Nâng cao chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh Tuyên Quang

Chú trọng thu thập, tích lũy thông tin, tư liệu

- Thứ Bảy, 27/02/2021, 06:48 - Chia sẻ
Theo các Ban HĐND tỉnh Tuyên Quang, một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra là việc các thành viên Ban thiếu thông tin nên gặp khó khăn trong phản biện hoặc kiểm chứng tính xác thực của các nội dung nêu trong văn bản phải thẩm tra. Vì vậy, cùng với việc chủ động phối hợp với các cơ quan soạn thảo ngay trong quá trình chuẩn bị dự thảo nghị quyết, các Ban cần chú trọng thu thập, tích lũy các thông tin, tư liệu để phục vụ thẩm tra. Trường hợp cần thiết, Ban khảo sát về vấn đề chủ yếu để nắm thông tin được chính xác, toàn diện hơn.

Căn cứ tin cậy để thảo luận, quyết định

Cùng với việc tuân thủ đúng quy định của pháp luật về thẩm quyền và quy trình, thủ tục thẩm tra, các Ban của HĐND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức các cuộc khảo sát, giám sát, tổng hợp, phân tích thông tin, tài liệu liên quan, nghiên cứu các kiến nghị, đề nghị, phản ánh của cử tri của cử tri và cơ sở… Đồng thời, Ban đồng hành với UBND tỉnh và với cơ quan chủ trì soạn thảo nghị quyết, chủ động tham gia ý kiến, báo cáo ngay từ cuộc họp của UBND tỉnh tới cuộc họp Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để kịp thời nắm bắt, đóng góp ý kiến quan trọng. Do đó tại cuộc họp thẩm tra, các dự thảo nghị quyết được đánh giá, xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm tính khoa học, chính xác, toàn diện.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh Tuyên Quang nắm bắt nguyện vọng của người dân xã Yên Phú, huyện Hàm Yên về việc sắp xếp, sáp nhập thôn. Ảnh Thủy Châu
Ban Pháp chế HĐND tỉnh Tuyên Quang nắm bắt nguyện vọng của người dân xã Yên Phú, huyện Hàm Yên về việc sắp xếp, sáp nhập thôn.
Ảnh Thủy Châu

Tại hội nghị thẩm tra, cùng với lắng nghe các ý kiến của cơ quan hữu quan, thành viên của các Ban HĐND tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá sự phù hợp của dự thảo báo cáo, tờ trình, nghị quyết, nêu rõ những bất cập, vướng mắc trong dự thảo nghị quyết. Qua đó, yêu cầu cơ quan chủ trì xây dựng và trình dự thảo nghị quyết giải trình, báo cáo thêm về tính khả thi, làm rõ những nội dung còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau trong báo cáo, dự thảo nghị quyết. Với tinh thần báo cáo thẩm tra không nhắc lại nhiều ưu điểm, làm rõ tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đưa ra những phương án hiệu quả về những nội dung còn thiếu tính khả thi hoặc chưa thống nhất. Vì vậy, đa số các báo cáo thẩm tra đều là căn cứ tin cậy, mang tính gợi mở để đại biểu HĐND tỉnh có thêm kênh thông tin thảo luận và quyết định trước khi biểu quyết.

Sau hội nghị thẩm tra, các Ban HĐND tỉnh phối hợp với các ngành tiếp tục trao đổi, rà soát chi tiết từng nội dung dự thảo nghị quyết và hoàn thiện báo cáo thẩm tra, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Trên cơ sở kết quả thẩm tra, các Ban báo cáo Thường trực HĐND tỉnh những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và đề xuất nội dung thảo luận tại kỳ họp. Với phương thức đó, hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh Tuyên Quang đều bảo đảm chất lượng, có tính phản biện, giúp HĐND tỉnh thảo luận và quyết định đúng, trúng, sát thực tế, góp phần nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết.

Chủ động tham gia ngay từ đầu

Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế, việc nghiên cứu, tìm kiếm, thu thập tài liệu, thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra có lúc còn bị động; sự phối hợp giữa các Ban HĐND với cơ quan chuyên môn, cơ quan trình dự thảo nghị quyết có việc chưa thực sự chặt chẽ; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan của cơ quan trình còn thiếu, chậm thời gian theo quy định.

Vì vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, Theo các Ban HĐND tỉnh Tuyên Quang, yêu cầu đặt ra trước hết là việc phân công nội dung thẩm tra của từng Ban HĐND cần bảo đảm khoa học, đúng lĩnh vực; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban của HĐND để phân tích kỹ những vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực. Tại các kỳ họp HĐND có nhiều tờ trình, dự thảo nghị quyết tập trung vào lĩnh vực phụ trách của một Ban, Thường trực HĐND sẽ điều chỉnh một số dự thảo nghị quyết cho các Ban khác chủ trì thực hiện việc thẩm tra. Trước khi ban hành nghị quyết, Thường trực HĐND tỉnh cần chỉ đạo các Ban của HĐND tỉnh xem xét toàn diện các dự thảo nghị quyết, bảo đảm tính khả thi, sự phù hợp và các điều kiện khác để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra là việc các thành viên Ban HĐND thiếu thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra, do đó quá trình thẩm tra gặp khó khăn trong phản biện hoặc kiểm chứng về tính xác thực của các nội dung nêu trong văn bản phải thẩm tra. Vì vậy, cùng với việc chủ động phối hợp với các cơ quan soạn thảo trong quá trình chuẩn bị dự thảo nghị quyết, cùng thảo luận thống nhất quan điểm, những vấn đề cụ thể, xử lý chặt chẽ những vấn đề kỹ thuật, bố cục văn bản… các Ban cần chú trọng thu thập, tích lũy các thông tin, tư liệu để phục vụ thẩm tra. Trường hợp cần thiết, Ban khảo sát về vấn đề chủ yếu để nắm thông tin được chính xác, toàn diện hơn.

Để có thể là căn cứ quan trọng cho đại biểu thảo luận tại kỳ họp, quá trình thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh phải được thực hiện đúng quy trình, khách quan, trung thực, chỉ ra được những vấn đề cốt lõi, cần phải giải quyết, kiến nghị thẩm tra thực sự khả thi. Đối với các nội dung chưa đủ điều kiện, kiên quyết đề nghị không đưa vào chương trình kỳ họp. Để đạt được yêu cầu này, các Ban cần phân công cụ thể cho thành viên trong nghiên cứu sâu từng nội dung, lĩnh vực thẩm tra, xây dựng dự thảo báo cáo thẩm tra, tổng hợp nội dung trọng tâm cần thảo luận, yêu cầu UBND tỉnh giải trình, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau hoặc chưa thống nhất.

LINH NGUYỄN