Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Chưa tạo ra cuộc cách mạng thực sự

- Thứ Sáu, 09/10/2020, 08:42 - Chia sẻ
Khẳng định khoa học công nghệ là động lực quan trọng để phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi, song qua thực tế giám sát, Hội đồng Dân tộc nhận thấy, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ ở cấp cơ sở còn chậm, chưa thường xuyên. Nhân rộng mô hình hiệu quả chưa được quan tâm đúng mức. Trình tự, thủ tục trong hoạt động khoa học và công nghệ vẫn rườm rà, bất cập… Đây là những nguyên nhân dẫn tới chưa tạo ra cuộc cách mạng khoa học công nghệ thực sự trong lĩnh vực này.

Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Vừa qua, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2020, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc đã làm việc trực tiếp với một số bộ, ngành, đơn vị và 5 địa phương. Theo ghi nhận của Đoàn giám sát, việc tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về khoa học công nghệ của các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Hầu hết các tỉnh đều ban hành văn bản của cấp ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh, trên cơ sở đó, UBND tỉnh cụ thể hóa thành quy định cụ thể. Một số địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế gắn với phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, có nhiều sản phẩm chất lượng xuất khẩu đem lại hiệu quả KT - XH cao.

Đơn cử, tại Lào Cai, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nông nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển KT - XH của địa phương. Đến nay, trên địa bàn Lào Cai đã xác nhận 72 chuỗi liên kết sản xuất, quy mô trên 19.000ha, với các sản phẩm chủ lực như: cây rau, với tổng diện tích rau các loại 14.168ha, sản lượng 171.920 tấn. Trong đó diện tích sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao 700ha, tập trung chủ yếu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Thắng, Bát Xát... Doanh thu từ sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao từ 350 - 400 triệu đồng/ha/năm. Cây chè với tổng diện tích 6.500ha, sản lượng 42.000 tấn, trong đó chè kinh doanh 4.367ha. Cây quế với tổng diện tích 30.000ha, tổng sản lượng hàng năm ước đạt hơn 1.000 tấn vỏ quế khô, 11.000 tấn cành, lá quế, 20 tấn hạt quế, 160 tấn tinh dầu quế, 9.210m3 gỗ quế...

Kết quả trên bước đầu khẳng định phát triển các chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực là hướng đi phù hợp, phát huy được thế mạnh, lợi thế, tiềm năng của tỉnh.

Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo "Vai trò Khoa học và Công nghệ thúc đẩy phát triển KT XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi  

Ảnh: Hoàng Ngọc 

Thiếu chính sách đặc thù và đủ mạnh

 Tuy nhiên, một hạn chế khá phổ biến trong hoạt động khoa học công nghệ vùng dân tộc thiểu số và miền núi được Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc chỉ ra là việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ ở cấp cơ sở (huyện, xã) còn chậm, chưa thường xuyên. Hoạt động tuyên truyền về khoa học công nghệ còn hạn chế, nhân rộng mô hình hiệu quả chưa được quan tâm đúng mức. Trình tự, thủ tục trong hoạt động khoa học và công nghệ vẫn rườm rà, bất cập… Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương thì đây là nguyên nhân khiến chúng ta chưa tạo ra cuộc cách mạng khoa học công nghệ thực sự.

Chúng ta đang thiếu chính sách đặc thù và đủ mạnh để khuyến khích, hỗ trợ cho các cơ sở mở rộng quy mô sản xuất khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, sự liên kết thành chuỗi nhằm tạo ra các sản phẩm bảo đảm an toàn và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu bổ sung. Hiện chưa có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, liên kết sản xuất theo chuỗi trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm tạo đầu tàu thu hút người dân vào cuộc.

Trước thực tế trên, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc đặt vấn đề, cùng với yêu cầu phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhanh, bền vững, chính sách, pháp luật liên quan đến khoa học và công nghệ cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Theo đó, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ theo hướng quy định thành điều, khoản cụ thể, hoặc giao Chính phủ có quy định chi tiết chính sách “ưu tiên” phát triển khoa học và công nghệ cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xem đây là động lực quan trọng để phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cũng nêu rõ, cần đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng phát huy tối đa năng lực, sáng tạo của các cá nhân, gắn trách nhiệm “đến cùng” của cơ sở nghiên cứu, nhà khoa học với sản phẩm tạo ra. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính đơn giản, ngắn gọn để tránh phiền hà, mất thời gian, công sức làm thủ tục của tổ chức, cá nhân làm khoa học. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm khoa học và công nghệ trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu xuất phát từ nhu cầu thiết thực của người dân, tính khả thi của ứng dụng phù hợp với nhận thức, trình độ sản xuất của người lao động, phù hợp với điều kiện tự nhiên (khí hậu, thổ nhưỡng, tác động của thiên tai, dịch bệnh…), đáp ứng tiêu chuẩn khoa học công nghệ. Xác định khả năng liên kết với các đơn vị, địa phương khác trong vùng để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Đáng lưu ý, Đoàn giám sát nhấn mạnh, nhận thức về vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ trong các cơ quan thực thi chính sách còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức thực hiện, kết quả, hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ. Tới đây, cần không ngừng quán triệt nhận thức về vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ - yếu tố có ý nghĩa quyết định, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện.

Ý Nhi