Dự thảo Quyết định phê duyệt “Tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh đối với một số nhóm thực phẩm phổ biến”

Chưa phù hợp và có thể gây hiểu lầm

- Thứ Tư, 29/12/2021, 06:53 - Chia sẻ
Góp ý dự thảo Quyết định phê duyệt “Tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh đối với một số nhóm thực phẩm phổ biến”, các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống cho rằng một số nội dung chưa phù hợp thực tiễn và không khả thi. Điều này có thể tạo ra sự hiểu lầm của xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp và thu ngân sách.
Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Cục Y tế dự phòng đang lấy ý kiến vào dự thảo Quyết định phê duyệt “Tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh đối với một số nhóm thực phẩm phổ biến”, trong đó đưa ra một số nội dung tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh áp dụng cho 5 nhóm sản phẩm: ngũ cốc và các sản phẩm chế biến; thịt; cá và thủy hải sản; sữa và các sản phẩm chế biến; đồ uống. Tiêu chí này được khuyến nghị áp dụng cho doanh nghiệp, nhà sản xuất thực phẩm để sản xuất thực phẩm đạt tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm lành mạnh góp phần nâng cao sức khỏe, phòng chống các bệnh không lây nhiễm.

Ghi nhận nỗ lực của ngành y tế trong việc tăng cường dinh dưỡng và bảo vệ sức khỏe người dân song doanh nghiệp cho rằng, việc giải quyết các vấn đề về dinh dưỡng cần được tiếp cận một cách toàn diện trên cơ sở các nghiên cứu khoa học và đánh giá tác động, cả từ góc độ sức khỏe, lẫn xã hội và kinh tế, dựa trên quản lý rủi ro; tránh đưa ra những quy định chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Gạo, nước mắm… "không lành mạnh"?

Theo Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (US-ABC), về khoa học, chế độ dinh dưỡng lành mạnh phải đầy đủ và cân đối các dưỡng chất, cả dưỡng chất đa lượng (đạm, bột đường, chất béo) và dưỡng chất vi lượng (các vitamin, khoáng chất…). Tuy nhiên, dự thảo chỉ đưa ra 2 - 3 tiêu chí về dưỡng chất đa lượng để một thực phẩm được coi là “dinh dưỡng lành mạnh”, như vậy là chưa đủ cơ sở khoa học. Điều này có thể gây ra hiểu lầm của người tiêu dùng và gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

Ví dụ người tiêu dùng có thể hiểu lầm rằng thực phẩm lành mạnh thì ăn càng nhiều càng tốt; hoặc thực phẩm không ghi nhãn “thực phẩm lành mạnh” thì không lành mạnh và không nên ăn. Trong khi đó, thực phẩm gì mà ăn nhiều quá cũng đều có hại; và gạo có thể là “thực phẩm không lành mạnh” vì chỉ chứa chủ yếu tinh bột và có chỉ số đường huyết cao >55, mật ong “không lành mạnh” vì chứa nhiều đường, nước mắm “không lành mạnh” vì có nhiều muối…

Cần lấy ý kiến rộng rãi

Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị cơ quan soạn thảo cần tham khảo ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội trong ngành thực phẩm, và tham vấn các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến các ngành hàng được nêu trong bộ tiêu chí.

Cơ quan soạn thảo cũng nên xem xét từ góc độ tăng cường các thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm thay vì tiếp cận từ góc độ giảm thành phần dinh dưỡng có nguy cơ. Các giải pháp về tăng cường dinh dưỡng cần dựa trên Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng và các nghiên cứu khoa học về thực trạng dinh dưỡng tại Việt Nam, nhằm tránh những giải pháp thiếu tính toàn diện và tổng thể, chỉ tập trung vào một nhóm vấn đề về dinh dưỡng mà bỏ quên các vấn đề khác.

