Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội:

Chưa cần thiết ban hành

- Thứ Hai, 13/07/2020, 19:09 - Chia sẻ
Chiều 13.7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định về hoạt động bảo hiểm vi mô (BHVM) không vì mục tiêu lợi nhuận mà chủ thể thực hiện là tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài các doanh nghiệp đang triển khai loại hình BHVM này, hiện có duy nhất Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thuộc các tổ chức chính trị - xã hội đang thực hiện thí điểm BHVM (từ năm 2014) trên cơ sở Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 6.12.2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020. Hoạt động BHVM của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang được thực hiện thí điểm tại 12 tỉnh, thành phố với hai sản phẩm tương trợ vốn vay và tương trợ y tế và nhân thọ. Đối tượng tham gia chủ yếu là thành viên của Tổ chức tài chính vi mô Tình thương vì vậy chưa mang tính phổ quát. Do vậy, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, việc Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với việc ban hành Nghị định để quản lý hoạt động BHVM của các tổ chức chính trị - xã hội là thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; còn việc triển khai thí điểm trên cơ sở công văn của Văn phòng Chính phủ là chưa phù hợp.

Qua thảo luận, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng nhận thấy, chưa cần thiết phải ban hành nghị định này. Bởi, trong các tổ chức chính trị - xã hội ở nước ta mới chỉ có Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện thí điểm BHVM, các tổ chức chính trị - xã hội khác chưa thực hiện nên không có đánh giá cụ thể về các điều kiện bảo đảm thực hiện theo quy định của dự thảo Nghị định. Dự thảo Nghị định còn nhiều điều, khoản quy định sơ sài, chưa có tính thuyết phục, chưa đủ cơ sở pháp lý để bảo đảm thực hiện có hiệu quả như: vấn đề tổ chức bộ máy, nhân lực thực hiện, thẩm định hợp đồng BHVM, tài chính đối với bảo hiểm vi mô… Hơn nữa, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội Khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai (tháng 10.2021). Tại hồ sơ đề nghị xây dựng Luật cũng đã có nội dung về hoạt động bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quan điểm của Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, dù BHVM không phải vấn đề mới, trên thực tế đang được triển khai thí điểm thực hiện ở nước ta và áp dụng tương đối phổ biến trên thế giới. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, việc thí điểm cung cấp BHVM mới tiến hành ở phạm vi nhỏ (trong 12 tỉnh), chưa bao quát hết các vùng, miền trên cả nước (chưa thực hiện ở khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ) nên khó tạo cơ sở thực tiễn cho việc ban hành Nghị định về vấn đề này. Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng băn khoăn trước quy định chưa rõ về các khoản thu của dự thảo Nghị định, khi mới xác định từ quá trình đầu tư phí bảo hiểm thu được, hỗ trợ của các tổ chức bên ngoài, các nguồn thu phù hợp khác.

Khẳng định việc tạo cơ sở pháp lý cho cung cấp BHVM là cần thiết, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn, khi Tờ trình của Chính phủ đã nhận định, BHVM thời gian qua triển khai không hiệu quả, số người tham gia ít, doanh thu (phí bảo hiểm) thấp. Thời gian qua có ba doanh nghiệp đăng ký tham gia cung cấp dịch vụ BHVM, song hiện chỉ còn một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và hoạt động cầm chừng. Ngoài ra, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang cung cấp một sản phẩm, nhưng không thuộc các sản phẩm BHVM được điều chỉnh bởi dự thảo Nghị định này. Khi sản phẩm BHVM đang thí điểm thực hiện không nằm trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định thì có cần thiết ban hành văn bản quy phạm pháp luật này không? - Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

P.Thủy