Chuẩn bị cho kỷ nguyên mới

- Thứ Bảy, 12/12/2020, 10:03 - Chia sẻ
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã phê chuẩn thời điểm tổ chức cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, theo đề xuất của Chính phủ nước này. Như vậy, những ngày trên cương vị Thủ tướng của bà Angela Merkel sẽ kết thúc vào năm tới, tạo cơ hội cho nhà lãnh đạo mới lên điều hành quốc gia thuộc hàng quyền lực nhất châu Âu.

Cuộc “siêu bầu cử”

Thủ tướng Angela Merkel đã phục vụ 4 nhiệm kỳ trong chính phủ, tuyên thệ nhậm chức lần đầu tiên năm 2005. Nếu tại vị đến tháng 12.2021, bà sẽ vượt qua ông Helmut Kohl để trở thành thủ tướng Đức tại vị lâu nhất.
Ngày bầu cử được ấn định vào 26.9.2021 và Thủ tướng Merkel kiên quyết sẽ không tìm kiếm nhiệm kỳ thứ năm. Đây sẽ là cuộc bầu cử Quốc hội thứ 20 sau Thế chiến II của Đức. Theo kế hoạch, đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trung hữu của bà có kế hoạch chọn nhà lãnh đạo mới trong đại hội đảng vào tháng 1 tới.

Nhân vật kế nhiệm bà Merkel sẽ phụ thuộc vào người mà các đảng hàng đầu đề cử cho vị trí thủ tướng. Trong các cuộc thăm dò, CDU đang dẫn đầu. Người ta cho rằng điều này một phần là nhờ những đánh giá tích cực về cách kiểm soát đại dịch Covid-19 của bà Merkel. Trong khi đó, đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD), nơi “cung cấp” 3 trong số 8 Thủ tướng của Đức thời hậu chiến, đã chọn Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz làm ứng cử viên. Tuy nhiên, SPD, hiện là đối tác nhỏ trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Merkel, lại đang có thành tích không tốt trong các cuộc thăm dò. Sự ủng hộ đối với đảng Dân chủ Xã hội còn thấp hơn so với đảng Xanh của những nhà bảo vệ môi trường. Được biết, đảng Xanh nhiều khả năng lần đầu tiên tranh cử chức thủ tướng nhưng tới nay vẫn chưa đề cử được ứng cử viên nào.

Đức tổ chức bầu cử 4 năm một lần. Hạ viện, còn gọi là Bundestag, sẽ bầu Thủ tướng. Điều đó có thể không xảy ra cho đến sau cuộc bầu cử, vì quá trình thành lập liên minh cầm quyền có thể kéo dài. Sau cuộc bầu cử năm 2017, quá trình này kéo dài kỷ lục gần 6 tháng trước khi bà Merkel tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư. Cử tri sẽ bầu ít nhất 598 nhà lập pháp vào Bundestag. Con số trên có thể cao hơn đáng kể do hệ thống bầu cử phức tạp của Đức, vốn dựa trên đại diện tỷ lệ nhưng cũng cho thấy cử tri có thể chọn các đại diện địa phương được bầu trực tiếp. Đây là lý do Bundestag hiện có 709 thành viên.

Báo chí châu Âu coi cuộc bầu cử năm tới ở Đức sẽ là cuộc “siêu bầu cử”, bởi không những sẽ bầu ra Quốc hội mới mà còn mang tính quyết định trong việc chọn ra vị thủ tướng kế nhiệm bà Merkel dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng như giúp Liên minh châu Âu (EU) vượt qua những thách thức phía trước.

Nguồn: ITN

Tiềm năng người kế nhiệm

Theo Politico, hơn một năm nữa, kỷ nguyên của Thủ tướng Angela Merkel sẽ kết thúc, nhưng dường như nhiều người Đức chưa sẵn sàng “để bà ra đi”. Thật vậy, càng gần cuối nhiệm kỳ, tín nhiệm đối với bà càng cao. Xếp hạng về sự ủng hộ của người dân đối với cá nhân nhà lãnh đạo đã tăng lên hơn 70% trong những tháng gần đây, cao hơn nhiều so với mức 50% cách đây một năm.

Mặc dù Thủ tướng Merkel có thể vui vẻ với tình cảm của người dân đối với mình thì những ai có tiềm năng kế vị bà phải đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp. Lựa chọn người kế nhiệm ban đầu của bà Merkel là nữ Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer. Tuy nhiên, bà đã quyết định rút khỏi cuộc đua hồi tháng 2 sau khi nhận thấy bản thân không có đủ sự ủng hộ từ các đảng viên CDU. Quyết định của bà Kramp-Karrenbauer đã kích hoạt cuộc cạnh tranh mới cho vị trí chủ tịch CDU. Mặc dù cuộc cạnh tranh hiện tại trên danh nghĩa là cho vị trí lãnh đạo đảng, nhưng người chiến thắng cũng được cho là sẽ trở thành ứng cử viên của CDU cho chức thủ tướng vào năm 2021.

