Chuẩn bị cho cao điểm tiêm chủng

- Thứ Năm, 09/09/2021, 06:19 - Chia sẻ

Vaccine phòng chống Covid-19 sẽ về Việt Nam dồn dập từ nay tới cuối năm đang đặt ra yêu cầu cấp thiết với các địa phương phải nâng cao năng lực bảo quản và năng lực tiêm để sẵn sàng bước vào đợt cao điểm của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử.

Cụ thể, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến đến cuối năm nay Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine phòng Covid-19 (không tính nguồn COVAX). Trong đó, vaccine sẽ về rất nhiều trong tháng 9, dự kiến hơn 20 triệu liều. Đây là một tin rất vui, mở ra hy vọng sớm khống chế được dịch bệnh và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, đằng sau đó là nỗi lo khi năng lực bảo quản vaccine của các địa phương còn nhiều hạn chế và tốc độ tiêm chủng dù đã được đẩy nhanh song vẫn cần “thần tốc” hơn nữa.

Tại Hà Nội, vào thời điểm cuối tháng 7.2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) có 2 kho lạnh bảo quản vaccine dịch vụ và tiêm chủng mở rộng, 6 tủ lạnh, 6 hòm lạnh và có thể bảo quản hơn 300 nghìn liều vaccine Astrazeneca. Bên cạnh đó, các Trung tâm y tế và Trạm y tế trên địa bàn thành phố có thể bảo quản hơn 1,27 triệu liều. Đáng chú ý, CDC Hà Nội chưa có trang thiết bị để bảo quản vaccine ở nhiệt độ âm sâu như Pfizer. Tại các Trạm y tế, tính đến tháng 5.2021, có 488 tủ bảo quản vaccine, sức chứa 2.500 liều/tủ, nhưng trong đó 69 chiếc hỏng, chờ sửa chữa. Lãnh đạo CDC Hà Nội cho biết dung tích hiện tại chưa đủ để bảo quản vaccine các loại từ các nhà sản xuất khác nhau với số lượng lớn khi cần thiết.

Hà Nội còn như vậy thì mối lo quá tải năng lực bảo quản vaccine ở nhiều tỉnh, thành phố khác, nhất là những địa phương điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, chắc chắn còn lớn hơn. Bên cạnh đó, theo đánh giá của Ban chỉ đạo tiêm chủng quốc gia, tốc độ tiêm của một số tỉnh, thành phố còn chậm so với số lượng vaccine được phân bổ. Ngay trong một địa phương cũng xảy ra tình trạng có địa bàn tiêm nhanh do làm tốt công tác tổ chức và ngược lại có nơi tiêm rất chậm. Trong khi đó, vaccine Pfizer và Moderna phải qua công đoạn rã đông, từ khi rã đông đến khi hết hạn sử dụng chỉ có 1 tháng và không thể đông ngược trở lại; vaccine AstraZeneca hạn sử dụng 6 tháng sau ngày sản xuất. Chúng ta rất khó khăn mới có được vaccine, nếu để hết hạn sử dụng mà chưa tiêm được thì vô cùng lãng phí và đáng tiếc.

Vaccine là vũ khí chiến lược để chống dịch Covid-19. Bảo quản vaccine có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng vaccine để phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay kéo dài sang gần nửa năm sau. Tới đây, nhiều loại vaccine phòng Covid-19 có nhiệt độ bảo quản khác nhau sẽ về nhiều, về dồn dập, trong đó có vaccine Pfizer với điều kiện bảo quản rất ngặt nghèo. Vì vậy, các địa phương phải tập trung cho đợt cao điểm tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, dành ưu tiên cho việc nâng cao năng lực bảo quản vaccine và cải thiện tốc độ tiêm chủng.

Theo đó, các địa phương cần chỉ đạo Sở Y tế chuẩn bị sẵn sàng hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vaccine tại tất cả tuyến để sẵn sàng tiếp nhận, bảo quản và sử dụng. Đồng thời, xây dựng cụ thể và chi tiết kế hoạch tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và phân bổ vaccine ngay cho các cơ sở tiêm chủng để tổ chức tiêm kịp thời. Bên cạnh đó, cần tổ chức tập huấn cho tất cả các cơ sở tiêm chủng về công tác tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vaccine để chuẩn bị sẵn sàng triển khai chiến dịch.

Trong bối cảnh lực lượng y tế công đang phải dồn sức cứu chữa bệnh nhân Covid-19 và tập trung cho các việc phòng chống dịch khác, giải pháp quan trọng nhất để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng là huy động y tế tư nhân “tiêm thuê” (vaccine vẫn là của Nhà nước). Theo đó, các bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành cụ thể một mũi tiêm định mức bao nhiêu để địa phương triển khai và bảo hiểm xã hội có thể thanh toán.

Cẩm Phô