Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Chuẩn bị kỹ hơn cho những năm tới

- Thứ Sáu, 30/10/2020, 08:46 - Chia sẻ
Sau nhiều năm chuẩn bị, Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông thực sự đã được vận hành từ năm học 2020 - 2021, với lớp 1. Theo các chuyên gia, cần lường trước những khó khăn, tiếp tục chuẩn bị bài bản, chu đáo, với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Viết Lượng: Cần đánh giá và rút kinh nghiệm quá trình thực hiện

Nhiệm vụ nặng nề, yêu cầu cao của Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 đã đặt ra áp lực với Bộ GD - ĐT trong 6 năm qua. Đến nay có thể nói Bộ GD - ĐT đã vượt qua áp lực đó, đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề tiếp tục áp dụng chương trình, SGK mới cho các lớp tiếp theo trong thời gian tới. Tuy nhiên, qua một thời gian dài thực hiện, chúng ta cần phải nhìn nhận lại cả quá trình thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51, để thấy được những gì cần kế thừa, bài học kinh nghiệm. Cụ thể, cần quan tâm hơn để khắc phục bất cập về việc không đồng bộ, chậm tiến độ thực hiện một số công việc. Ví dụ, sau khi Nghị quyết 88 ban hành, một năm sau có đề án về giáo viên nhưng đến 4 năm sau mới có đề án về cơ sở vật chất. Cùng với đó, chưa có chính sách thực hiện xã hội hóa bảo đảm công bằng trong việc biên soạn SGK…

Chúng ta cần có đánh giá sơ bộ chương trình tổng thể, chương trình bộ môn và việc biên soạn, thẩm định, lựa chọn SGK lớp 1 đến thời điểm này. Liệu chương trình tổng thể, chương trình bộ môn và SGK có khắc phục được những hạn chế mà Nghị quyết 88 chỉ ra, có bảo đảm giảm tải không, có giảm bớt tính hàm lâm chưa, có phát huy năng lực thẩm mỹ, đức trí của học sinh, có khắc phục được “bệnh thành tích” trong giáo dục, tình trạng học thêm, dạy thêm? Rồi vấn đề trước mắt cần khắc phục là tình trạng 50 - 70 học sinh/lớp tại các thành phố lớn sẽ phải làm sao để bảo đảm yêu cầu chỉ 35 học sinh/lớp? Cần làm rõ vai trò của các ngành như tài chính, xây dựng... trong bảo đảm các điều kiện thực hiện Nghị quyết 88. Từ đó, lường trước những khó khăn, tiếp tục chuẩn bị bài bản, chu đáo, với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương.

Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến: Tiếp cận phương thức mới về biên soạn SGK

Tình trạng hầu hết tác giả có khả năng viết SGK đều đã ký hợp đồng với một nhà xuất bản đúng là một khó khăn lớn cho Bộ GD - ĐT trong việc tổ chức biên soạn SGK. Khó khăn này gắn với một quan niệm rằng chỉ có một số người viết được SGK.

Thực ra với đội ngũ nhà giáo đông đảo, có chất lượng và tâm huyết của Việt Nam, không thiếu giáo viên giỏi có thể thay thế các tác giả quen thuộc hiện nay. Vấn đề là ở chỗ tin họ, tạo điều kiện cho họ phát huy năng lực của mình. Nghĩa là với SGK, biên soạn SGK, cần chuyển từ tư duy về một tổ chức, cá nhân, sang tư duy về cộng đồng nhà giáo. Bản chất của cách làm này là thông qua internet kết nối mọi người kể cả trong nước và ngoài nước để khai thác tài năng kiến thức của cộng đồng rộng lớn các nhà giáo sẽ tốt hơn nhiều so với việc biên soạn SGK trong giới hạn một nguồn lực nhỏ bé những tác giả.

Nếu quan niệm SGK là tập hợp các bài giảng với một môn học thì với cách tiếp cận này, chẳng hạn thông qua việc phát động một cuộc thi viết các bài giảng đưa lên mạng, tin rằng Bộ GD - ĐT có thể nhận về một khối lượng đáng kể các bài giảng để qua đó có được SGK chất lượng với giá cả cạnh tranh. Hoặc có thể tham khảo cách làm của một số nước hiện nay như sau: Xây dựng kho dữ liệu về tài nguyên giáo khoa, tức là một ứng dụng website kiểu wikipedia để các các nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ quản lý, những người tâm huyết với giáo dục có thể đưa lên mạng các bài giảng, từng chương SGK, thậm chí cả một bản thảo SGK để mọi người truy cập sử dụng, trao đổi, góp ý bổ sung hoàn thiện ngày một tốt hơn.

Khải Minh ghi