Chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Chưa gắn với thực tiễn, đặc thù của địa phương

- Thứ Sáu, 04/12/2020, 06:43 - Chia sẻ
Theo ghi nhận của Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc, ở một số địa phương, khoa học và công nghệ chưa thực sự được coi trọng, gắn bó chặt chẽ trong kế hoạch phát triển KT - XH. Công tác tổ chức thực hiện của các địa phương có lúc, có nơi còn chậm, mang tính hình thức, chưa thường xuyên. Việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về khoa học và công nghệ thiếu chủ động, đổi mới, chưa gắn với thực tiễn đặc thù của địa phương.

Phục vụ yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi     

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã từng bước gắn với thực tiễn sản xuất và đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là ghi nhận của Đoàn giám sát khi tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đoàn giám sát Hội đồng dân tộc của Quốc hội khảo sát mô hình nuôi cấy mô, nhân giống trồng các cây dược liệu của Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Ngân Hà, TP Cao Bằng
Đoàn giám sát Hội đồng dân tộc của Quốc hội khảo sát mô hình nuôi cấy mô, nhân giống trồng các cây dược liệu của Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Ngân Hà, TP Cao Bằng
Ảnh: Hoàng Ngọc

Thực tiễn giám sát cho thấy, nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ, nhất là trong sản xuất nông nghiệp đã được triển khai, ứng dụng, mang lại hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các mô hình điểm, mô hình trình diễn về áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ đã phục vụ yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế từng vùng, góp phần thay đổi tập quán sản xuất theo hướng tăng năng suất, chất lượng bền vững. Nhiều nơi đã chuyển giao cho người dân những nghiên cứu chọn lọc, lai tạo cây, con có lợi thế cạnh tranh, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng của địa phương. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn áp dụng kiến thức vào thực tế sản xuất của chính gia đình mình, tạo ra sự chuyển biến về năng suất, chất lượng góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cải thiện mức sống cho người dân.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh, thông qua việc thực hiện chính sách, các chương trình, dự án đầu tư cơ sở vật chất, tiềm lực cho khoa học, công nghệ được quan tâm hơn, nhất là trong năng lực ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Việc phân tích, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thúc đẩy phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến được chú trọng.

Xây dựng bộ dữ liệu về các dân tộc thiểu số

Mặc dù đã đạt được các kết quả quan trọng, nhưng nhìn chung hoạt động khoa học và công nghệ đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều hạn chế, chưa toàn diện, đồng bộ và còn thấp so với mặt bằng chung cả nước. Các thành viên Đoàn giám sát chỉ rõ, hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ chưa cao, chưa tập trung vào giải quyết các vấn đề cấp thiết đặt ra đối với sản xuất và đời sống người dân và vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cơ chế, chính sách chưa thu hút được sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các “nhà” và huy động các nguồn lực trong xã hội, tạo ra phong trào khoa học và công nghệ thực sự, đóng vai trò then chốt và là động lực thúc đẩy phát triển KT - XH của các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

	Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành tham quan Cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Ngân Hà tại TP Cao Bằng
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành tham quan Cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Ngân Hà tại TP Cao Bằng
Ảnh: Hoàng Ngọc

Ở một số địa phương, khoa học và công nghệ chưa thực sự được coi trọng, gắn chặt trong kế hoạch phát triển KT - XH. Công tác tổ chức thực hiện của các địa phương có lúc, có nơi còn chậm, mang tính hình thức, chưa thường xuyên; việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về khoa học và công nghệ thiếu chủ động, đổi mới, chưa gắn với thực tiễn đặc thù của địa phương. Các văn bản ban hành ở cấp tỉnh chủ yếu tập trung vào việc triển khai các chương trình của trung ương, ít có chính sách riêng về phát triển khoa học và công nghệ của địa phương.

Có ý kiến thẳng thắn chỉ ra, phạm vi thực hiện một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn quá hẹp, chưa bao trùm các định hướng phát triển của địa phương, thiếu tính đột phá, sản phẩm quy mô nhỏ, thiếu lan tỏa, bền vững. Sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn ít. Một số sản phẩm áp dụng trong sản xuất chủ yếu đang triển khai dưới hình thức mô hình trình diễn hoặc hoạt động rời rạc, thiếu liên kết, khép kín, chưa tạo ra được chuỗi giá trị, sản phẩm hàng hóa quy mô chưa lớn để cung cấp cho thị trường.

Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành liên quan thống nhất quản lý các chương trình khoa học và công nghệ phục vụ vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ cũng như các văn bản hướng dẫn dưới luật. Tăng cường chính sách hỗ trợ vốn đầu tư, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật; hỗ trợ đào tạo nhằm nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý, nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ địa phương; nâng cao năng lực của hệ thống tổ chức quản lý chất lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản từ tỉnh đến cơ sở. Xây dựng bộ dữ liệu về các dân tộc thiểu số, tập trung cho các lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, trình độ dân trí các dân tộc thiểu số; các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; thông tin địa lý của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ và đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ cho các địa phương phục vụ phát triển KT - XH nông thôn và miền núi. Bổ sung ngân sách thực hiện Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển KT - XH nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2020 - 2025 theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13.10.2015 của Thủ tướng Chính phủ... Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính từng bước bố trí kinh phí chi ngân sách cho khoa học và công nghệ hàng năm đạt tỷ lệ 2% tổng chi ngân sách (theo Điều 49 Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013). Trước mắt, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc cho rằng, nên xem xét tăng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cho các tỉnh từ 15 - 20% so với năm 2020.  

Anh Thảo