Chú trọng đào tạo kỹ năng mới cho người lao động

- Chủ Nhật, 10/10/2021, 06:32 - Chia sẻ
Quý III.2021 cả nước ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao nhất và dự báo con số này sẽ không dừng lại. Các chuyên gia cho rằng, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước và của doanh nghiệp thì việc cải tiến kỹ năng lao động được xem là chìa khóa để người lao động giữ việc làm ổn định.

Thay đổi phương thức sản xuất khiến lao động chưa có tay nghề mất việc

Khảo sát gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng cho thấy, năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, lực lượng lao động trong quý III.2021 giảm mạnh chỉ còn 49,2 triệu người, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm còn 67,7%. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 47,5 triệu người, giảm 2,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Mức thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý III giảm sâu, chỉ còn 6 triệu đồng/tháng. Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Tào Bằng Huy chia sẻ thêm, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực lên 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên trong quý I; 12,8 triệu người trong quý II và dự báo số người bị tác động trong quý III sẽ cao hơn rất nhiều ước gần 30 triệu lao động.

Bên cạnh sự tác động của Covid-19 đến thị trường lao động thì, việc cắt giảm nhân sự cũng một phần là do người lao động thiếu kỹ năng nghề, bị động trước sự chuyển đổi trong hoàn cảnh thay đổi phương thức sản xuất để phòng chống dịch. Thực tế, thị trường lao động hiện nay chủ yếu là lao động phi chính thức, lao động phổ thông. Lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp (thống kê trong năm 2020 mới đạt tỷ lệ 24,5%). Điều này có nghĩa là chưa đến 1/4 số người lao động được đào tạo có chứng chỉ… Chính những nguyên nhân này đã khiến năng suất lao động tại Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á và đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Đại diện lâm thời Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Nguyễn Hồng Hà cho rằng, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 26,1%, điều này cho thấy nhu cầu được đào tạo lại cũng như đào tạo nâng cao về kỹ năng nghề cho người lao động là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Nhất là trong bối cảnh những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đang hạn chế các cơ hội phát triển kỹ năng của người lao động, tạo ra nhiều thách thức tiềm ẩn trong việc tiếp cận việc làm thỏa đáng của người lao động khi thị trường việc làm đang bị thu hẹp.

Nâng cao chất lượng lao động để tăng năng suất

Thực tế cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp là do điều kiện làm việc, môi trường làm việc, mật độ sử dụng công nghệ và vốn cũng như tay nghề kỹ năng của người lao động còn thấp. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành cho rằng, nâng cao chất lượng nguồn lao động là cơ sở để tăng năng suất. Để làm được điều này, cần thúc đẩy sự tham gia của khu vực doanh nghiệp vào quá trình đào tạo và đào tạo lại lao động, cũng như khuyến khích sự tham gia của người sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp trong việc xây dựng các chương trình đào tạo. Song song với giải pháp này, thì vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết cung - cầu lao động trong nước và khu vực cũng cần được chú trọng. 

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đánh giá, dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhìn một cách tổng thể thì quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của 1 quốc gia gần 100 triệu dân, 55 triệu lao động đang trong giai đoạn dân số vàng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay càng đặt ra thách thức rất lớn cho thị trường lao động Việt Nam. Trong đó, giải pháp căn cơ nhất lúc này là thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực.

Từ góc độ người sử dụng lao động, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải cho rằng, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động là một nhu cầu tất yếu và cũng để thu hút nhiều lao động tham gia hệ thống đánh giá nhằm nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Trong đó, cần làm tốt công tác dự báo theo nhu cầu, xây dựng và cập nhật dữ liệu về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chiến lược kỹ năng nghề theo các ngành kinh tế mũi nhọn.

Thái Yến