Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh tham dự Hội nghị trực tuyến Ban Chấp hành APF

- Thứ Ba, 12/10/2021, 21:27 - Chia sẻ
Ngày 12.10, tại điểm cầu Nhà Quốc hội, Phân ban Việt Nam trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF, Phó Chủ tịch APF Nguyễn Thúy Anh làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị Ban Chấp hành APF được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà, Chủ tịch APF Amadou Soumahoro và Tổng Thư ký Nghị viện của APF, Nghị sĩ Pháp Jacques Krabal chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có khoảng 40 đại biểu là các nghị sĩ thành viên Ban Chấp hành APF, đại diện Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và một số tổ chức quốc tế.

		Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF, Phó Chủ tịch APF Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại hội nghị
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF, Phó Chủ tịch APF Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo của Tổng Thư ký Nghị viện của APF về hoạt động của tổ chức; thông qua ngân sách và chương trình năm 2022, các chương trình hợp tác đa phương liên nghị viện. Các đại biểu cũng nghe Chủ tịch các Ủy ban thường trực APF gồm: Chính trị; Công tác Nghị viện; Hợp tác và phát triển; Giáo dục, truyền thông, văn hóa; các Mạng lưới Nữ nghị sĩ, Nghị sĩ trẻ; các Vùng châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi trình bày báo cáo hoạt động của các Ủy ban; thông qua các Thỏa thuận hợp tác giữa APF với các đối tác, các hình thức khen thưởng vì sự phát triển của Cộng đồng Pháp ngữ.

Ban Chấp hành đánh giá việc thực hiện Khung Chiến lược APF giai đoạn 2019-2022 đã có những kết quả nhất định, đạt được nhiều mục tiêu đề ra trong 4 ưu tiên theo Chương trình hành động của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) gồm: chống khủng bố và bạo lực cực đoan; phát triển và tăng trưởng bao trùm; phát triển của các chính sách công về giáo dục và giảng dạy tiếng Pháp trong dự đa dạng ngôn ngữ của Cộng đồng Pháp ngữ; thông qua và triển khai thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.

	Phân ban Việt Nam trong APF tham dự hội nghị Ban Chấp hành APF theo hình thức trực tuyến
Phân ban Việt Nam trong APF tham dự hội nghị Ban Chấp hành APF theo hình thức trực tuyến

Cũng trong Hội nghị lần này, các thành viên Ban Chấp hành APF đã chất vấn Tổng Giám đốc điều hành OIF Geoffroi Montpetit về việc thực hiện các nhiệm vụ lớn theo Chương trình hành động của Tổ chức.  

Hội nghị đã xem xét Báo cáo về tình hình chính trị tại các quốc gia thành viên, đặc biệt là diễn biến quá trình chuyển đổi tại Mali, tình hình phức tạp tại Syria và xung đột chính trị tại Cộng hòa Haiti, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Tchad, Cộng hòa Bénin, Burkina Faso… Ban Chấp hành APF đánh giá cao các chuyến công tác thực địa do APF tổ chức tại Mali, Lebanon, Armenia đã góp phần để APF và cộng đồng Pháp ngữ có những nhận định chính xác về tình hình thực tế của các quốc gia nhằm đề xuất những biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Ban Chấp hành APF cũng đã thống nhất thông qua Nghị quyết về tình hình Mali, Trung Phi, Tchad, trong đó kêu gọi các bên liên quan tuân thủ nghiêm ngặt các công ước quốc tế về quyền con người, thúc đẩy việc thực hiện các cam kết trong môi trường hòa bình và mang tính xây dựng; góp phần mang lại sự ổn định, hòa bình cho khu vực Sahel nói chung.

Ngoài ra, các thành viên Ban Chấp hành cũng đã xem xét việc xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu nghị viện Pháp ngữ, nhằm tăng cường trao đổi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm giữa các nghị viện thành viên, cũng như là nguồn dữ liệu quan trọng đối với hoạt động nghị viện Pháp ngữ.

	Hội nghị được tiến hành theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của khoảng 40 nghị sĩ là thành viên Ban Chấp hành APF
Hội nghị được tiến hành theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của khoảng 40 nghị sĩ là thành viên Ban Chấp hành APF

Tham gia ý kiến đối với hoạt động của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và APF, Chủ tịch Phân ban Việt Nam Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, OIF, APF cần khẳng định vai trò hợp tác đa phương ứng phó với các vấn đề toàn cầu như xung đột kéo dài, biến đổi khí hậu, sự tàn phá khủng khiếp của đại dịch Covid-19; có tiếng nói chung thúc đẩy thực hiện công bằng vaccine cho mọi người, củng cố hệ thống y tế tự cường, hợp tác sản xuất vaccine. Nghị viện các nước Pháp ngữ cần tích cực chia sẻ kinh nghiệm, cùng đồng hành với các Chính phủ hợp tác chặt chẽ cùng vượt qua đại dịch Covid-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, gìn giữ môi trường hòa bình, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.

Phân ban Việt Nam trong APF cũng đã có các ý kiến đóng góp đối với các nội dung nghị sự của Hội nghị Ban Chấp hành APF.

Thanh Chi