Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hưng Yên Khóa XVI

Chú trọng chất lượng tăng trưởng

- Thứ Tư, 02/12/2020, 01:13 - Chia sẻ
Tăng trưởng kinh tế đạt 6,46%, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đạt mức tăng trưởng cao nhất cả nước; được Thủ tướng Chính phủ công nhận là 1 trong 3 địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM)... Đó là những kết quả nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội nhiều gam màu sáng của tỉnh Hưng Yên trong một năm 2020 đầy thách thức.

Thực hiện thắng lợi bước đầu “mục tiêu kép”

Năm 2021, tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu: Tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; kiềm chế lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu tổng sản phẩm GRDP tăng 7.5%; GRDP bình quân người 85 triệu đồng/người/năm; kim ngạch xuất khẩu 4.800 triệu USD; tổng thu ngân sách đạt 13.593,9 tỷ đồng; phấn đấu 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; từ 2 - 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,5%…

Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và tỉnh Hưng Yên nói riêng. Song, với tinh thần chủ động, lường trước các diễn biến, tỉnh đã nhanh chóng đưa ra các kịch bản ứng phó linh hoạt, vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh vừa triển khai các giải pháp phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đến thời điểm này, có thể khẳng định tỉnh đang khép lại năm 2020 với rất nhiều kết quả. Điều này đã được Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản khẳng định tại phiên khai mạc kỳ họp.

Theo Báo cáo của UBND tỉnh, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2020 ước tăng 6,46%; GRDP bình quân đầu người đạt 79,57 triệu đồng, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trên cả nước; thu ngân sách nhà nước ước đạt 15.500 tỷ đồng, đạt 104,2% kế hoạch. Về thu hút đầu tư, toàn tỉnh đã thu hút được 69 dự án. Trong đó, 46 dự án đến từ nhà đầu tư trong nước, 23 dự án FDI. Đặc biệt, một trong những “điểm sáng” được đánh giá cao đó chính là việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt nhiều kết quả. Tỉnh Hưng Yên mới được Thủ tướng Chính phủ công nhận là 1 trong 3 địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…

Bên cạnh những “gam màu” tươi sáng, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ rõ: Kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2020 cũng phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nổi lên là: Thu ngân sách thiếu ổn định, một số nguồn thu đạt thấp so với dự toán; tiến độ thực hiện các dự án đầu tư còn chậm; phát triển sản xuất gắn với liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị còn hạn chế. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa chuyển biến rõ nét… Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường còn nhiều tồn tại, diễn biến phức tạp ở một số địa bàn; việc thực thi pháp luật vẫn còn một số khó khăn; công tác cải cách hành chính vẫn còn nhiều hạn chế...

Các đại biểu tham dự kỳ họp  

Ảnh: Bảo Trâm 

Tập trung tháo gỡ các “nút thắt”

Đúng như khẳng định Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đỗ Tiến Sỹ, những kết quả tỉnh đã đạt được trong năm 2020 đầy thách thức rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên cũng chỉ rõ: Kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng; các trụ cột kinh tế còn thiếu tính bền vững và sự đột phá… Bên cạnh tác động tiêu cực của tình hình thế giới và khu vực, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần thẳng thắn nhận diện các nguyên nhân chủ quan. Trong đó, sự chủ động, trách nhiệm và chất lượng tham mưu của một số sở, ngành, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức chưa cao; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành một số mặt còn hạn chế; kỷ cương, kỷ luật một số nơi chưa nghiêm…

Nhấn mạnh tình hình trong nước và quốc tế năm 2021 sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp với không ít lực cản, thách thức, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Tiến Sỹ đề nghị: Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh cần phân tích, đánh giá thấu đáo làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân; từ đó “hiến kế” các giải pháp phù hợp để tạo động lực cho sự phát triển. Trong đó, tập trung các giải pháp căn cơ nhằm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương; các nghị quyết, chương trình, đề án của Tỉnh ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng nâng cao đời sống của người dân; tiếp tục thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” trong năm 2021; quyết liệt làm tốt công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư, nhất là các dự án ở các khu, cụm công nghiệp, dự án giao thông đô thị. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các địa phương và coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng thời, tìm giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu; xây dựng các xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; chú trọng gắn kết chính sách phát triển kinh tế với chính sách phát triển xã hội bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý, nhất là ở các ngành, lĩnh vực nóng như: Tài nguyên môi trường, kế hoạch, đầu tư, xây dựng…

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Tiến Sỹ, 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là năm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh và hướng tới kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh; 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Hưng Yên… “Do đó, cả hệ thống chính trị của tỉnh phải nêu cao quyết tâm; đoàn kết trí tuệ để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Tỉnh Hưng Yên đang khép lại năm 2020 để bắt đầu chặng đường đầy kỳ vọng trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Ngay tại Kỳ họp thứ 14 này, cử tri và Nhân dân trong tỉnh tin tưởng, các đại biểu HĐND tỉnh bằng trí tuệ và tinh thần làm việc dân chủ, trách nhiệm sẽ thảo luận, đánh giá thấu đáo, góp nhiều ý kiến thiết thực để Hưng Yên tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa trong năm đầu triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).

Bảo Trâm - Bách Hợp