Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Chú trọng thành lập tổ tư vấn ở các thôn, làng

- Thứ Sáu, 15/01/2021, 06:47 - Chia sẻ
Khảo sát việc thực hiện Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015 - 2025" từ năm 2016 - 2020 trên địa bàn, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Kon Tum nhấn mạnh việc quan tâm bố trí nguồn kinh phí cho các địa phương; chú trọng thành lập tổ tư vấn ở các thôn, làng và phát huy hơn nữa vai trò của già làng, người có uy tín, chức sắc trong tôn giáo, các ban ngành của thôn... trong tuyên truyền, vận động để ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Hiệu quả từ những cách làm thiết thực

Kết quả khảo sát cho thấy, một số địa phương đã có nhiều biện pháp tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành Luật Hôn nhân và gia đình trong việc kết hôn đúng độ tuổi, nhận thức của đại đa số người dân về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng đã được nâng lên. Đặc biệt, việc thành lập tổ tư vấn với sự hỗ trợ của cán bộ tỉnh, cán bộ xã đã thường xuyên tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ cho các hộ gia đình trong thôn hoặc khi có phát sinh các trường hợp có thể dẫn tới tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số tại địa phương). Từ đó, góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào dân tộc thiểu số
Ảnh: Thảo Nguyên

Bên cạnh đó, việc thực hiện mô hình điểm và nhân rộng đã tác động tích cực, nhất là các xã được chính quyền thực sự quan tâm vào cuộc như tại xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy đã có những cách làm hay cần nhân rộng. Đó là tổ chức cho các hộ gia đình có con em trong độ tuổi vị thành niên ký bản cam kết không để xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Nhờ đó, tỷ lệ các trường hợp tảo hôn trên địa bàn đã giảm đáng kể, năm 2019 và 2020 không còn trường hợp tảo hôn.

Từ những nỗ lực trên, tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum những năm gần đây đã có chiều hướng giảm. Cụ thể: năm 2016 có 314 cặp tảo hôn thì năm 2019 giảm còn 135 cặp tảo hôn; 9 tháng đầu năm 2020 có 76 cặp tảo hôn. Về hôn nhân cận huyết thống, từ năm 2016 - 2020, toàn tỉnh có 4 cặp hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, năm 2017 là 3 cặp; năm 2018 là 1 cặp nhưng đến năm 2019 và 9 tháng năm 2020 không để xảy ra trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Phát huy hơn nữa vai trò của già làng, người có uy tín

Tuy nhiên, ngoài các địa phương thực hiện mô hình điểm và nhân rộng (Kon Plông, Kon Rẫy và Sa Thầy), các địa phương còn lại và các cơ quan liên quan chưa quan tâm đến việc triển khai thực hiện Đề án. Tình trạng tảo hôn có xu hướng tăng trở lại, tập trung nhiều ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các cấp chính quyền địa phương còn lúng túng trong xử lý, vận động, thuyết phục các cặp tảo hôn chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật. Sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa mạnh mẽ, quyết liệt. Trong cộng đồng, dòng họ còn có tình trạng nể nang nhau, coi đây là việc riêng của mỗi gia đình. Kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án còn nhiều khó khăn, không có nguồn kinh phí riêng để duy trì hoạt động mô hình điểm sau khi kết thúc. Tại các huyện, thành phố, hầu hết thực hiện lồng ghép trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chưa có kinh phí thực hiện riêng nhiệm vụ này...

Từ thực tế trên, cùng với kiến nghị Ủy ban Dân tộc Quốc hội quan tâm, bố trí kinh phí cho tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện giai đoạn II của Đề án, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo việc xem xét, bố trí nguồn kinh phí cho các địa phương để triển khai thực hiện đề án. Bên cạnh đó, chú trọng thành lập tổ tư vấn ở các thôn, làng và phát huy hơn nữa vai trò của già làng, người có uy tín, chức sắc, chức việc trong tôn giáo, các ban ngành của thôn... trong công tác tuyên truyền, vận đông để ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Ban cũng nhấn mạnh việc UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố làm tốt công tác phối hợp trong triển khai thực hiện Đề án và tăng cường tuyên truyền đến tận các thôn, làng, các vùng có tỷ lệ và nguy cơ tảo hôn cao, vận động nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành nghiêm túc Luật Hôn nhân và gia đình; tuyên truyền về tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố lựa chọn các hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất qua sơ kết 5 năm thực hiện Đề án để nêu bật lên tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; dùng các từ ngữ đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu để phát huy tác dụng vào thực tế.

HẢI LÂM