Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội

- Thứ Sáu, 22/10/2021, 18:34 - Chia sẻ
Tại phiên thảo luận tổ chiều nay của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội là lĩnh vực có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là trụ cột trong lưới an sinh xã hội của nước ta. Quỹ Bảo hiểm xã hội và Quỹ Bảo hiểm y tế là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước lớn nhất và “thông” với ngân sách Nhà nước. Việc quản lý, sử dụng các Quỹ này cũng liên quan trực tiếp đến người dân. Do đó, lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất trình Quốc hội xem xét, thảo luận về vấn đề này thay vì chỉ gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu như trước đây. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, một trong những nhu cầu quan trọng nhất hiện nay là phải khẩn trương xây dựng để trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.

Sửa luật sớm sẽ hạn chế người hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Trong phiên họp chiều nay, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý, sử dụng Qũy Bảo hiểm xã hội năm 2020;  việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều nay của Quốc hội
Ảnh: Quang Khánh

Qua quá trình làm việc giữa cơ quan của Chính phủ và Quốc hội, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, hoàn thiện trước Kỳ họp thứ Hai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá các Báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra về hai nội dung này có chất lượng tốt, kỹ lưỡng, kiến nghị rõ ràng, cụ thể. Nhất trí với các nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, đã tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, sau Kỳ họp này, công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ ngày càng đi vào nền nếp hơn.

Về Quỹ Bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, một trong những nhu cầu quan trọng nhất hiện nay là phải khẩn trương xây dựng để trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm. Chúng ta đã có Bộ luật Lao động. Trung ương cũng đã có hai Nghị quyết rất quan trọng là Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội với rất nhiều nội dung đổi mới so với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Nghị quyết 28 đã ban hành từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa sửa được luật là chậm, do đó phải khẩn trương hơn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu sửa sớm được Luật Bảo hiểm xã hội chúng ta sẽ quản lý tốt hơn số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Luật hiện nay quy định 20 năm đóng bảo hiểm mới được hưởng chế độ hưu trí nhưng điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần lại rất dễ. Nghị quyết 28 có nêu vấn đề rút ngắn thời hạn đóng, trong đó hướng lộ trình có thể xuống 15 năm, thậm chí 10 năm. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, việc rút bảo hiểm xã hội một lần là nhu cầu chính đáng do thực tế khách quan của người lao động. Nhưng nếu người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội thấy chỉ cần đóng 10 năm hoặc 15 năm sẽ được hưởng chế độ lương hưu khi về già, còn khi rút một lần chỉ được hưởng phần đóng của người lao động là chính thì sẽ hạn chế được tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Bình quân hàng năm số người rút khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội khoảng 5%, như nhận định của Ủy ban Xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Riêng năm 2020 có đến gần 861.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng hơn 53.000 người so với năm 2019, tương ứng với 6,65%. Đây là một trong những lý do cho thấy cần phải sửa sớm Luật Bảo hiểm xã hội.

Một số quỹ bảo hiểm ngắn hạn hiện nay có số kết dư khá lớn như Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư chuyển từ năm 2020 chuyển sang là 90.000 tỷ đồng. Vừa qua, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn và thống nhất dành 1/3 số kết dư này để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn của đại dịch Covid -1 9 với 6 mức, thấp nhất là 1.800.000, cao nhất là 3.400.000 cho khoảng 13 triệu lao động; đồng thời giảm đóng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp khoảng 8.000 tỷ đồng. Theo quy định, các quỹ ngắn hạn đều phải có kết dư, bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khi kết dư nhiều thì cũng cần rà soát lại mức đóng và phạm vi chi trả của các Quỹ này cho phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước và người dân. Bên cạnh đó, năm 2021 chịu tác động rất nặng nề của đại dịch Covid -19 nên cũng cần rà soát, đánh giá tác động và khả năng thu chi của các Quỹ ngắn hạn trong giai đoạn 2021-2022.

Thực hiện nghiêm quy định dành 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng

Ảnh: Quang Khánh

Về bảo hiểm y tế, Chủ tịch Quốc hội lưu ý một số việc đã đặt ra từ lâu nhưng cần thúc đẩy mạnh hơn.

Một là, mô hình bác sỹ gia đình đặt ra từ năm 2013 nhưng bây giờ tổ chức triển khai được đến đâu thì tổng kết, đánh giá chưa rõ. Hai là, khái niệm và việc xây dựng, quy định gói dịch vụ y tế cơ bản. Khái niệm không mới vì nêu nhiều lần rồi nhưng vì sao vẫn chưa xây dựng được? Ba là, thanh, quyết toán bảo hiểm y tế. Giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và ngành y tế cũng hay vướng mắc vấn đề này, có năm phải đưa ra Chính phủ ban hành Nghị quyết. Về nguyên tắc, khi đã ban hành giá, phí rồi thì thanh, quyết toán phải trên cơ sở giá, phí đó, nhưng cái khó là việc quy định định mức kinh tế kỹ thuật để xây dựng các gói dịch vụ, giá dịch vụ này. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ Tài chính, Y tế phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện tốt hơn, phân loại các dịch vụ, định mức kinh tế kỹ thuật như thế nào, không thể cầu toàn nhưng phải có định mức, ban hành khung giá thì mới thanh, quyết toán được.

Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất đề xuất của Ủy ban Xã hội về việc đưa vào Nghị quyết Kỳ họp lần này hoặc Nghị quyết về kinh tế - xã hội giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ như đầu tư nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế cho phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách nhà nước và người dân. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý đề xuất điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phải rõ hơn. Cụ thể hơn là đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh tăng mệnh giá bảo hiểm y tế vì hiện nay, mức đóng bảo hiểm y tế của nước ta còn thấp trong khi danh mục được hưởng lại rộng hơn, nhiều hơn so với một số nước. Nếu tăng mức đóng thì khả năng chi trả của người dân và mức đóng của Nhà nước mua bảo hiểm y tế cho đối tượng người nghèo, người có công… cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, phải tăng mệnh giá bảo hiểm y tế lên thì mới có điều kiện thực hiện sớm lộ trình giá dịch vụ y tế và thúc đẩy các cơ sở y tế nâng cao tính tự chủ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Đây là vấn đề xã hội quan trọng, do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dù ngân sách khó khăn, chúng ta cũng phải cố gắng tiết kiệm các khoản chi tiêu khác để thực hiện.

Về đầu tư nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, năm 2019 Chính phủ bàn đi bàn lại và đã quyết định sử dụng một phần trong nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới để đầu tư cho các trạm y tế ở vùng khó khăn. Nhất trí phải tăng cường hơn nữa nguồn lực đầu tư y tế cơ sở, y tế dự phòng vì qua đại dịch Covid – 19 càng cho thấy vai trò quan trọng của y tế cơ sở, y tế dự phòng, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các địa phương phải thực hiện nghiêm quy định của Luật Ngân sách Nhà nước bảo đảm chi ít nhất 30% ngân sách nhà nước chi cho ngành y tế cho y tế dự phòng. “Chúng ta không dành ít tiền cho y tế dự phòng đâu nhưng các địa phương phải thực hiện nghiêm, dành đủ 30% như quy định. Các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường giám sát, Chính phủ cũng cần đôn đốc để thực hiện cho nghiêm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về Trung tâm y tế và bệnh viện huyện, Chủ tịch Quốc hội cho biết, khi có Nghị quyết 19 về đổi mới sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập đã có ý kiến đề nghị chuyển ngay các cơ sở này cho địa phương quản lý còn Bộ Y tế chỉ quản lý về chuyên môn nghiệp vụ. Nhưng sau đó có ý kiến cho rằng không nên ghi "cứng" trong nghị quyết mà giao Chính phủ hướng dẫn. Khi giao bệnh viện huyện, trạm y tế huyện về địa phương quản lý sẽ gắn rất chặt về trách nhiệm, nhân sự, đầu tư, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật. Thực tế tổng kết đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh vừa qua cho thấy, nơi nào đã bàn giao cho huyện, quận quản lý thì thực hiện rất tốt từ bổ nhiệm nhân sự, chăm lo về cơ sở vật chất, còn ngành y tế chỉ quản lý về chuyên môn. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nghiên cứu kỹ vấn đề này, đưa vào nghị quyết của Quốc hội để xử lý dứt điểm. Trong đó nhấn mạnh cơ quan quản lý nhà nước tập trung vào chức năng quản lý nhà nước, không quản lý đơn vị sự nghiệp. 

Hiện nay Bộ Y tế cũng chuyển giao cho địa phương quản lý nhiều bệnh viện, chỉ giữ lại quản lý một số bệnh viện trọng điểm. Trung tâm y tế, bệnh viện cấp huyện cũng hoàn toàn tương tự. Chủ tịch Quốc hội cho rằng mô hình này rất phù hợp, nhưng hiện nay chưa có sự thống nhất giữa các địa phương, do đó, cần có chỉ đạo của ngành y tế, của Chính phủ rà soát tính toán đưa vào nghị quyết để củng cố y tế cơ sở, y tế dự phòng.

"Việc giao bệnh viện huyện và trung tâm y tế cấp huyện cho huyện quản lý cũng sẽ góp phần thực hiện tốt hơn y tế dự phòng, y tế cơ sở bởi y tế dự phòng được phân bổ ngân sách theo cấp ngân sách. Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất cương quyết trong việc giữ định mức phân bổ ngân sách chi cho y tế cơ sở trong thời kỳ ổn định ngân sách này. Nói là ưu tiên cho y tế dự phòng y tế cơ sở nhưng những vấn đề cụ thể như định mức chi tiêu ngân sách đối với lĩnh vực sự nghiệp y tế lại không được để ý, do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất cương quyết thảo luận và Chính phủ cũng tiếp thu rất nhanh để giữ được định mức chi cho y tế. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Dù là vấn đề kỹ thuật nhưng liên quan đến chính sách lớn và khi nhận thức được đầy đủ thì cả Chính phủ và Quốc hội đều có sự đồng thuận rất cao", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Phạm Thúy