Chú trọng "hậu" giám sát

- Thứ Ba, 19/01/2021, 06:20 - Chia sẻ
Nhìn lại hoạt động giám sát của Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XIV, các đại biểu tham dự Hội nghị Góp ý báo cáo công tác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV ghi nhận nhiều đổi mới, đặc biệt là việc tăng cường tổ chức các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Nhưng để nâng cao hiệu quả giám sát, theo các đại biểu, vẫn cần đánh giá một số vấn đề, trong đó có việc tiến hành “hậu" giám sát.

Nhiều đổi mới

Trong nhiệm kỳ Khóa XIV, các nội dung giám sát của Quốc hội đã tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết lĩnh vực từ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đến văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, hoạt động của các cơ quan tư pháp. Thông qua giám sát, Quốc hội đã kịp thời phát hiện, có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật; phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ lụy nảy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm, thúc đẩy các cơ quan hữu quan thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Hòa phát biểu tại hội nghị
Ảnh: Trung Thành

Quan tâm đến những đổi mới trong tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội, theo Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Hòa, ngay trong việc xem xét báo cáo công tác của các cơ quan cũng có một số điểm mới đáng chú ý. Theo đó, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả 3 năm (tại Kỳ họp thứ Sáu) và 5 năm (tại Kỳ họp thứ Mười) về việc triển khai thực hiện các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn và kết quả thực hiện chính sách với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, đây là những kỳ họp có ý nghĩa sơ kết, tổng kết đánh giá, qua đó góp phần bảo đảm thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đánh giá cao những đổi mới trong thực hiện giám sát chuyên đề của Quốc hội. Thực tế, thay vì ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập và triển khai thực hiện như trước đây, Quốc hội đã trực tiếp thành lập các đoàn giám sát, phân công lãnh đạo Quốc hội làm trưởng Đoàn giám sát, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Phó Trưởng đoàn. Cách thức tiến hành cũng ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng hơn; hoạt động của các bộ, ngành, địa phương được xem xét, đánh giá một cách chuyên sâu, có sự khảo sát thực tế tại địa phương, cơ quan, đối tượng chịu sự giám sát. Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cũng ấn tượng với việc kết quả giám sát được báo cáo trước Quốc hội trên cơ sở phối hợp cả trình chiếu video và báo cáo bằng văn bản. “Đây là cách làm mới, tạo nhiều hiệu ứng tích cực, cần được tiếp tục duy trì trong thời gian tới”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị.

Trong đánh giá chung về hoạt động giám sát, theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cần đề cập thỏa đáng đến công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Ủy ban Pháp luật đã thực hiện khá tốt việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, trong năm cuối nhiệm kỳ Khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiến hành giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực phụ trách. Qua tổng hợp kết quả giám sát đã chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế và đặt ra những yêu cầu phải chấn chỉnh nghiêm khắc một số tồn tại trong công tác này.

Hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng được các đại biểu đánh giá có nhiều đổi mới. Những kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội đã được đưa vào quá trình thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, cũng như vào quá trình giám sát thực hiện chính sách, pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban được đẩy mạnh, thông qua đó, các cơ quan thu thập được thông tin nhiều chiều về vấn đề giám sát, nhất là thông tin từ đối tượng thụ hưởng chính sách.

Còn trăn trở với "hậu" giám sát

Trong nhiệm kỳ Khóa XIV, hoạt động "hậu" giám sát được tăng cường thực hiện khi Quốc hội đã hai lần tiến hành giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn tại các Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp thứ Mười. Khi giám sát về nội dung này, các đại biểu Quốc hội đưa ra chất vấn theo vấn đề mình quan tâm, không bị giới hạn trong nhóm vấn đề chất vấn, cũng như không ấn định số lượng người trả lời chất vấn. Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) bày tỏ vui mừng khi đã có một số bộ trưởng, trưởng ngành nghiêm túc triển khai thực hiện các lời hứa, thậm chí ban hành sớm văn bản chỉ đạo, hướng dẫn khắc phục hạn chế được đại biểu Quốc hội đưa ra. “Quốc hội thực hiện hai lần giám sát về nội dung này đã cho thấy thái độ, trách nhiệm và quyết tâm đi đến cùng vấn đề giám sát, góp phần bảo đảm việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát hiệu quả hơn”, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh. 

Tuy vậy, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng và một số đại biểu tham dự Hội nghị cũng chưa hoàn toàn yên tâm khi các hoạt động tái giám sát, tái chất vấn như vậy mới chủ yếu được thực hiện trên nghị trường mà chưa có thống kê cụ thể về việc thực hiện vấn đề này ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. “Kinh nghiệm của địa phương cho thấy, khi Hội đồng Nhân dân tỉnh thực hiện giám sát lại việc thực hiện kết luận cuộc giám sát trước đó đều mang lại hiệu quả rất lớn. Nói cách khác, đây là một khâu cần được Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tăng cường thực hiện trong thời gian tới”, đại biểu Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh.

Việc thực hiện giám sát lại một nội dung giám sát trước đó không chỉ thể hiện trách nhiệm và quyết tâm đi đến cùng vấn đề mà còn góp phần bảo đảm thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị hiệu quả hơn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Tác động và sự lan tỏa của việc ngay đầu nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2015 đã được thấy rõ trong thực tiễn. Ngoài ra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đang thực hiện khảo sát về việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đối với ngành công nghiệp năng lượng, vật liệu xây dựng và chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, các cuộc "hậu" giám sát như vậy chưa nhiều. Theo các đại biểu, cần đánh giá nghiêm túc, phân tích kỹ lưỡng vấn đề, từ đó đưa ra những đề xuất để tăng cường thực hiện công tác này trong thời gian tới.

Lê Bình