Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV ngành Tòa án

- Thứ Tư, 28/10/2020, 12:55 - Chia sẻ
Sáng 28.10, Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV của Tòa án nhân dân và lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tòa án, lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất của Tòa án Nhân dân tối cao và trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Tòa án Quân sự Trung ương đã được tổ chức tại Trụ sở Tòa án Nhân dân tối cao.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV ngành Tòa án
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Đại hội

Thi đua vì công lý

Cách đây 75 năm, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33C thiết lập các Toà án Quân sự, đánh dấu sự ra đời của Tòa án Nhân dân Việt Nam. 

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đã dành riêng một Chương quy định về Tòa án, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của cơ quan xét xử trên phạm vi cả nước. Thực hiện công cuộc cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng, Tòa án Nhân dân đã đổi mới mạnh mẽ cả về địa vị pháp lý, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động. Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng xác định “Tòa án là trung tâm, xét xử là hoạt động trọng tâm, khâu đột phá của hoạt động tư pháp là nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa”. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước ta, Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp”, đồng thời, hiến định nhiều nguyên tắc tư pháp tiến bộ của nhân loại.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Đại hội

75 năm qua, hệ thống Tòa án nhân dân đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; tổ chức bộ máy được kiện toàn hợp lý và chuyên nghiệp; địa vị pháp lý được khẳng định là trung tâm của hoạt động tư pháp; chức năng, nhiệm vụ được tăng cường; chất lượng công tác ngày càng cao. Trong điều kiện quy mô, tính chất vi phạm và tội phạm ngày càng gia tăng và phức tạp, đòi hỏi của pháp luật và nhân dân ngày càng cao, song các thế hệ cán bộ Tòa án đã không ngừng nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp đổi mới trên các mặt công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

5 năm qua, Tòa án Nhân dân tối cao đã phát động phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị. Phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống Tòa án. Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, nhiều Tòa án địa phương, Tòa án quân sự đã sáng tạo, đổi mới cách làm, tổ chức nhiều phong trào thi đua với chủ đề hành động dễ nhớ, dễ thực hiện như: phong trào “2 tăng, 2 giảm, 3 không trong công tác nghiệp vụ”; phong trào “Làm hết việc, không làm hết giờ”; phong trào “Cấp trên nêu gương, đơn vị kỷ cương, cấp dưới tự giác, công tác hiệu quả”; phong trào “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, quyết thắng; phong trào “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”; phong trào “Nghĩa tình đồng đội”; phong trào “Tham gia xây dựng nông thôn mới”... Kết quả của các phong trào thi đua đã tạo ra khí thế sôi nổi, phấn khởi, động viên cán bộ, công chức các cấp Tòa án nỗ lực phấn đấu; đề ra những sáng kiến, giải pháp, mô hình hay, mang tính đột phá; lập nên nhiều thành tích xuất sắc, ấn tượng.

Phát huy thành tích đã đạt được và những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn 5 năm qua, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã phát động phong trào “Thi đua vì công lý”. Mục tiêu chính của phong trào là xây dựng hệ thống Tòa án ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tòa án nhân dân tối cao
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gắn Huân chương Độc lập hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Tòa án nhân dân tối cao

Phải là những chiến sỹ kiên trung bảo vệ pháp chế

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng và biểu dương những nỗ lực, thành tích và đóng góp của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức hệ thống Tòa án đã đạt được trong 75 năm qua; chúc mừng các gương điển hình tiên tiến, các Thẩm phán giỏi, tiêu biểu, mẫu mực và những đại diện xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước Toà án nhân dân giai đoạn 2015 - 2020.

Hiện nay, chúng ta đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đại hội XIII sẽ đề ra những định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong toàn bộ tiến trình này, Toà án các cấp với trọng trách cao cả là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; góp phần tạo môi trường lành mạnh, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao tặng  trao tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Tòa án Quân sự Trung ương
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gắn Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Tòa án Quân sự Trung ương

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phong trào thi đua yêu nước của hệ thống Toà án thời gian tới cần tập trung nâng cao chất lượng xét xử; không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Bản án nghiêm minh của Toà án chính là sức mạnh của quyền tư pháp, khôi phục các giá trị đã bị xâm phạm, xử lý và phòng ngừa hiệu quả tội phạm, vi phạm và các tranh chấp. Để làm được điều này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hoạt động Tòa án phải bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật, tính công khai, minh bạch, vô tư, độc lập trong việc ra phán quyết. Đây chính là trách nhiệm chính trị của Toà án, nhất là của đội ngũ Thẩm phán trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Do đó, các Toà án cần tiếp tục tổ chức tốt các phong trào thi đua gắn với việc nâng cao chất lượng xét xử, có những giải pháp cụ thể, thiết thực để đạt hiệu quả cao nhất.

Cùng với đó, phải chú trọng xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, Thẩm phán phải là những chiến sỹ kiên trung trên mặt trận đấu tranh bảo vệ pháp chế, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật; gương mẫu, đi đầu trong thực hiện trách nhiệm nêu gương. Các Tòa án phải tăng cường công tác chính trị, tư tưởng; rèn luyện phẩm chất đạo đức để mỗi cán bộ, Thẩm phán luôn nhận thức đầy đủ, rõ ràng trách nhiệm trong thực thi công vụ. Hoạt động trong môi trường xét xử, phán quyết tính đúng sai của các sự kiện pháp lý, cán bộ, Thẩm phán thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân. Vì vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, hơn lúc nào hết, hệ thống Toà án càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng; tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của Thẩm phán. Mỗi cán bộ, Thẩm phán phải luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào nghề nghiệp và nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm; phải luôn tự soi vào các chuẩn mực của Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán để phấn đấu, giữ gìn và rèn luyện. Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Quy định về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Toà án nhân dân, nhưng chỉ khi hệ thống Toà án quyết tâm không phải áp dụng Quy định này thì đó mới thật sự là thành công.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị ngành Tòa án khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ cải cách tư pháp đã đặt ra để hướng đến xây dựng nền công lý tiến bộ; tích cực nghiên cứu, đề xuất các nội dung để xây dựng Toà án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý; tăng cường nghiên cứu, góp ý, kiến nghị việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về tư pháp; nghiên cứu để nhận diện những vấn đề pháp lý mới xuất hiện và những vấn đề dự liệu sẽ phát sinh trong thời gian tới để xử lý thấu đáo các tranh chấp, vi phạm và tội phạm, bảo đảm quyền tiếp cận công lý của người dân.

Đánh giá cao sáng kiến của Tòa án Nhân dân tối cao trong việc phát động phong trào “Thi đua vì Công lý” vì phong trào rất phù hợp với nội dung, nhiệm vụ công tác của Toà án, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các Tòa án cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào nhiệm vụ trọng tâm, lấy kết quả công tác thi đua là một trong những tiêu chí để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống Tòa án phải phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua. Đồng thời, cần chú trọng và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phát hiện, giới thiệu, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả từ cơ sở, để lan tỏa hơn nữa hiệu ứng của các phong trào thi đua. Quan tâm, chú ý đến việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao nhằm cổ vũ, động viên phong trào thi đua, tạo hiệu quả thiết thực.

Tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tòa án Nhân dân tối cao và trao tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Tòa án Quân sự Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu cắt băng khánh thành Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao

Trước đó, sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các đại biểu tham dự Đại hội đã cắt băng khánh thành Trụ sở làm việc mới của Tòa án Nhân dân tối cao.

Phạm Thúy