Đồng Nai gia tăng giá trị nông sản từ khâu sản xuất đến chế biến

Chú trọng đầu tư bảo quản, chế biến sâu

- Thứ Năm, 22/07/2021, 06:32 - Chia sẻ
Đồng Nai là tỉnh có nhiều mặt hàng nông sản trái cây chủ lực với diện tích lớn. Hai năm trở lại đây, dịch Covid-19 khiến mặt hàng trái cây tươi có tính chất mùa vụ, thường cho thu hoạch với sản lượng lớn trong một thời gian ngắn gặp không ít khó khăn về đầu ra. Để giải bài toán khó về tiêu thụ trong điều kiện dịch bệnh, việc đầu tư chế biến được cho là giải pháp căn cơ, góp phần vừa tạo đầu ra bền vững, vừa tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Lời giải cho đầu ra nông sản

Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cho thị trường xuất khẩu nông sản, cụ thể như trái cây tươi bị đình trệ; thị trường nội địa cũng rất khó tăng thêm lượng tiêu thụ so với nhu cầu hiện có, thậm chí còn giảm hơn vì ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh. Nhiều giải pháp được đặt ra để thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng này trong tình hình thị trường mới như tăng cường, mở rộng các kênh tiêu thụ nội địa cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là những thị trường khó tính khác để không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Trong đó, đầu tư cho bảo quản, chế biến được cho là giải pháp căn cơ, bền vững cho đầu ra của mặt hàng trái cây tươi.

Lý giải nguyên nhân chuyển từ hoạt động kinh doanh sang đầu tư vào lĩnh vực chế biến, ông Trương A Vùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ) cho biết, trước đây cơ sở chủ yếu kinh doanh trái cây tươi. Nhận thấy nhiều đối tác Trung Quốc có nhu cầu về mặt hàng múi sầu riêng đông lạnh nên đơn vị đã làm thêm sản phẩm này. Ban đầu, chỉ thử nghiệm với quy mô nhỏ. Về sau, nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường sản phẩm sầu riêng đông lạnh, chúng tôi đã quyết định thành lập doanh nghiệp, đầu tư nhà xưởng, dây chuyền đóng gói, nhà đông lạnh quy mô lớn với khoảng 150 công nhân làm việc ngay vùng nguyên liệu trồng sầu riêng.

Kết quả, từ năm 2017 đến nay, doanh nghiệp đưa vào chế biến với sản lượng từ 4 - 6 nghìn tấn sầu riêng/vụ thu hoạch. Mặt hàng sầu riêng múi đông lạnh của doanh nghiệp hiện xuất khẩu tốt vào nhiều thị trường như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản... Năm 2020, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng doanh nghiệp vẫn giữ mức tăng trưởng tốt nhờ đưa vào chế biến nên chủ động hơn về thị trường so với xuất khẩu hoa quả tươi.

“Vụ sản xuất này, doanh nghiệp mở rộng hơn quy mô sản xuất, nâng cao sản lượng trữ đông. Qua đó bảo đảm nguồn hàng dồi dào để có nguồn sầu riêng cấp đông xuất khẩu quanh năm chứ không chỉ hoạt động trong mùa thu hoạch như trước. Doanh nghiệp cũng đang tiếp tục nâng cấp các tiêu chuẩn về chất lượng, quy trình chế biến nhằm đáp ứng được các đơn hàng vào những thị trường khó tính hơn như Canada, Mỹ…”, ông Trương A Vùng thông tin thêm.

Ngoài mặt hàng sấy, đông lạnh, trái cây tươi có thể đưa vào chế biến nhiều dòng sản phẩm thức uống đặc sản như rượu dưa lưới, rượu thanh long, rượu bưởi… Chủ Cơ sở vang thanh long ANNA (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) Lê Kim Luôn chia sẻ về lý do đầu tư cơ sở sản xuất rượu từ thanh long: “Bà con nông dân mất nhiều thời gian, công sức bỏ ra mới trồng được thanh long nhưng đến mùa thu hoạch, nông dân đổ đống ra vệ đường bán với giá rẻ như cho. Trước thực tế đó, nên chúng tôi đã tiến hành đầu tư sản xuất để góp phần tiêu thụ thanh long cho nông dân”.

