Đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội

Chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa

- Thứ Năm, 23/09/2021, 04:05 - Chia sẻ
Cho ý kiến về kế hoạch, đề cương chi tiết 4 chuyên đề giám sát năm 2022 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chuẩn bị của các Đoàn giám sát. Với phương châm chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa như vậy chắc chắn sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực giám sát của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022
Ảnh: Phương Hoa

Tận dụng tối đa sự đóng góp của các cơ quan

Nhấn mạnh sự đổi mới trong cách thức làm việc của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trước đó, khi trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề, Quốc hội sẽ quyết định luôn đề cương chi tiết và kế hoạch giám sát. Tuy nhiên, lần này, Quốc hội chỉ ban hành Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề và ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành kế hoạch, đề cương chi tiết của các cuộc giám sát. 

Chính vì vậy, tại Phiên họp thứ Ba này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian cho ý kiến về dự thảo kế hoạch chi tiết và các Đề cương của 4 cuộc giám sát chuyên đề gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021; việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021; việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021.

Trước phiên họp hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhiều lần họp, góp ý cụ thể vào các dự thảo kế hoạch chi tiết và đề cương của cả 4 chuyên đề giám sát này. Như Chủ tịch Quốc hội nói “cá nhân tôi cùng các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách các cuộc giám sát đã cùng thảo luận, góp ý với Đoàn giám sát, trên cơ sở đó, từng đồng chí, cụ thể là Phó Chủ tịch Quốc hội - Trưởng đoàn giám sát tiếp tục làm việc với các cơ quan của Quốc hội, tận dụng tối đa sự đóng góp của các cơ quan hữu quan, kể cả Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan của Quốc hội… để xây dựng được dự thảo kế hoạch chi tiết, chương trình chi tiết và các biểu mẫu kèm theo. Chúng ta đã chuẩn bị theo tinh thần kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa để bảo đảm chất lượng cho hoạt động giám sát”.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm, Kiểm toán Nhà nước đã được lãnh đạo Quốc hội giao nhiệm vụ tham gia vào 2 Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về: việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. “Trong các nhiệm kỳ trước, Kiểm toán Nhà nước đều cử đại diện tham gia Đoàn giám sát, nhưng đây là lần đầu tiên, Kiểm toán Nhà nước được mời là thành phần của Đoàn giám sát”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, phục vụ hoạt động của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ việc đóng góp vào kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát đến chuẩn bị các báo cáo về kết quả kiểm toán liên quan đến các chuyên đề giám sát. Ngay từ tháng 2, tháng 3 năm nay, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng chuyên đề kiểm toán về công tác quy hoạch, phạm vi mới chỉ là quy hoạch đô thị, nhưng cũng là một nội dung để bổ sung, cung cấp thêm thông tin cho Đoàn giám sát.

Xây dựng Đoàn giám sát kiểu mẫu

Giám sát là một trong những lĩnh vực trọng tâm được Đảng đoàn Quốc hội và Quốc hội xác định phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn, các Đoàn giám sát phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Đặc biệt với chuyên đề giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần cố gắng xây dựng Đoàn giám sát kiểu mẫu, tiêu biểu bởi tính chất quan trọng của nội dung này. Nếu thực hiện tốt giám sát chuyên đề này, tạo chuyển biến rõ nét trong thực tiễn thì cùng với công cuộc phòng, chống tham nhũng và tiêu cực, chúng ta sẽ như có 2 mũi giáp công, giải quyết những khó khăn, huy động, phân bổ và sử dụng được các nguồn lực của quốc gia cho phát triển nhanh, bền vững.

Thực tế, các Đoàn giám sát của Quốc hội không thể trực tiếp đi làm việc với tất cả các địa phương, bộ, ngành mà chủ yếu thông qua giám sát tổng hợp. Tuy nhiên, thanh tra, kiểm toán và các cơ quan chức năng của Nhà nước đang làm rất tốt việc thanh tra, giám sát trực tiếp. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần kế thừa những kết quả này, để “nói có sách, mách có chứng”. Đồng thời, Đoàn giám sát phải đầu tư công sức, trí tuệ, tổ chức cách làm phù hợp, khoa học, hiệu quả. Phải làm đến nơi, đến chốn, từ đó, kiến nghị được những hình thức thích đáng đối với tổ chức, cá nhân khi để xảy ra sai phạm, đối với các vấn đề chậm trễ hay cản trở công tác thi hành pháp luật. Đây cũng là mong muốn của Chính phủ để từ đó cùng khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức thực thi pháp luật hiện nay. 

Anh Thảo