Việc phân định miền núi, vùng cao trong công tác quản lý nhà nước

Chưa bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn

- Thứ Tư, 18/08/2021, 06:15 - Chia sẻ
Cho rằng các tiêu chí phân định miền núi, vùng cao chưa thực sự bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn, tính phù hợp và đồng bộ giữa một số phân định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Hội đồng Dân tộc phối hợp với Ủy ban Dân tộc tiến hành tổng kết đánh giá toàn diện, hiệu quả việc phân định vùng núi, vùng cao cùng với việc xem xét các hình thức phân định khác. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiêu chí bảo đảm việc phân định miền núi, vùng cao làm cơ sở thống nhất, đồng bộ cho thực hiện chính sách, pháp luật trong giai đoạn tiếp theo.

Tiêu chí đặt ra còn đơn giản

Phân định miền núi, vùng cao và phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển và một số phân định khác liên quan là vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước, cũng như thực hiện chính sách miền núi, dân tộc. Tuy nhiên, Báo cáo về việc phân định miền núi, vùng cao trong công tác quản lý nhà nước hiện nay do Hội đồng Dân tộc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ Hai cho thấy, công tác phân định miền núi, vùng cao đang tồn tại một số hạn chế, như tiêu chí phân định miền núi, vùng cao chưa thực sự bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn, tính phù hợp và tính đồng bộ giữa một số phân định.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm cho biết, “các tiêu chí chính để xác định miền núi, vùng cao còn quá giản đơn, chỉ căn cứ yếu tố độ cao so với mặt nước biển và tiêu chí số đơn vị hành chính để xác định là tỉnh, huyện, xã miền núi, vùng cao. Các tiêu chí liên quan đến yếu tố tự nhiên như độ dốc, độ phân cắt, đất đai sản xuất nông nghiệp là những yếu tố bất biến tạo nên tính đặc thù của từng vùng... chưa được thể hiện”. Do đó, phân định miền núi, vùng cao trên thực tế hiện nay không phản ánh đúng tính chất, tương quan giữa các địa phương, các vùng. Điều này tạo nên sự chênh lệch đáng kể trong kết quả phân định, xếp loại đơn vị hành chính, dẫn đến thiếu sự tập trung ưu tiên và phân tán nguồn lực cũng như bảo đảm sự phù hợp của các quy định chính sách…

Trước đó, xuất phát từ yêu cầu và tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế - xã hội địa bàn miền núi, ngày 27.11.1989, Bộ Chính trị Khóa VI đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-TW “Về một số chủ trương chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi”. Để triển khai thực hiện, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã tiến hành việc phân định tỉnh, huyện, xã miền núi, vùng cao. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ước tính, từ năm 1993 đến nay đã có 9 quyết định công nhận các tỉnh, huyện, xã là miền núi, vùng cao. Tức là, “lấy cao là chính”, bản vùng cao là bản có 2/3 diện tích đất đai tự nhiên ở độ cao 600m trở lên so với mặt biển; xã vùng cao là xã có 2/3 diện tích đất đai tự nhiên có độ cao 600m trở lên so với mặt biển; huyện vùng cao là huyện có 2/3 số xã là vùng cao; tỉnh vùng cao là tỉnh có 2/3 số huyện vùng cao. Sau đó, Chính phủ cũng nhận thấy tình hình phân định miền núi, vùng cao không hợp lý, đơn cử, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) có độ cao 1.500m, thuộc tỉnh vùng cao, nhưng thành phố lại quá giàu, giàu hơn cả đồng bằng. Còn xét về phân định theo trình độ phát triển, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, đã có tiêu chí rõ ràng, và cụ thể. Chính sách nhà nước cũng chủ yếu đầu tư theo trình độ phát triển, nơi nào trình độ phát triển thấp thì chính sách được ưu tiên hơn.

Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Hồ Long

Chưa thực sự phù hợp, gây lãng phí

Chia sẻ về những vướng mắc trong thực hiện tiêu chí phân định miền núi, vùng cao, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phân tích, những vấn đề về miền núi, vùng cao có liên quan đến quy định về tổ chức chính quyền địa phương, phân bổ ngân sách. Được biết, phân định theo trình độ phát triển thiên về yếu tố kinh tế - xã hội, thì từ năm 1997, chúng ta đã ưu tiên đầu tư phát triển các xã đặc biệt khó khăn, thực hiện Chương trình 135, sau đó mở rộng áp dụng thêm các chính sách khác. Song ngay cả việc áp dụng chính sách trên cơ sở trình độ phát triển cũng mang nhiều yếu tố biến động nên chưa thực sự phù hợp, có một số chính sách gây lãng phí. Bất cập hơn nữa là khi áp dụng chính sách liên quan đến phân định trình độ phát triển nhưng lại không tính đến vùng núi, vùng cao.

Mặt khác, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chỉ ra, chúng ta còn có 4 dạng phân định nữa: phân định địa bàn khu vực biên giới trên đất liền và trên biển; phân loại xã bãi ngang ven biển và hải đảo; phân loại đơn vị hành chính cấp xã vùng khó khăn; phân loại đơn vị hành chính cấp xã/phường/thị trấn. Mỗi phân định, phân loại cũng liên quan đến yếu tố vùng núi, vùng cao, cho nên trong quá trình phân loại phải có sự xem xét, đánh giá, cân đối giữa các tiêu chí, hạng mục. Việc phân định miền núi, vùng cao trước kia do làm vội, nên chỉ xét theo 2 tiêu chí đơn giản là độ cao, số đơn vị hành chính, gây nên sự bất cập, khi trên thực tế, những tỉnh khó khăn như Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La cũng được xếp như các tỉnh Tây Nguyên, cùng một chế độ, chính sách.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc phân tích thêm, “cũng do phân định vùng núi, vùng cao để thực hiện các chủ trương, chính sách nên đang có xu hướng mở rộng nhiều vùng núi, vùng cao, giống như xu hướng mở rộng địa bàn theo Chương trình 135, khiến cho áp dụng chính sách không phù hợp, tạo ra sự không công bằng giữa các địa phương về đầu tư, phân bổ ngân sách, áp dụng chế độ chính sách”…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV đã đặt ra yêu cầu “rà soát, đánh giá, nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao và phân định vùng dân tộc thiểu số miền núi theo trình độ phát triển bảo đảm khách quan, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, hoàn thành trước năm 2020, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực đầu tư công bằng, chính xác và phát huy hiệu quả cho giai đoạn 2021 - 2026”.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, đến nay, việc thực hiện của Chính phủ vẫn chưa đạt yêu cầu. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc phối hợp với Ủy ban Dân tộc tiến hành tổng kết đánh giá toàn diện, hiệu quả việc phân định vùng núi, vùng cao cùng với việc xem xét các hình thức phân định khác. Rà soát các văn bản chính sách, pháp luật có liên quan đến miền núi, vùng cao để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiêu chí bảo đảm phân định miền núi, vùng cao làm cơ sở thống nhất, đồng bộ cho thực hiện chính sách, pháp luật trong giai đoạn tiếp theo.

Anh Thảo