Chưa kể, mục tiêu lớn hơn của cơ sở này là làm ra dòng đặc sản địa phương với giá trị cao cung cấp đi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước chứ không chỉ bán cho người tiêu dùng trong tỉnh. Theo đó, Cơ sở vang thanh long ANNA đang có kế hoạch mở rộng đầu tư về quy mô sản xuất để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho các đối tác và mở rộng kênh tiêu thụ vào các cửa hàng tiện lợi, siêu thị.

Đầu tư chế biến sâu là giải pháp căn cơ để tiêu thụ nông sản
Nguồn: ITN

Nỗ lực đa dạng sản phẩm từ chế biến       

Trước khó khăn về thị trường, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực chế biến vẫn mạnh dạn mở rộng sản xuất, nâng cấp công nghệ để tăng sức cạnh tranh. Theo ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc, TP. Long Khánh), doanh nghiệp vừa đầu tư thêm xưởng sơ chế, đóng gói tại huyện Định Quán và mở thêm nhiều điểm thu mua, sơ chế mít sấy. Doanh nghiệp quyết định mở rộng quy mô sản xuất vì nhận thấy được tiềm năng của thị trường hoa quả chế biến còn rất lớn. Hiện nay, doanh nghiệp này đang nỗ lực đa dạng thêm các sản phẩm chế biến từ củ, quả ngoài dòng chủ lực là mít sấy. Bên cạnh thị trường trong nước và xuất khẩu đi Trung Quốc, doanh nghiệp này đang làm việc với một số đối tác chuyên xuất khẩu vào các thị trường khó tính hơn như châu Âu, Trung Đông...

Khởi đầu từ một doanh nghiệp sản xuất với quy mô nhỏ, hiện Công ty CP Thực phẩm G.C (huyện Trảng Bom) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của nước ta trong chế biến nha đam và thạch dừa. Doanh nghiệp hiện đang cung cấp nguyên liệu cho nhiều tập đoàn lớn như Vinamilk, Coca-Cola và xuất khẩu tốt vào nhiều thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Đơn vị này cũng đang mở rộng đầu tư theo quy trình khép kín từ trang trại trồng trọt đến chế biến với một số mặt hàng trái cây như dưa lưới, táo… Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C Nguyễn Văn Thứ cho biết, “ngoài những dòng sản phẩm chủ lực hiện có, doanh nghiệp đang đầu tư, nghiên cứu đưa ra thị trường thêm một số sản phẩm chế biến từ nông sản, đặc biệt là trái cây tươi. Doanh nghiệp luôn nỗ lực không ngừng đa dạng sản phẩm nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người tiêu dùng”.

Đầu tư chế biến sâu cho nông sản, đặc biệt là dòng hàng trái cây tươi đang là hướng được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, hợp tác với doanh nghiệp ứng dụng vào sản xuất. PGS. TS. Phạm Văn Hùng, Trưởng bộ môn Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, nhiều nhà khoa học của Trường Đại học Quốc tế đang hợp tác với doanh nghiệp tại Đồng Nai triển khai một số đề tài nghiên cứu về chế biến nông sản. Mục tiêu của chương trình hợp tác này nhằm gia tăng giá trị kinh tế cho những sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững; góp phần giải quyết được khó khăn lớn nhất của nông dân từ trước đến nay là nông sản làm ra bị dư thừa trong vòng luẩn quẩn được mùa mất giá.

Để có thể mở rộng quy mô, nâng cấp chất lượng chế biến sâu nông sản, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư là rất cần thiết. Để các nhà máy hoạt động hiệu quả trong bối cảnh nền sản xuất nhỏ, phân tán, theo Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn, các nhà máy chế biến phải ở ngay tại vùng nguyên liệu để tiết kiệm chi phí. Nhà nước cũng phải định hướng để doanh nghiệp chọn lọc đầu tư vào các mặt hàng có lợi thế, nghĩa là sản phẩm vừa có thị trường, vừa bảo đảm về mặt thời vụ kéo dài chứ không chỉ thu hoạch tập trung vào một giai đoạn ngắn trong năm khiến chi phí duy trì, khấu hao máy móc quá cao. Việc đầu tư nhà xưởng sơ chế, bảo quản cũng cần được quan tâm để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho chế biến.

T. T