Theo dòng sự kiện:

Chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa!

- Thứ Năm, 06/01/2022, 06:21 - Chia sẻ
Sáng qua, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương, triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022. Hội nghị có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là lần thứ hai (trong vòng hơn 5 tháng) kể từ khi kiện toàn Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, người đứng đầu Đảng ta đến dự và chỉ đạo tại Hội nghị của Chính phủ.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
 Ảnh: Trí Dũng

Như khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Chính phủ, các địa phương rất mong đợi và vinh dự được đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu, góp ý, chỉ đạo. Những ý kiến của các đồng chí sẽ là nguồn động viên, cổ vũ to lớn, tạo thêm động lực và bổ sung, hoàn thiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để Chính phủ và các địa phương thực hiện hiệu quả trong năm 2022 và những năm tiếp theo”.

Nhìn lại 2021 - năm thứ hai liên tiếp thế giới, trong đó có Việt Nam, phải chống đỡ, vật lộn với đại dịch Covid-19. Bối cảnh này đã làm tình hình vốn đã phức tạp, khó lường, lại càng trở nên khó đoán định và thử thách hơn gấp bội. Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng không vững chắc, thiếu bền vững, không đồng đều và rất khó dự báo, nhất là làn sóng dịch bùng phát mạnh do biến chủng Delta tại nhiều quốc gia ở khu vực và trên thế giới. Chưa kể gần đây lại là sự xuất hiện của biến chủng Omicron với tốc độ lây lan rất nhanh trên thế giới và đã thâm nhập vào Việt Nam.

Thế nên, cũng như nhiều nước trên thế giới, năm qua, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách “chưa có tiền lệ”. Trong bối cảnh “khó khăn chồng chất khó khăn đó, Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị đã cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và biểu dương.

Một trong số những kết quả nổi bật, đó là, từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp, Việt Nam hiện đã vượt lên là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất thế giới với tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là 99,6%, 2 mũi là 90,9%; từ 12 - 17 tuổi 1 mũi là 85,6%, 2 mũi là 57%. Đến thời điểm này, như khẳng định của người đứng đầu Đảng ta, “chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược vaccine "đi sau về trước" với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay”.

Kết quả đó cũng một lần nữa minh chứng rằng, sự chuyển hướng đúng, kịp thời chiến lược “phòng, chống dịch Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” đã và đang góp phần giữ ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, củng cố khả năng phục hồi của nền kinh tế. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế, thì đây là quyết sách quan trọng, tạo nền tảng để phục hồi, phát triển kinh tế trong quý IV.2021 và năm 2022.

Thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 3 và Trung ương 4, Chính phủ đã khẩn trương trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận về Chương trình phòng, chống Covid-19 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đang diễn ra về các chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình. Đây là chủ trương, quyết sách quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Từ góc độ địa phương - nơi “thụ hưởng” và hiện thực hóa các kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, lãnh đạo chủ chốt nhiều tỉnh, thành phố cùng chung nhận định, những kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2021 là “hết sức quan trọng” và “rất đáng tự hào”. Đây là những tiền đề quan trọng để cả nước phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo, qua đó giúp cho địa phương có nhiều bài học kinh nghiệm và sự quyết tâm cao hơn để vượt qua khó khăn, thách thức. Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, thì qua khó khăn, thử thách, địa phương càng thấy rõ sự tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng chính sách, cải cách lề lối làm việc, nhất là việc phân cấp, phân quyền cho địa phương...

Tự hào với những kết quả đạt được, song điều mà nhiều đại biểu nhấn mạnh tại hội nghị, đó là không được chủ quan, thỏa mãn. Bởi đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, thậm chí vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, đe dọa không chỉ tính mạng của con người mà còn có thể “xô đổ” nhiều thành quả của thế giới cũng như Việt Nam đã đạt được.

Để có thể chiến thắng "kẻ thù vô hình - Covid-19" này, giữ gìn, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, trước hết là mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng và gửi gắm: Chúng ta lâu nay đã đổi mới, sáng tạo thì tới đây càng phải đổi mới, sáng tạo hơn nữa; Nhà nước ta nói chung, Chính phủ, chính quyền các địa phương nói riêng lâu nay đã liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì tới đây càng phải liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nữa; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thì tới đây càng phải đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa.

Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2022, tạo tiền đề cho việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hùng cường, người đứng đầu Đảng ta nhấn mạnh.

Lam Giang