Chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán

- Thứ Sáu, 29/10/2021, 06:20 - Chia sẻ
Sở Công thương thành phố Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng. Thành phố phối hợp chặt chẽ với các địa phương, sẵn sàng đưa nguồn cung về Hà Nội đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong dịp Tết của Nhân dân Thủ đô.

Khó khăn trong nguồn cung

9 tháng năm 2021, Hà Nội chịu ảnh hưởng của 3 đợt dịch Covid-19 vào cuối tháng Một (sát Tết Nguyên Đán), cuối tháng 4 và đặc biệt ngày 13.7.2021 đến nay, thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp để phòng chống dịch, trong đó từ ngày 24.7.2021 đến 21.9.2021, thành phố đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, các sự kiện kích cầu thúc đẩy phát triển kinh tế…

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc tập trung quyết liệt các biện pháp với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thành phố đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh góp phần thực hiện nhiệm vụ kép “vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch”.

Có thể thấy, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố và các tỉnh trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh khu vực phía Bắc dẫn đến sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm, lưu thông, vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng. Một số mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả phụ thuộc vào thời tiết, đàn gia súc gia cầm bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên dễ ảnh hưởng đến nguồn cung. Bên cạnh đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá nguyên vật liệu đầu vào tăng (giá thức ăn chăn nuôi, con giống) trong khi giá thành sản phẩm giảm, ảnh hưởng đến quyết định tái đàn, trồng trọt của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (người dân bỏ đàn, bỏ ruộng khi giá thực phẩm xuống thấp…) gây thiếu hụt nguồn cung hàng hóa phục vụ Nhân dân.

Trong trường hợp thành phố và các tỉnh phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở cấp độ 3 và cấp độ 4 theo Nghị quyết 128/NQ-CP thì các sự kiện kích cầu, xúc tiến thương mại có thể bị hạn chế hoặc không tổ chức, ảnh hưởng đến việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và bảo đảm nguồn cung hàng hóa từ các tỉnh về để bảo đảm cân đối cung cầu trên địa bàn.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thu nhập người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên thắt chặt chi tiêu, sức mua giảm. Thiếu hụt nguồn cung lao động trong sản xuất (công nghiệp, nông nghiệp…) và kinh doanh, đặc biệt là trong sản xuất khiến sản lượng không đáp ứng được nhu cầu, thiếu hụt nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu.

Chú thích ảnh: Sở Công thương Hà Nội sẽ chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp vừa bảo đảm phân phối hàng hóa, vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh 

    Nguồn: ITN 

Cân đối cung cầu hàng hóa

Theo Kế hoạch số 4434/KH-SCT, Sở Công thương thành phố dự báo khả năng cung ứng và nhu cầu một số nhóm hàng thiết yếu cần chuẩn bị trong dịp Tết 2022 đối với khoảng 10,33 triệu người sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng (tương đương với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2021).

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hệ thống Trung tâm thương mại 28; Hệ thống siêu thị: 123; Hệ thống chợ: 449 chợ; 1.800 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, có thể kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.  Các kênh bán hàng đa phương tiện: bán hàng qua website, hotline, app… với khoảng 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức trực tuyến.

Theo Sở Công thương thành phố Hà Nội cần đẩy mạnh hỗ trợ triển khai các hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố theo những hình thức phù hợp, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết như: Giới thiệu đầu mối, nguồn cung hàng hóa từ các tỉnh đến hệ thống phân phối, chợ dân sinh, cửa hàng trái cây, thực phẩm Hà Nội.

Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia các hội nghị, hoạt động giao thương trực tiếp hoặc trực tuyến để kết nối nguồn hàng; hỗ trợ các tỉnh tổ chức điểm bán sản phẩm các tỉnh tại Hà Nội trong thời điểm thích hợp; Phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương các tỉnh để chủ động nắm nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu và sẵn sàng đưa nguồn cung về Hà Nội đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong dịp Tết của Nhân dân Thủ đô.

Văn Anh