Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Chuẩn bị công phu, tiếp thu nghiêm túc

- Thứ Sáu, 22/10/2021, 07:22 - Chia sẻ
Sau 15 năm thi hành, Luật Điện ảnh đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trước sự vận động của đời sống, đặc biệt là sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, kỹ thuật số. Chính vì vậy, Luật Điện ảnh sẽ được Quốc hội xem xét sửa đổi toàn diện. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục PHAN VIẾT LƯỢNG, Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, đủ điều kiện trình ra Quốc hội, song để bảo đảm mục tiêu phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, cần bổ sung các cơ chế, chính sách có tính đột phá, toàn diện hơn.

Bám sát 4 định hướng lớn

- Theo chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Với tư cách là Tổ trưởng Tổ thẩm tra dự án Luật này, ông đánh giá thế nào về hồ sơ Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)?

- Trước hết có thể nói, hồ sơ Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, khá đầy đủ, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động và cơ quan, tổ chức có liên quan; được Bộ Tư pháp thẩm định và Chính phủ xem xét, quyết định theo luật định. Dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp này là dự thảo lần thứ 8, cho thấy Ban soạn thảo đã cầu thị, dày công nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các cơ quan liên quan để hoàn thiện.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã quán triệt, bám sát 4 định hướng lớn. Thứ nhất, tạo hành lang pháp lý để phát triển ngành điện ảnh theo hướng vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh phát triển trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác (du lịch, vui chơi, giải trí, truyền thông…). Thứ hai, các quy định, chính sách pháp luật bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; khuyến khích đào tạo nhân lực, các dịch vụ liên quan đến sản xuất, phổ biến và phát hành phim. Thứ ba, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với đề cao trách nhiệm của các cơ quan; hỗ trợ, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Thứ tư, Luật ban hành phải phù hợp, đồng bộ, khả thi khắc phục luật khung, luật ống; chính sách đưa ra phải đánh giá kỹ lưỡng, gắn với nguồn lực thực hiện.

Qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, đến nay dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cơ bản đáp ứng yêu cầu, đủ điều kiện trình ra Quốc hội.

- Một trong những mục đích xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) là tạo hành lang pháp lý để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong môi trường công nghệ số, tiên tiến, hội nhập quốc tế. Mục đích này đã được cụ thể hóa thế nào trong dự thảo Luật, thưa ông?

- Như tôi vừa trao đổi ở trên, một trong 4 định hướng lớn khi sửa đổi Luật Điện ảnh lần này là xác định điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế, và Luật phải tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển. Dự thảo Luật đã kế thừa hợp lý các quy định hiện hành, sửa đổi, bổ sung một số chính sách về đầu tư, hỗ trợ, ưu đãi phát triển công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên, để thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 của Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung các cơ chế, chính sách có tính đột phá, toàn diện hơn đối với hoạt động điện ảnh.

Bảo đảm phù hợp thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng người làm nghề

	Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được kỳ vọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho người hoạt động điện ảnh - Nguồn ITN
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được kỳ vọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho người hoạt động điện ảnh  Nguồn ITN

- Mặc dù dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này đã là dự thảo lần thứ 8, nhưng vẫn còn một số nội dung có nhiều ý kiến khác nhau, sẽ được đưa ra xin ý kiến Quốc hội. Xin ông cho biết, đó là những nội dung gì?

- Một số nội dung trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) vẫn còn ý kiến khác nhau, trong đó có 3 nội dung sẽ được đưa ra xin ý kiến Quốc hội. Thứ nhất là về sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, Chính phủ trình 2 phương án: Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, đấu thầu là một trong những hình thức chủ yếu đã được quy định trong Luật Đầu tư và đây không phải nguyên nhân chính ảnh hưởng tới quá trình sử dụng ngân sách nhà nước để sản xuất phim thời gian qua, mà chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện. Ngay trong báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã thể hiện điều đó. Chính vì vậy, Ủy ban đề nghị tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện quy định này, phát huy những ưu điểm của hình thức đấu thầu, nhằm tạo sự bình đẳng, cạnh tranh để lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ công, trong đó có dịch vụ sản xuất tác phẩm điện ảnh.

Vấn đề thứ hai cũng được xã hội và những người hoạt động điện ảnh rất quan tâm, đó là phổ biến phim trên không gian mạng. Ủy ban cơ bản đồng tình phương án kết hợp việc tổ chức, cá nhân tự phân loại phim với cấp phép phân loại, trong đó chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim. Có thể thấy rằng, tự phân loại phim là xu hướng hiện nay, phù hợp với điều kiện, năng lực quản lý của nước ta. Tuy nhiên, Ủy ban cũng đề nghị có biện pháp để hạn chế đến mức thấp nhất, không bỏ lọt các phim vi phạm pháp luật, không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Theo đó, Ủy ban đề nghị xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, minh bạch để các cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim có căn cứ tự kiểm duyệt và phân loại phim trước khi phổ biến; quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành, phổ biến phim trong việc cung cấp công cụ đo lường tự động, kiểm duyệt tự động để đánh giá được nội dung, phát hiện nội dung vi phạm, hiển thị cảnh báo rõ ràng cho người xem về những nội dung có thể không phù hợp. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời phát hiện, xử lý phim vi phạm.

- Và vấn đề thứ 3 có nhiều ý kiến khác nhau là Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Dự thảo Luật tiếp tục quy định thành lập Quỹ trong khi nó đã được quy định tại Luật hiện hành song đến nay chưa được thành lập. Quan điểm của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về nội dung này?

- Ban soạn thảo, một số ý kiến cho rằng Quỹ là cần thiết nhằm hỗ trợ, khuyến khích các tác giả, nhà làm phim triển vọng, có ý tưởng sáng tạo, tạo ra tác phẩm điện ảnh có giá trị văn hóa nghệ thuật cao. Tuy nhiên, đa số thành viên Ủy ban đề nghị quy định trong Luật phải bảo đảm khả thi và hợp lý, xác định rõ mục đích, nguồn thu, cơ chế quản lý và sử dụng Quỹ. Hiện quy định về Quỹ trong dự thảo Luật chưa thực sự phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, nội dung chi của Quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; chưa đủ căn cứ, chưa đưa ra giải pháp về khả năng tài chính độc lập…

- Ông kỳ vọng gì về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sau khi được thông qua?

- Không chỉ cá nhân tôi mà thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cơ quan soạn thảo, các đối tượng liên quan, đặc biệt là các nghệ sĩ trong lĩnh vực điện ảnh đều kỳ vọng Luật có chất lượng tốt, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng được nguyện vọng của người làm nghề. Chúng tôi mong muốn Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ cụ thể hóa được 4 định hướng lớn như đã nêu ở phần đầu; các quy định phải cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho những người hoạt động điện ảnh, hạn chế những vướng mắc, tâm tư lâu nay.

- Xin cảm ơn ông!

Anh Minh - Thảo Nguyên thực hiện