cảng và có chính sách miễn giảm phí lưu kho bãi nếu hãng thực hiện đúng cam kết; tiến hành thực hiện trong trường hợp cần thiết thì hạn chế sản lượng của những chuyến sau; kêu gọi hãng tàu nghiên cứu, “dự báo” sản lượng hàng xuất khẩu để điều tiết nhập container rỗng về với số lượng phù hợp, trong đó hạn chế nhập container rỗng về Cát Lái và khu cảng Cái Mép – Thị Vải trong giai đoạn đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg.

Cùng với đó, đề nghị các Hiệp hội chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội giao nhận, Hiệp hội chủ hàng cần khẩn trương phối hợp với các chủ hàng, các ICD nghiên cứu, trực tiếp làm việc hoặc có văn bản kêu gọi, yêu cầu hãng tàu phối hợp cùng doanh nghiệp cảng bù đắp, hỗ trợ phần nào chi phí vận tải đường bộ bị tăng lên rất nhiều do dịch bệnh Covid – 19, qua đó nhằm khuyến khích, hỗ trợ chủ hàng sớm nhận hàng. Bởi thực tế nếu hàng không thể giải phóng và cứ để container nằm tại bãi cảng thì chủ tàu vẫn phải trả thêm “chi phí lưu kho bãi”. Trong khi, nếu có giải pháp phù hợp giải phóng hàng sớm thì hãng tàu hoàn toàn có thể lấy “chi phí lưu kho bãi”; hãng tàu cũng có thể kêu gọi, yêu cầu chủ hàng đến cảng, ICD lấy hàng về và có chính sách giảm một số chi phí nào đó để khuyến khích chủ hàng lấy hàng sớm ...

 Bên cạnh đó, chính quyền các tỉnh, thành phố cần sớm xem xét, tạo điều kiện để xe container lưu thông thuận lợi trong từng tỉnh, thành phố và lưu thông liên tỉnh để chủ hàng đến lấy container được dễ dàng, giảm thiểu chi phí phát sinh trong mùa dịch.

Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cũng đề nghị cơ quan hải quan chủ trì, phối hợp với chủ cảng, chủ hàng làm việc trực tiếp với các ICD để tháo gỡ vướng mắc và cần có chính sách thuận lợi cho hàng container nhập, container rỗng được chuyển sớm về các ICD, cũng như các cảng tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai sau khi tàu rời bến. Còn với các doanh nghiệp cảng thì cần nghiên cứu, trực tiếp làm việc với hãng tàu để thống nhất tạm thời hạn chế đến mức phù hợp việc tiếp nhận các container “trung chuyển”. Mặt khác Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung nghiên cứu, có giải pháp cải cách thủ tục hải quan mang tính “đột phá” nhằm thu hút các chủ hàng lựa chọn địa điểm thông quan và đưa hàng về khu vực cảng cửa khẩu Cái Mép – Thị Vải.

Với các giải pháp đồng bộ và quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế trên, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã chủ động giải tỏa rất hiệu quả, hợp tình, hợp lý khối lượng container hàng hóa tại cụm cảng Cái Mép – Thị Vải do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 mà không bị tác động dây chuyền ùn ứ từ cảng Cát Lái.

Bảo Ngân