Thời điểm có hiệu lực của nghị quyết quy phạm pháp luật

Chú ý quỹ thời gian cho công tác chuẩn bị, áp dụng

- Thứ Năm, 22/10/2020, 06:58 - Chia sẻ
Mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (Luật 2015) đã quy định cụ thể thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) nói chung và nghị quyết QPPL của HĐND cấp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, để xác định chuẩn xác, khả thi về thời điểm có hiệu lực của nghị quyết QPPL, ngoài bảo đảm các nguyên tắc quy định của Luật 2015, cần chú ý quỹ thời gian cho công tác chuẩn bị, tổ chức thực thi.

Thực hiện đúng Luật 2015

Theo Khoản 1 Điều 151 của Luật 2015, thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp tỉnh. Đồng thời, theo Khoản 3 Điều 126, Khoản 3 Điều 137 và Khoản 4 Điều 143 của Luật 2015, sau khi HĐND biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết, Chủ tịch HĐND sẽ ký chứng thực nghị quyết. Như vậy, thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần nghị quyết của HĐND các cấp được quy định tại nghị quyết đó. Mốc thời điểm tính để bảo đảm quy định không sớm 10 ngày đối với nghị quyết của HĐND cấp tỉnh được tính kể từ ngày Chủ tịch HĐND ký chứng thực nghị quyết.

Các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam biểu quyết thông qua nghị quyết tại Kỳ họp thứ 17
Ảnh: Thanh Hồng

Đây là một quy định mới, rõ ràng và chặt chẽ hơn của Luật 2015 so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và HĐND 2004 (Luật 2004 quy định nghị quyết QPPL của HĐND cấp tỉnh có hiệu lực sau mười ngày và phải được đăng trên báo cấp tỉnh chậm nhất là năm ngày, kể từ ngày HĐND thông qua). Việc quy định như Luật 2015 là cần thiết, bởi thực tế sau khi HĐND tỉnh biểu quyết thông qua thì cần quỹ thời gian để thực hiện quá trình chỉnh lý, hoàn thiện nghị quyết. Nếu vẫn giữ quy định như Luật 2004 sẽ dẫn đến trường hợp HĐND thông qua nghị quyết ngày 10, có hiệu lực từ ngày 20 nhưng phải sau ngày 20 việc chỉnh lý, hoàn thiện nghị quyết mới thực hiện xong.

Nhìn lại các nghị quyết QPPL do HĐND cấp tỉnh ban hành trong thời gian qua vẫn còn khá nhiều nghị quyết lấy ngày thông qua để làm mốc thời gian xác định thời điểm có hiệu lực, chưa thực hiện theo đúng tinh thần của Luật 2015. Do vậy, việc thực hiện đúng Luật 2015 là một yêu cầu trong ban hành nghị quyết QPPL thời gian tới. Bên cạnh đó, cả Luật và thực tiễn cũng cần hạn định một quỹ thời gian nhất định để chỉnh lý, hoàn thiện nghị quyết, tránh kéo dài quá trình này.

Bảo đảm hiệu lực trong thực tế

Một vấn đề khác cũng cần được lưu ý trong xác định thời điểm có hiệu lực của nghị quyết QPPL do HĐND tỉnh ban hành là quỹ thời gian cho công tác chuẩn bị, áp dụng nghị quyết. Lâu nay, việc xác định thời điểm có hiệu lực của nghị quyết QPPL do HĐND tỉnh ban hành chỉ căn cứ nguyên tắc quy định tại Điều 156 Luật 2015. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể việc xác định thời điểm có hiệu lực của nghị quyết QPPL mặc dù không trái nguyên tắc nhưng lại chưa bảo đảm thời gian thực hiện công tác chuẩn bị để áp dụng nghị quyết. Dẫn đến việc phải lùi, kéo dài thời gian áp dụng hoặc nghị quyết có hiệu lực về pháp lý nhưng chưa được tổ chức thực hiện trên thực tế.

Đơn cử, Nghị quyết 12/2019/NQ-HĐND ngày 03.10.2019 của HĐND tỉnh Quảng Nam quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; chế độ hỗ trợ thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư trên địa bàn tỉnh. Đây là nghị quyết cụ thể hóa Nghị định 34/2019 của Chính phủ và có hiệu lực từ 15.10.2019 (bảo đảm nguyên tắc sau 10 ngày).

Tuy nhiên, thực tế đến hết tháng 3.2020 có rất nhiều địa phương chưa thực hiện đúng các quy định về số lượng, chức danh, mức phụ cấp theo quy định của Nghị quyết 12.2019, bởi so với quy định trước đây thì số lượng người hoạt động không chuyên trách đã giảm rất lớn (8 hoặc 9 người/xã) nhưng từ khi ban hành đến thời điểm có hiệu lực thì thời gian rất ngắn (12 ngày), không đủ quỹ thời gian bố trí, sắp xếp, dẫn đến nghị quyết mặc dù có hiệu lực pháp lý nhưng chưa được áp dụng trong thực tế.

Hoặc Nghị quyết 15/2019/NQ-HĐND ngày 17.12.2019 của HĐND tỉnh về Chương trình Sữa học đường đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tại 6 huyện miền núi cao tỉnh Quảng Nam. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2020; thời điểm áp dụng từ tháng 1.2020 đến hết tháng 5.2022. Tuy nhiên trên thực tế, để triển khai được chương trình này (sữa đến được với học sinh) phải thực hiện rất nhiều thủ tục như chọn sữa, đấu thầu, đấu giá chọn đơn vị cung cấp, vận chuyển, cấp phát sữa đến các điểm trường.

Do vậy, việc áp dụng từ tháng 1.2020 chưa khả thi. Đến tháng 2.2020, UBND tỉnh mới ban hành kế hoạch thực hiện chương trình theo tinh thần Nghị quyết 15. Đến ngày 1.6.2020, đối tượng thụ hưởng chính sách mới được uống sữa theo chương trình. Như vậy, so với thời điểm có hiệu lực, thời điểm áp dụng chính sách quy định tại Nghị quyết thì để chính sách đến được đối tượng thụ hưởng phải có quỹ thời gian là 5 tháng đã khiến thời gian thụ hưởng chính sách bị rút ngắn lại (thay vì được hưởng 23 tháng thì chỉ được hưởng 18 tháng do đã mất độ trễ 5 tháng để đưa chính sách vào thực tiễn).

Các ví dụ nêu trên cho thấy, việc xác định thời điểm có hiệu lực của nghị quyết QPPL nhưng không dự lường một khoảng thời gian cần thiết để triển khai công tác chuẩn bị đã khiến chính sách mặc dù có hiệu lực pháp lý nhưng lại chưa được áp dụng và chưa có hiệu lực trên thực tế.

Văn bản QPPL được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Đây chính là nguyên tắc chủ đạo trong việc áp dụng pháp luật. Do vậy, đối với những nghị quyết QPPL liên quan đến tổ chức, con người, chế độ chính sách cần phải có một quỹ thời gian nhất định cho công tác chuẩn bị, áp dụng. Trong quá trình xây dựng, thẩm tra về các dự thảo nghị quyết QPPL, cơ quan tham mưu và cơ quan thẩm tra cần trao đổi, xác định quỹ thời gian cần thiết quy định cụ thể trong nghị quyết QPPL để vừa bảo đảm hiệu lực pháp lý, vừa bảo đảm hiệu lực trong thực tế.

Dương Thị Thanh Hiền - Phó chánh Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Nam