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nó đã không chỉ buộc CDU phải hoãn tổ chức đại hội đảng để bầu chọn nhà lãnh đạo mới vào đầu năm sau, mà còn khiến cuộc cạnh tranh bị đảo lộn, gây ra nhiều nghi ngờ về sự phù hợp của một số ứng viên, đặc biệt là nhân vật sáng giá nhất.

Ông Armin Laschet, Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia, đã bắt đầu cuộc đua ngay sau thông báo rút lui của bà Kramp-Karrenbauer. Là một người hâm mộ Thủ tướng Merkel, ông Laschet là giọng nói ôn hòa nhưng có trọng lượng từ bang đông dân nhất nước Đức. Vốn thông thạo tiếng Pháp, ông Laschet cũng nổi tiếng là người châu Âu tận tụy. Ngay cả khi ông vẫn còn xa lạ với hầu hết người Đức, nhiều người biết ông đều có ấn tượng tích cực về nhà lãnh đạo này. Tuy nhiên, cách ông kiểm soát đại dịch Covid-19 bị đánh giá là quá chậm và mâu thuẫn. Mặc dù North Rhine-Westphalia là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Đức, ông vẫn miễn cưỡng áp đặt các hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của virus. Và cho dù cuối cùng vẫn phải tiếp bước các bang khác bằng cách đóng cửa nhà hàng, quán bar và hầu hết cửa hàng, ông lại là một trong những người đầu tiên kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp này.

Lúc đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng xảy ra, buộc chính quyền phải phong tỏa nghiêm ngặt Gütersloh, một trung tâm quan trọng của khu vực, ông Laschet một lần nữa lại tỏ ra lo lắng. Các nhà phê bình cho rằng, cách quản lý đại dịch quá kém đến mức ông đã tự đưa mình ra khỏi cuộc chạy đua kế nhiệm bà Merkel.

Trong hầu hết trường hợp, nếu ứng cử viên trước vấp ngã sẽ tạo cơ hội hoàn hảo cho những ứng cử viên khác. Nhưng các đối thủ của ông Laschet như ông Norbert Röttgen, Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại của Quốc hội, một người ôn hòa khác và ông Friedrich Merz, cựu Chủ tịch đảng đoàn CDU/CSU trong Quốc hội và là luật sư theo phái bảo thủ lại cho thấy không còn được tín nhiệm nhiều nữa. 

Sự yếu ớt đó của CDU đã mở ra cánh cửa cho ông Markus Söder, thủ hiến bang miền nam Bayern và là lãnh đạo CSU - đảng chị em của CDU. Được gọi chung là “liên minh”, hai đảng tạo thành một nhóm nghị viện chung và theo truyền thống đề cử ứng cử viên duy nhất cho chức thủ tướng.

Trái ngược với ông Laschet, mức độ nổi tiếng của ông Söder tăng lên trong cuộc khủng hoảng Covid-19 nhờ theo đuổi lộ trình kiên quyết để kiểm soát đại dịch. Mặc dù vẫn chính thức tham gia sàn đấu, ông dường như ít che giấu sự quan tâm của mình. Ở phần còn lại của Đức, ông chỉ đứng sau bà Merkel. Trong số ứng cử viên bảo thủ tiềm năng cho chức thủ tướng, ông Söder dẫn đầu với một biên độ rộng. Theo cuộc khảo sát hồi tháng 7, gần 2/3 người Đức coi ông là một thủ tướng phù hợp, tăng từ mức chỉ 30% hồi tháng 3.

Tuy  nhiên, dù CDU đã hai lần cho phép một người của CSU làm người đại diện của liên minh tranh cử chức thủ tướng khi đảng này nghi ngờ triển vọng của nhà lãnh đạo của chính mình (lần đầu tiên thay cho ông Helmut Kohl vào năm 1979 và lần thứ hai thay cho bà Merkel vào năm 2002), liên minh đã thất bại ở cả hai cuộc bầu cử. Điều này có vẻ khó xảy ra ở thì hiện tại khi mà liên minh trung hữu CDU-CSU đang dẫn đầu các cuộc thăm dò. Song trong môi trường đầy biến động ngày nay, tình hình có thể nhanh chóng thay đổi.

Và trong khi người Đức có thể nhanh chóng đánh giá cao ông Söder qua cách xử lý rắn của ông đối với virus Corona, nhiều người vẫn đánh giá ông không vượt trội ông Laschet. Thực tế, ông không có kinh nghiệm ở cấp liên bang, và kinh nghiệm ở đầu trường quốc tế cũng ít. Đây chính là các yếu tố khá bất lợi, đặc biệt vào thời điểm những thách thức địa chính trị mà Đức và châu Âu phải đối mặt thực sự rất khó khăn.

Thái Anh