Ngày làm việc thứ bảy, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc được tái bầu giữ chức Chủ tịch Nước

- Thứ Hai, 26/07/2021, 11:33 - Chia sẻ
Sáng 26.7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch Nước.

Mở đầu Phiên họp sáng nay, Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch Nước. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch Nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch Nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Quốc hội bầu Chủ tịch Nước bằng hình thức bỏ phiếu kín

Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Theo đó, với 483 đại biểu Quốc hội tán thành (chiếm 96,79% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước giữ chức Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV diễn ra tại hội trường Diên Hồng, như tên gọi về một sự kiện chính trị trọng đại diễn ra vào năm 1284 - tinh thần Diên Hồng là biểu tượng thiêng liêng về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về phát huy tiếng nói, quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt là trong những thời khắc có tính quyết định đối với vận mệnh đất nước.

Dưới lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc nguyện sẽ luôn tu dưỡng đạo đức, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; thượng tôn pháp luật và tuyệt đối tuân thủ Hiến pháp; thực hiện trọn vẹn, đầy đủ mọi nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Nước. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn hay thuận lợi, sẽ luôn gìn giữ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng với các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa và truyền thống thiêng liêng của dân tộc, vì sự phát triển lớn mạnh, toàn diện và bền vững của đất nước ta. Chủ tịch Nước nêu rõ, sẽ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ trí thức trong và ngoài nước; tiếp tục cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, quan tâm thường xuyên, sâu sát và hiệu quả đối với việc xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, luôn giữ gìn cuộc sống bình an cho nhân dân và sẵn sàng bảo vệ vững chắc nền hòa bình, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ tuyên thệ nhậm chức

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Là đại biểu Quốc hội và trên cương vị Chủ tịch Nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tôi sẽ nỗ lực cùng Quốc hội, Chính phủ và toàn hệ thống chính trị theo sát việc thực hiện tầm nhìn, đường lối, chiến lược phát triển toàn diện đất nước, với tinh thần không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là ở những địa phương nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo… Trong bất kỳ trọng trách nào mà Đảng, Quốc hội và Nhân dân đã giao phó, sẽ luôn gìn giữ sự đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, tích cực lắng nghe, phát huy dân chủ, bám sát thực tiễn, kiên định “Ý Đảng - Lòng Dân”, coi đó là cội nguồn sức mạnh đưa đất nước chúng ta vững bước tiến về phía trước.”

Nhiệm kỳ 2016-2021 là giai đoạn 5 năm có nhiều thử thách rất khắc nghiệt từ thảm họa môi trường Formosa, hạn mặn thế kỷ Tây Nam Bộ, thiên tai, bão lũ dồn dập đến các căng thẳng thương mại, địa chính trị khu vực và quốc tế; đặc biệt là đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu. Nêu bật bối cảnh này, Chủ tịch Nước khẳng định, đó chính là khoảng thời gian hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã được tôi luyện, trưởng thành thêm về bản lĩnh và lòng quyết tâm, luôn không ngừng nuôi dưỡng tầm nhìn, khát vọng mãnh liệt về một Việt Nam phát triển, hùng cường, theo định hướng XHCN vào năm 2045. Đặc biệt, 5 năm qua, dù khó khăn hay thuận lợi, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến công nhân, nông dân, nông nghiệp, nông thôn, người nghèo, gia đình chính sách, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, và những người yếu thế trong xã hội. Kế thừa thành quả từ những nhiệm kỳ trước, giai đoạn 2016-2021 đã dành nhiều nguồn lực và chủ động xúc tiến đầu tư chiến lược (cả trong và ngoài nước) vào các ngành, các lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước, trong đó có nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa và các địa phương nghèo, địa phương ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong mọi hoạch định chính sách và chỉ đạo điều hành, luôn chú trọng tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững hài hòa trên cả 3 khía cạnh kinh tế-xã hội và môi trường.

Theo Chủ tịch Nước, cơn đại dịch Covid-19, với những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và nền kinh tế thế giới, xét trên nhiều phương diện, là nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, trong gian khó, niềm tin của nhân dân, bạn bè quốc tế vào quyết tâm chính trị, vào bản chất chế độ ta lại một lần nữa tỏa sáng. Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này, với khả năng lây lan mạnh của biến thể Delta, Chủ tịch Nước bày tỏ niềm tin vào "sức mạnh Diên Hồng" của dân tộc, tinh thần đoàn kết vô địch của nhân dân; niềm tin vào quyết tâm của Chính phủ, về một Việt Nam tất thắng trong việc kiểm soát, đẩy lùi đại dịch Covid-19; để Việt Nam tiếp tục làm nên những mốc son phát triển mới. “Như Bác Hồ đã dạy: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”, Chủ tịch Nước nhấn mạnh.

Chủ tịch Nước bày tỏ niềm tự hào sâu sắc vì sự nhân ái, bền bỉ và kiên cường trong gian nan, thử thách của đồng bào dù khó khăn vất vả nhưng vẫn lạc quan để đoàn kết vượt khó chiến thắng dịch bệnh. Truyền thống con rồng cháu tiên, đạo lý “bầu ơi thương lấy bí cùng”, ý chí vươn lên trong nghịch cảnh đã luôn là những phẩm chất vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi, đem về nhiều vinh quang cho dân tộc Việt Nam.

Nhật Khánh