Đồng Nai

Chuẩn hóa trạm trung chuyển rác theo lộ trình

- Thứ Ba, 12/10/2021, 08:25 - Chia sẻ
Để hoàn thành mạng lưới các trạm trung chuyển chất thải theo lộ trình đã đặt ra, cùng với việc các địa phương đã xác định và cập nhật vị trí, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai sẽ tổng rà soát hiện trạng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm đến hết năm 2023, các công trình, trạm trung chuyển, hạng mục, nguồn vốn đáp ứng hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của từng địa phương.

Chưa đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn hiện có 34 trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt và 32 điểm sang tiếp rác. Tuy nhiên, trong số này, chỉ có 9 trạm trung chuyển chất thải cơ bản đáp ứng QCVN 01:2019/BXD về quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành, có 2 loại trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Các trạm trung chuyển, điểm sang tiếp rác còn lại chỉ mang tính chất tạm thời, chưa đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật xây dựng và môi trường.

	9/66 công trình sang tiếp rác đạt quy chuẩn Nguồn: ITN
9/66 công trình sang tiếp rác đạt quy chuẩn
Nguồn: ITN

Hiện nay, hoạt động sang tiếp rác ở các địa phương chủ yếu diễn ra ở các bãi đất trống hoặc ngay trên đường gây ảnh hưởng đến giao thông đi lại, mỹ quan và môi trường sống xung quanh. Lý giải nguyên nhân, đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh cho biết, do nguồn kinh phí xây dựng các trạm, điểm tập kết rác là nguồn xã hội hóa và ngân sách cấp huyện, trong khi hàng năm các địa phương có rất nhiều công trình, dự án ưu tiên phải thực hiện.

Đơn cử, tại huyện Vĩnh Cửu, có 23 điểm tập kết rác nhưng chỉ 5 điểm tại các xã Bình Lợi, Tân Bình, Tân An, Hiếu Liêm và thị trấn Vĩnh An được xây dựng kiên cố, có tường bao xung quanh, có mái che và nền bê tông. Năm 2020, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn rà soát quỹ đất công để bổ sung, cập nhật quy hoạch vị trí xây dựng điểm trung chuyển, đồng thời, đề xuất để huyện bố trí kinh phí xây dựng trong năm 2021. Có 3 địa phương là xã Bình Hòa, xã Mã Đà và thị trấn Vĩnh An đề xuất nhưng hiện chưa triển khai được, do nguồn vốn ngân sách huyện ít, việc vận động xã hội hóa còn nhiều khó khăn.

Tương tự, huyện Trảng Bom, đã đầu tư xây dựng 7 trạm trung chuyển chất thải và bàn giao cho các xã quản lý nhưng hiện tại chỉ còn 2 trạm duy trì hoạt động. Nguyên nhân là do đơn vị vận chuyển chất thải trực tiếp sang tiếp rác từ xe nhỏ sang xe lớn; các trạm trung chuyển chất thải chưa bảo đảm về kỹ thuật và khoảng cách với nhà dân. Trong khi đó, việc bố trí quỹ đất để xây dựng trạm trung chuyển chất thải hiện nay còn gặp khó khăn do quỹ đất công nằm rải rác trong khu dân cư.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành, các bãi tập kết chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện đều là tạm thời, chưa bảo đảm vệ sinh môi trường và mỹ quan. Mới đây, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã cập nhật 6 vị trí xây dựng các bãi tập kết chất thải rắn sinh hoạt theo tiêu chuẩn tại các xã, thị trấn nhưng đang chờ phê duyệt vốn và quy hoạch sử dụng đất.

Thống nhất và cập nhật vị trí xây dựng

Để hoàn thành mạng lưới các trạm trung chuyển chất thải theo lộ trình đã đặt ra vào năm 2021, đa số các địa phương đều xác định được mạng lưới các trạm, điểm sang tiếp rác thải sinh hoạt và đã cập nhật vị trí, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất. Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét và yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát trạm chưa phù hợp, qua đó ,điều chỉnh, bổ sung hoặc chuyển đến vị trí mới nhằm hạn chế tình trạng quy hoạch không phù hợp, không đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai Trần Trọng Toàn cho biết, sau khi các địa phương thống nhất và cập nhật vị trí xây dựng trạm trung chuyển chất thải vào quy hoạch sử dụng đất, Sở sẽ tổng rà soát hiện trạng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ quá trình thu gom, vận chuyển chất thải, bảo đảm đến hết năm 2023, các công trình, trạm trung chuyển, hạng mục, nguồn vốn đáp ứng hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của từng địa phương và toàn tỉnh theo Đề án Tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2021 - 2025.

Cùng với việc chuẩn hoá các trạm trung chuyển rác, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền cho người dân phân loại rác thải đúng quy định, nhất là sử dụng hiệu quả các bể chứa rác thải nguy hại, hạn chế xả bừa bãi các loại rác thải độc hại (bao bì thuốc bảo vệ thực vật) ra môi trường, sông suối, ảnh hưởng chất lượng đất, nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường.

Nhật Phương