Nghệ thuật biểu diễn Thời Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4

Chú trọng yếu tố con người

- Thứ Năm, 12/09/2019, 08:46 - Chia sẻ
“Nếu nghệ thuật chỉ đơn thuần, thô ráp, không tận dụng được những ứng dụng của công nghệ thì sức hấp dẫn cũng giảm đi rất nhiều. Song cũng không nên quá phụ thuộc vào công nghệ, bởi nghệ thuật số có thế giới riêng và đối tượng riêng để hưởng thụ. Vậy thì, cái đích hướng tới là cố gắng tận dụng công nghệ để tạo hiệu quả cho sản phẩm của mình, chứ không phải chuyển đổi từ nghệ thuật truyền thống sang nghệ thuật số. Và yếu tố con người là quan trọng, bên cạnh sử dụng công nghệ đúng lúc, đúng chỗ, đúng liều lượng”.

Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Nguyễn Quang Vinh tại hội thảo “Tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật”, sáng 11.9.

Yếu tố con người quan trọng nhất

Cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 mang lại cơ hội hiếm có cho việc chuyển đổi và nâng cấp thiết bị biểu diễn nghệ thuật, sử dụng thế hệ thiết bị sân khấu mới phục vụ biểu diễn nghệ thuật. Các nhà khoa học đã kết luận, cho dù cuộc cách mạng này là thông tin hóa, số hóa hay trí tuệ thông minh thì đó cũng chỉ là biểu hiện bên ngoài của sức mạnh con người. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Viện Sân khấu Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, cốt lõi là thể hiện con người và sự sáng tạo của con người. “Mặc dù đời sống khách quan mà nghệ thuật biểu hiện đang thay đổi, nhưng quy luật sáng tạo nghệ thuật không thay đổi. Chỉ cần tuân thủ quy luật sáng tạo của nghệ thuật, chúng sẽ mới theo kịp sự mới mẻ, nếu không sẽ lạc lõng trước thời cuộc, đi chệch quỹ đạo thời đại”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân phân tích, tác động to lớn của cuộc CMCN 4.0 vào nghệ thuật sân khấu truyền thống chính là nhân lực. Đó chính là các nhà sáng tạo sân khấu, trong đó thay đổi rõ rệt nhất là bộ phận thiết kế sân khấu, thiết kế âm thanh, ánh sáng và công tác hậu đài. Tuy CMCN 4.0 ứng dụng trí tuệ thông minh, tự động hóa, kỹ thuật số giảm phần lớn nhân lực trong hoạt động biểu diễn sân khấu truyền thống, nhưng việc này không làm giảm và mất đi một số thành phần sáng tạo cơ bản như tác giả, đạo diễn, diễn viên… Biết vận dụng năng lực kết hợp giữa “người thợ nghệ thuật” và “nhóm trưởng thiết kế công nghệ” thì sản phẩm đầu ra mới thích ứng với nhu cầu phát triển trong thời đại mới.

Việc áp dụng công nghệ thông minh bên cạnh phát huy yếu tố con người được ngành xiếc đặc biệt quan tâm. Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng cho biết, trong quá trình phát triển xiếc hiện đại, dù áp dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến đến đâu thì yếu tố “xiếc” vẫn giữ vai trò quan trọng nhất. Mặc dù được kết hợp và hỗ trợ của nhiều loại hình nghệ thuật khác, nhưng xiếc không bao giờ mất đi đặc trưng, tài năng của các nghệ sĩ biểu diễn, phải trải qua một thời gian dài khổ luyện mới đạt tới. “Cho nên, khi được công nghệ hỗ trợ sẽ nâng cao hơn về nghệ thuật và tạo thành đẳng cấp riêng mà xiếc truyền thống không có”, NSND Tống Toàn Thắng cho hay.


Áp dụng công nghệ để phát huy hết tài năng của người biểu diễn Nguồn: vovworld.vn

Thích ứng xu hướng toàn cầu

Tuy vậy, cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra những thách thức buộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn phải từng bước tiếp cận và thích ứng. PGS.TS. Trần Trí Trắc cho rằng, nội dung của nghệ thuật sân khấu nói chung khi hướng tới hình tượng con người là hình tượng con người sáng tạo. “Con người là trung tâm, là đối tượng cơ bản để nghệ sĩ phản ánh, sáng tạo tác phẩm. Nghĩa là, các nghệ sĩ không bao giờ đưa nghệ thuật sân khấu thành một dạng công nghệ 4.0 mà phải sáng tạo, biến công nghệ 4.0 thành công cụ để làm nên những hình tượng con người ở thời đại CMCN 4.0 chân thực”.

Mặt khác, cũng theo PGS.TS. Trần Trí Trắc, con người trong nghệ thuật sân khấu không phải robot, dù CMCN 4.0 sẽ tạo ra một thế giới robot và ở sân khấu cũng có những robot làm nhiệm vụ thay cảnh, mở màn, bật đèn, tắt điện, chuyển đạo cụ... mà quan trọng là cảm xúc thẩm mỹ về con người, bằng con người, vì con người. “Không có cảm xúc thẩm mỹ thì nghệ thuật sân khấu dù có nhiều người cũng trở thành vô nghĩa. Có nghĩa là, các nghệ sĩ sống trong thời đại CMCN 4.0 phải tìm ra, phát hiện thấy những hệ giá trị thẩm mỹ của con người ở thời đại CMCN 4.0, từ đó thôi thúc và làm cho khán giả thời đại này cũng có cảm hứng mới”, PGS.TS. Trần Trí Trắc khẳng định.

Những thay đổi trong lĩnh vực âm nhạc số cũng đang rất nhanh, toàn diện, từ khâu sáng tạo, sản xuất - biểu diễn đến thưởng thức âm nhạc. Theo nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, trên thực tế cuộc cách mạng âm nhạc số vừa là thách thức cho lối sáng tạo, biểu diễn và thưởng thức truyền thống nhưng cũng mở ra cơ hội rất lớn cho các phương thức sáng tác, sản xuất - biểu diễn và thưởng thức kiểu mới. Nhiều phần mềm máy tính cho phép nghệ sĩ tương tác trực tiếp nhạc cụ (được in 3D) của mình với âm thanh của máy, dẫn tới một số buổi trình diễn âm nhạc mới nhất đã sử dụng máy tính/robot chơi nhạc cùng nghệ sĩ trên sân khấu, hoặc toàn bộ chương trình âm nhạc được biểu diễn và mô phỏng bởi robot/máy tính.

Trí tuệ nhân tạo có thể thể hiện được giọng hát và chỉnh giọng hoàn toàn đúng về cao độ, trường độ, khớp với ban nhạc cùng kèn, trống, phách… Tuy nhiên, công nghệ cũng chỉ là giải pháp bổ trợ, con người mới là chính yếu. “Công nghệ vẫn phải đầu tư, nhưng vấn đề là áp dụng công nghệ như thế nào để nó phát huy hết tài năng của người biểu diễn, chắt lọc những gì liên quan nhất với đời sống con người và đồng bộ hóa để có sản phẩm sáng tạo”, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Phạm Ngọc Khôi bổ sung.

Hương Sen