Thiếu cơ sở khoa học

Cũng theo Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, nhiều tiêu chí trong dự thảo Quyết định không phù hợp và bất khả thi. Ví dụ, Dự thảo quy định với sữa, hàm lượng canxi phải ≥130mg/100ml, nhưng trên thực tế, hàm lượng canxi trung bình trong sữa tươi là từ 90 - 120mg/100ml và dao động nhiều theo mùa vụ. Do đó, với tiêu chí này, sữa tươi sẽ bị coi là thực phẩm không lành mạnh, ngược lại với lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng là cần tăng cường sữa trong chế độ ăn của người Việt.

Một ví dụ khác, Dự thảo quy định với cá hàm lượng chất béo phải ≤ 5g/100g nhưng theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, hàm lượng chất béo trung bình trong cá là 12g/100g. Như vậy, với tiêu chí này cá sẽ bị coi là thực phẩm không lành mạnh, điều này là bất hợp lý.

Kinh nghiệm cho thấy các nước tiên tiến như Mỹ và EU không đưa ra các chỉ tiêu này vì lo ngại sẽ có sự hiểu lầm từ phía người tiêu dùng. Hơn nữa các tiêu chí bất hợp lý này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, cũng như thương mại với các nước, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam vừa ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các nước.

Cần cách tiếp cận mới

Tương tự, Hiệp hội Bia, Rượu và nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng tiêu chí cần tính đến sự phù hợp với tình trạng dinh dưỡng của người Việt.

Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc (2018 - 2020), cơ cấu sinh năng lượng trung bình trong khẩu phần ăn của người Việt Nam (protein, lipid, glucid) được coi là phù hợp với khuyến nghị cho người Việt Nam. Tuy nhiên, mức ăn rau quả trung bình của người Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 66,5% - 77,4% so với nhu cầu khuyến nghị Tháp dinh dưỡng cho người trưởng thành. Lượng tiêu thụ thịt, đặc biệt là ở khu vực thành thị, tăng nhanh trong 10 năm qua, vượt quá nhu cầu khuyến nghị. Tỷ lệ còi xương suy dinh dưỡng trung bình ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,8%, đặc biệt tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở khu vực nông thôn và miền núi còn cao. 

Do đó, thay vì ban hành bộ tiêu chí dinh dưỡng mới cho một số nhóm sản phẩm thực phẩm và đồ uống, VBA kiến nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và cập nhật các nội dung về Khuyến nghị Dinh dưỡng ban hành năm 2014 cho phù hợp hơn với hiện tại, và xây dựng theo hướng cung cấp thông tin dinh dưỡng cho các nhóm đối tượng khác nhau (độ tuổi, giới tính, lối sống và vận động) để dự thảo có ý nghĩa thực tiễn.

Cũng như USABC, VBA lo ngại các tiêu chí trong dự thảo Quyết định có thể tạo nên những quan niệm sai lầm của xã hội đối với các sản phẩm,  thậm chí có thể dẫn đến sự tẩy chay của người tiêu dùng với các sản phẩm này. Hệ lụy là doanh thu của ngành có thể sụt giảm, người lao động mất việc làm, và nhà nước thất thu thuế, trong khi đó việc tẩy chay các sản phẩm này không giúp cho tình trạng dinh dưỡng của người tiêu dùng được cải thiện.

Không bắt buộc áp dụng nhưng vẫn gây ảnh hưởng

Theo ban soạn thảo, tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh đối với một số nhóm thực phẩm phổ biến là khuyến cáo của cơ quan quản lý, không phải là quy định bắt buộc. Tuy vậy, VBA cho rằng bộ tiêu chí không bắt buộc áp dụng nhưng sẽ ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng, tác động không tốt tới hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp. Điều này là không nên, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn vì Covid-19.

Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) khuyến cáo ban soạn thảo cẩn trọng khi đưa ra một khái niệm mà quốc tế chưa có, vì hiện không có khái niệm về “dinh dưỡng lành mạnh” mà chỉ có khái niệm “chế độ ăn lành mạnh” (healthy diet).

 

Hà Lan