Sản xuất và tiêu thụ nông sản tại huyện Hoài Đức (Hà Nội)

Chú trọng liên kết, sản xuất an toàn

- Thứ Tư, 12/05/2021, 07:01 - Chia sẻ
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, trước hết, để tiêu thụ được thuận lợi, các hộ dân cần thành lập các nhóm hộ, nhiều nhóm hộ thành hợp tác xã… qua đó, lên kế hoạch tổ chức bài bản theo quy trình VietGAP, tạo sản phẩm đồng đều về chất lượng, đáp ứng được quy mô và đơn hàng lớn.
	Trên địa bàn huyện Hoài Đức hiện nay trồng khoảng 200ha cây phật thủ. Nguồn: ITN
Trên địa bàn huyện Hoài Đức hiện nay trồng khoảng 200ha cây phật thủ.
Nguồn: ITN

Hỗ trợ nông dân phát triển thương hiệu, nhãn hiệu tập thể

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận, trên địa bàn huyện hiện nay trồng khoảng 200ha cây phật thủ. Cùng với phát triển cây phật thủ, diện tích rau an toàn đạt 113ha; hơn 800ha cây trồng hiệu quả cao (bưởi 260ha, nhãn chín muộn 138ha, cam 68ha, ổi 118ha, táo 84ha, hoa lan 5ha...) với 15 vùng chuyên canh tập trung. Xác định nông sản thế mạnh, huyện Hoài Đức chú trọng chỉ đạo và hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu rau an toàn, phát triển nhãn hiệu tập thể, như nhãn chín muộn Hoài Đức, cam Canh, bưởi ngọt Đông La, rau an toàn Tiền Lệ... Huyện cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông sản chất lượng cao an toàn gắn với chuỗi liên kết và tiêu thụ, nhưng việc tiêu thụ nông sản an toàn vẫn còn một số vướng mắc do khâu kết nối thị trường chưa chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Phúc - chủ hộ trồng phật thủ lớn tại xã Yên Sở chia sẻ, ngoài dòng sản phẩm đòi hỏi mẫu mã, chất lượng cao, các nhà vườn còn tới 30% sản lượng quả mẫu mã xấu, bán theo cân phục vụ nhu cầu khác. Do đó, các hộ trồng phật thủ rất mong kết nối với các cơ sở chế biến dược liệu, chế biến tinh dầu để nâng cao giá trị trên một héc ta canh tác cũng như giảm áp lực thị trường cho sản phẩm phật thủ của địa phương.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hà - chủ hộ trồng ổi tại xã Di Trạch cho hay, nhờ được tập huấn trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng ổi Di Trạch ngày một nâng cao nhưng đến nay việc tiêu thụ chủ yếu vẫn do thương lái và người dân tự tiêu thụ bán lẻ trong vùng. Hy vọng thời gian tới, sản phẩm ổi Di Trạch của địa phương được dán tem nhãn và đưa vào các kênh phân phối lớn.

Sản phẩm bưởi đường Quế Dương, xã Cát Quế là một mặt hàng có thị trường tiêu thụ thuận lợi hơn. Theo Giám đốc Hợp tác xã Bưởi an toàn Quế Dương - ông Nguyễn Như Hảo, sản phẩm bưởi của chúng tôi đã có tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Năm 2020, mặt hàng được TP. Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Niên vụ bưởi 2020, trong khi nhiều loại bưởi khác trên thị trường chật vật đầu ra thì bưởi đường Quế Dương vẫn tiêu thụ thuận lợi hơn 20 vạn quả với giá bán khá cao từ 40.000 - 60.000 đồng/quả. “Mong muốn của các hộ trồng bưởi ở Cát Quế là được liên kết với các doanh nghiệp đưa sản phẩm bưởi an toàn tiêu thụ ổn định thông qua kênh siêu thị, cửa hàng rau quả sạch”, ông Hảo chia sẻ.

Tạo sản phẩm đồng đều về chất lượng

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận thông tin, thời gian qua, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông sản chất lượng cao an toàn gắn với chuỗi liên kết và tiêu thụ. Trên địa bàn huyện đã có 12 cơ sở tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc của thành phố với 63 sản phẩm. Huyện thường xuyên có từ 5 - 10 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ rau an toàn, bưởi, nhãn. Đặc biệt, một số lô hàng chín muộn đã được xuất khẩu. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản an toàn vẫn còn những vướng mắc nhất định do khâu kết nối thị trường chưa chuyên nghiệp.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, Phó Giám đốc Công ty CP Suất ăn công nghiệp Hà Nội Trần Xuân Hòa cho rằng, nông sản muốn vào được siêu thị, kênh bán lẻ thì phải bảo đảm chất lượng đồng đều. Do đó, các hộ sản xuất và hợp tác xã cần xây dựng quy trình sản xuất nông sản khép kín và hướng tới tiêu chuẩn nhất định, trong đó tập trung vào nâng cao chất lượng, đặc biệt là sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, trước hết, để tiêu thụ được thuận lợi, các hộ dân cần thành lập các nhóm hộ, nhiều nhóm hộ thành hợp tác xã… qua đó, lên kế hoạch tổ chức bài bản theo quy trình VietGAP, tạo sản phẩm đồng đều về chất lượng, đáp ứng quy mô, đơn hàng lớn. Trong khâu tiêu thụ, UBND huyện Hoài Đức, ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp sẽ có khảo sát, đánh giá chất lượng, tiến tới ký kết tiêu thụ.

“Khi nông dân sản xuất an toàn, có sự liên kết nhóm thì việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện sẽ có nhiều khởi sắc. Thời gian tới, huyện Hoài Đức sẽ phải sớm thành lập các nhóm mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để cập nhật kết nối tiêu thụ theo từng tháng, từng quý… nhằm chủ động trong kế hoạch sản xuất”, ông Tạ Văn Tường gợi ý.

Thảo Tâm