Lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Chưa được thực hiện đầy đủ

- Thứ Ba, 17/11/2020, 07:15 - Chia sẻ
Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hồ sơ dự án luật, pháp lệnh phải được Ban soạn thảo gửi đến Bộ Tư pháp để thẩm định; Ủy ban về các vấn đề Xã hội để thẩm tra việc lồng ghép giới. Tuy nhiên, Ủy ban về các vấn đề Xã hội hiếm khi nhận được các tài liệu này (trừ khi Ủy ban này chủ trì thẩm tra chung). Báo cáo 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới cho thấy, Ủy ban về các vấn đề Xã hội thường phải chủ động yêu cầu cơ quan soạn thảo cung cấp hồ sơ.

Nhiều dự thảo không được lồng ghép giới

Theo Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc phối hợp thực hiện, sau khi Luật Bình đẳng giới có hiệu lực đã có những bước tiến tích cực trong việc lồng ghép giới vào văn bản quy phạm pháp luật. Số lượng các dự án, dự thảo đáp ứng yêu cầu về lồng ghép giới ngày càng tăng; đặc biệt, một số báo cáo về lồng ghép giới đạt chất lượng cao như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, trong số 111 văn bản quy phạm pháp luật, có hơn 40 luật, pháp lệnh có liên quan đến bình đẳng giới được các cơ quan giao chủ trì soạn thảo thực hiện việc lồng ghép giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới. Tất nhiên, còn số này không phản ánh được những văn bản quy phạm được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, thẩm tra nội dung lồng ghép giới.

Mặc dù có những tiến bộ về lồng ghép giới trong các văn bản quy phạm pháp luật sau khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực, song Báo cáo rà soát độc lập cũng đã chỉ ra rằng, năng lực phân tích giới vẫn còn yếu. Theo các báo cáo chính thức, khá nhiều dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không được lồng ghép giới. Nhiều dự án, dự thảo có báo cáo lồng ghép giới kèm theo, nhưng phân tích về tác động giới thì chưa đạt yêu cầu. Có những báo cáo của Ban soạn thảo khẳng định dự án, dự thảo/pháp lệnh là trung tính về giới và không có các vấn đề nhạy cảm giới. Không ít dự thảo, sau khi được Bộ Tư pháp thẩm định và Ủy ban về các vấn đề Xã hội thẩm tra, một số Ban soạn thảo thừa nhận dự thảo vẫn tồn tại các vấn đề giới - tức là có sự phân biệt đối xử. Điển hình Luật Thi hành án hình sự và Luật Tổ chức cơ quan điều tra.

Điều này cho thấy, năng lực của các ban soạn thảo còn hạn chế trong việc nhận biết các vấn đề về giới. Đáng lưu ý, Báo cáo cũng đã chỉ ra rằng, các ủy ban khác của Quốc hội rất ít chú trọng tới lồng ghép giới. Một số dự án luật dù đã kèm theo báo cáo lồng ghép giới của Ban soạn thảo và báo cáo thẩm tra lồng ghép giới của Ủy ban về các vấn đề Xã hội, nhưng các vấn đề về giới không được đưa vào báo cáo chính thức của Ủy ban chủ trì thẩm tra. Đôi khi phản hồi của các Ban soạn thảo và các Ủy ban khác là chưa phù hợp. Mặt khác, việc thẩm tra lồng ghép giới của Ủy ban về các vấn đề Xã hội mới chỉ dừng lại ở giai đoạn xem xét dự án luật lần một, chứ chưa có các hoạt động hậu kỳ để theo dõi việc Ban soạn thảo xử lý các kiến nghị như thế nào.

Cái khó bó cái khôn

Ngày 1.12.2009 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 57/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn đến năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 11/TW của Bộ Chính trị nhằm xác định nhiệm vụ chủ yếu, hướng mục tiêu là phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương đối với công tác phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới nhằm phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Một vấn đề nổi bật đáng lưu tâm từ Báo cáo đặt ra là việc lựa chọn các dự án luật, pháp lệnh theo cảm tính chủ quan để thẩm tra lồng ghép giới mà không dựa trên phân tích bằng chứng về tác động giới. Các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong việc xác định dự án luật/pháp lệnh nào "liên quan đến bình đẳng giới" và cần phải phân tích giới như quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Điều này dẫn đến thực tế có những luật đã được Quốc hội ban hành mà không được xem xét các vấn đề giới.

Việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật cũng cho thấy, nhiều bộ, ngành thiếu năng lực phân tích những tác động giới tiềm ẩn trong các điều khoản, quy định của chính sách và dự thảo luật trung tính về giới và năng lực vận dụng luật để thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành của mình. Ngoài ra, ở phần lớn các bộ, đại diện Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ khi được phỏng vấn không thể giải thích được Vụ Pháp chế đã lồng ghép giới như thế nào trong các văn bản quy phạm pháp luật mà bộ mình chịu trách nhiệm. Không hiếm, đại diện các bộ, ngành chia sẻ, rất ít chuyên viên của các Vụ Pháp chế được tập huấn chuyên sâu về lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp, cơ quan chịu trách nhiệm về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho biết các bộ, ngành không chú trọng đầy đủ tới việc phân tích giới vì thiếu ngân sách và nhân lực không được đào tạo. Hơn nữa, việc xây dựng các dự án luật thường được thực hiện trong khoảng thời gian rất ngắn.

Ở cấp bộ, ngành là vậy; còn ở các địa phương thì sao? Lồng ghép giới trong các văn bản quy phạm pháp luật thậm chí còn ít được quan tâm hơn ở cấp địa phương. Đơn cử, 41/63 tỉnh, thành không hề có thông tin nào được báo cáo về số lượng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh có lồng ghép giới; từ năm 2007 đến nay đều không có thông tin hay nội dung nào nhắc đến lồng ghép giới trong quá trình hoạch định chính sách của Hội đồng Nhân dân tại các báo cáo hàng năm về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp trên toàn quốc.

Nguyễn Minh