Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà dự phiên họp trực tuyến chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị thường niên APPF-29

- Thứ Hai, 08/11/2021, 16:36 - Chia sẻ
Chiều 8.11, tại Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà dẫn đầu, đã tham dự phiên họp trực tuyến, thảo luận các dự thảo Nghị quyết về các vấn đề chính trị và an ninh, sẽ được trình ra hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 29 (APPF-29) do Hàn Quốc chủ trì tổ chức vào tháng 12 tới.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà dẫn đầu, tham dự phiên họp trực tuyến chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị thường niên APPF-29

Tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam có: Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà; Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Xuân Hùng.

Phiên họp do Nghị sĩ Hàn Quốc Kim Han-jung chủ trì, với sự tham dự của các nghị sĩ đến từ 8 nước thành viên khác của APPF gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Nga, Philippines, Indonesia, Canada.

Tại phiên họp, các đại biểu đã góp ý trực tiếp vào 5 dự thảo Nghị quyết. Trong đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam góp ý vào 3 dự thảo Nghị quyết: “Sự dẫn dắt của Nghị viện vì hoà bình và an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hơn thế nữa”; “Tăng cường chủ nghĩa đa phương trong khu vực và giải quyết các vấn đề dựa trên luật lệ” và “Thúc đẩy hợp tác lấy con người làm trung tâm bằng cách đảm bảo an ninh con người”.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà góp ý vào các dự thảo Nghị quyết về chính trị và an ninh

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết “Sự dẫn dắt của Nghị viện vì hoà bình và an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hơn thế nữa” do Hàn Quốc, Indonesia và Liên bang Nga đồng bảo trợ, Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết nội dung: nhắc lại Tuyên bố Hà Nội năm 2018, trong đó tái khẳng định cam kết của APPF trong việc thúc đẩy hợp tác, đi tiên phong trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực và trên toàn thế giới, ngăn ngừa xung đột và tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, các quy tắc và tiêu chuẩn. Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cần kêu gọi các Nghị viện thành viên APPF nỗ lực hướng tới giải quyết hòa bình các tranh chấp và xung đột giữa các quốc gia thông qua các biện pháp hòa bình, đối thoại dân chủ phù hợp với luật pháp, chuẩn mực quốc tế và các thỏa thuận liên quan bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, hợp tác bao trùm và không ngừng tham gia ngoại giao nghị viện nhằm duy trì và đảm bảo hòa bình, an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các ý kiến góp ý của Đoàn Việt Nam vào 2 dự thảo nghị quyết còn lại đã được gửi bằng văn bản cho ban tổ chức. 

Toàn cảnh phiên họp

Chủ đề của Hội nghị APPF-29 do Hàn Quốc chủ trì dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 12 tới về “Vai trò của nghị viện trong việc nâng cao khả năng tự cường phục hồi hậu Covid-19”, nhấn mạnh vai trò của nghị viện trong việc tăng cường hợp tác bảo đảm hòa bình, an ninh và phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã bước qua “đỉnh” dịch Covid-19, nhưng hệ lụy đối với kinh tế - xã hội và đời sống người dân còn nặng nề. Việc Quốc hội Hàn Quốc và các nghị viện thành viên APPF đang tích cực chuẩn bị cho sự tham dự Hội nghị APPF-29 được tổ chức theo hình thức trực tiếp vào tháng 12, sau gần hai năm bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 (kể từ Hội nghị APPF-28 diễn ra vào tháng 1.2020) cho thấy nỗ lực của Quốc hội nước chủ nhà và quyết tâm của các nghị viện thành viên APPF trong việc củng cố hợp tác nghị viện đa phương cùng đoàn kết, hợp tác phục hồi sau đại dịch vì một tương lai tốt đẹp hơn, khẳng định sức sống của ngoại giao đa phương, trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương có xu hướng trỗi dậy trong quan hệ quốc tế.

Đoàn Việt Nam tham dự các phiên họp trực tuyến nhằm chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị APPF-29 với phương châm: chủ động, tích cực đề xuất các sáng kiến của Việt Nam tại Hội nghị, tham gia có trách nhiệm đóng góp ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện các văn kiện của Hội nghị với tinh thần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, nâng tầm đối ngoại đa phương, tiếp tục phát huy vị thế và vai trò là thành viên tích cực của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác liên nghị viện khu vực và thế giới; sẵn sàng hợp tác vì sự phục hồi và phát triển của khu vực sau đại dịch, hướng tới tương lai của một cồng đồng châu Á - Thái Bình Dương "hòa bình, ổn định, sáng tạo, gắn kết và phát triển bền vững" theo tinh thần của Tuyên bố Hà Nội được thông qua tại Hội nghị APPF 26 năm 2018.

Thanh Chi