Ô nhiễm môi trường làng nghề ở Hoài Đức, Hà Nội

Chưa có lối thoát

- Thứ Bảy, 07/10/2017, 08:50 - Chia sẻ
Nhiều làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, không khí… đang là thách thức đối với chính quyền, người dân huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.

Ô nhiễm nghiêm trọng

Kênh T2, đoạn chảy qua xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức dài khoảng 6km “hứng” đủ các loại chất thải, hóa chất bốc mùi hôi thối do một số làng nghề sản xuất, chế biến nông sản ở xã Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai thải ra. Bà Trần Thị Vân, xã Sơn Đồng bức xúc: Đêm đến không ngủ được, phải đắp chăn kín mít vì mùi hôi thối. Chúng tôi ở đây khổ lắm.

Dương Liễu, Cát Quế và Minh Khai là những xã nổi tiếng của Hoài Đức về nghề chế biến nông sản thực phẩm. Nhưng từ nhiều năm nay lại được “biết thêm” bởi tình trạng ô nhiễm môi trường. Chủ tịch UBND xã Dương Liễu Phí Đình An cho biết, địa phương đã tuyên truyền, tìm mọi biện pháp để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, do cả làng tham gia chế biến nông sản nên lượng chất thải ra quá lớn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.


Kênh mương quanh làng bị ô nhiễm

Huyện Hoài Đức có 53 làng thì có đến 51 làng nghề, với hơn 8.300 doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh, trong đó, có 12 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Nghịch lý ở chỗ, làng nghề càng phát triển thì ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng hơn; kinh tế gia đình khá giả, nhưng sức khỏe lại giảm sút; nhiều ngôi nhà cao tầng, biệt thự mọc lên được đánh đổi bằng ô nhiễm nguồn nước, không khí và tiếng ồn. “Bức tranh” môi trường làng nghề hiện nay ở Hoài Đức là mùi, màu và ô nhiễm. Nhiều kênh mương, ao tù, nước đen ngòm, đặc sánh, không loài thủy sản nào có thể sống nổi. Kết quả phân tích mẫu nước lấy từ làng nghề Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho thấy, nguồn nước mặt có màu đen xám, cao hơn mức độ màu trung bình 2,12 lần, hàm lượng Coliform (một nhóm vi khuẩn rất phổ biến) cao hơn vài nghìn lần so với mức trung bình, lượng ôxy hòa tan trong nước thấp hơn tiêu chuẩn 2mg/l, lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước cao hơn tiêu chuẩn 18,23 lần… Đây là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về mắt, đường hô hấp của người dân cao gấp 3 - 5 lần so với các địa phương khác.

Cần giải pháp thiết thực

Không thể phủ nhận, các cơ quan quản lý của Hà Nội và huyện Hoài Đức đã tích cực trong xử lý ô nhiễm môi trường nhưng điều đáng nói là tại sao tình trạng ô nhiễm vẫn ngày càng nghiêm trọng? Nhiều đoàn công tác đã về khảo sát, kiểm tra, đánh giá, phân tích tình trạng ô nhiễm và chỉ ra nguyên nhân như nguồn kinh phí còn hạn chế; thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp; các làng nghề nằm xen kẽ trong khu dân cư, sản xuất theo quy mô gia đình, chưa coi trọng việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải... Nhưng dường như vẫn thiếu điểm cơ bản đó chính là cơ chế chính sách, chế tài xử lý vi phạm. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu cho biết: Hệ thống văn bản cần phải đầy đủ, đi kèm theo đó là công tác kiểm tra, giám sát. Cần xác định trách nhiệm cụ thể, xử lý nghiêm các cán bộ để tình trạng ô nhiễm kéo dài hoặc gây ô nhiễm nghiêm trọng...

Thực tế các cơ quan chức năng chỉ biết kêu là ô nhiễm chứ chưa có giải pháp cụ thể giải quyết triệt để thực trạng. Đáng lo ngại hơn, một số địa phương chưa nhận thức rõ trách nhiệm trong quản lý môi trường; nhiều doanh nghiệp và người dân cũng không quan tâm. Như tại xã Minh Khai năm 2002 đã đưa vào sử dụng công trình xử lý nước thải công suất 120m3/ngày đêm nhưng do đặt sai vị trí nên đành phải “đắp chiếu” ngay sau đó. Hay như dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải xã Sơn Đồng có tổng mức đầu tư 231,5 tỷ đồng, thực hiện đầu tư trong thời gian 2014 - 2016 song đến nay vẫn ở giai đoạn thi công. Tháng 10.2016, nhà máy xử lý nước thải tập trung Cầu Ngà, xã Dương Liễu, có công suất thiết kế 20.000 m3/ngày đêm được đưa vào vận hành, xử lý nước thải làng nghề của các xã Dương Liễu, Minh Khai và Cát Quế, tuy nhiên, theo người dân và lãnh đạo một số xã thì nhà máy vẫn chưa xử lý triệt để nguồn nước thải; tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực này vẫn nghiêm trọng.

 Ô nhiễm môi trường đang hiện hữu, người dân cũng chỉ biết gắn bó với làng nghề bởi cuộc sống mưu sinh. Giải pháp, có thể như Chủ tịch UBND xã Dương Liễu Phí Đình An là nếu quy hoạch và chuyển các hộ sản xuất về khu tập trung thì về vấn đề thu gom, xử lý nước thải, chất thải rất thuận tiện. Nhưng hiện nay mặt bằng cho làng nghề lại rất hạn chế.

Bài, ảnh: Thái Yến