Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 39

Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị, chúng ta thịnh vượng

- Thứ Sáu, 03/09/2021, 07:44 - Chia sẻ
Vào cuối tháng 10 tới, Brunei sẽ đón tiếp các nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 39 và các hội nghị liên quan. Với chủ đề: “Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị, chúng ta thịnh vượng”, Brunei với vai trò nước Chủ tịch đang làm tốt nhiệm vụ dẫn dắt một ASEAN ngày càng mạnh mẽ và táo bạo hơn bao giờ hết nhằm hướng đến một tương lai chung trong một Cộng đồng toàn diện.

3 ưu tiên của Brunei

Phát biểu trong cuộc họp báo mới đây, Ngoại trưởng thứ 2 của Brunei Erywan Yusof cho biết, thế giới đã thay đổi đáng kể từ khi Brunei đảm đương chức Chủ tịch ASEAN gần đây nhất vào năm 2013. Tác động của Covid-19 vượt ra ngoài lĩnh vực y tế, đặt mọi lĩnh vực của Cộng đồng ASEAN vào thử thách. Trên tinh thần này, chủ đề “Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị, chúng ta thịnh vượng” của Hội nghị Cấp cao ASEAN sắp tới do Brunei làm Chủ tịch nêu bật ba ưu tiên lấy cảm hứng từ lịch sử phát triển ASEAN: Thứ nhất, quan tâm đến chất lượng đời sống của người dân và hạnh phúc của họ. Thứ hai, chuẩn bị cho những cơ hội và thách thức trong tương lai. Thứ ba, cùng nhau thịnh vượng như một khu vực thống nhất.

“Chúng ta quan tâm” - khai thác bản chất chăm sóc của ASEAN

Mục tiêu của ưu tiên này là các quốc gia thành viên ASEAN phải hỗ trợ lẫn nhau và theo đuổi các sáng kiến ​​mang lại lợi ích mà người dân thực sự cảm nhận được trong giai đoạn khó khăn này. Nhìn vào thực tế là đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người mất đi người thân, công việc và nhà cửa, ASEAN phải bảo đảm nỗ lực phục hồi nhanh chóng sau các tác động của Covid-19 nói chung. Trọng tâm chính trong năm tới là vaccine và ASEAN phải làm việc nghiêm túc với các đối tác để tiếp cận được nguồn cung vaccine an toàn và giá cả hợp lý một cách kịp thời nhất. ASEAN cũng đặc biệt phải chú trọng đến hậu quả của đại dịch đối với con người, có tính đến tác động tâm lý đối với cuộc sống của người dân, những thay đổi trong cách họ làm việc, sinh sống và học tập.

"Chúng ta chuẩn bị" - chuẩn bị hành trang cho tương lai

Mục tiêu này kế thừa từ chính chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2020 do Việt Nam làm Chủ tịch: “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Sự chuẩn bị chính là để bảo đảm rằng ASEAN có sự chuẩn bị và chủ động thích ứng với những thay đổi và thách thức trong tương lai. ASEAN cũng cần bảo đảm rằng khu vực được điều hành bởi một cấu trúc dựa trên luật lệ, không ngừng tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy tắc đa phương, các quá trình do ASEAN dẫn dắt sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ mang tính xây dựng với các đối tác, bao gồm các cường quốc. ASEAN phải có quan điểm thống nhất về các vấn đề quan trọng của khu vực trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, hòa bình và hợp tác. Quan hệ đối tác mạnh mẽ và đa dạng sẽ là chìa khóa quan trọng. Để ASEAN hoạt động tập thể và đoàn kết, các quốc gia thành viên ASEAN cần duy trì sự tin lẫn nhau nhau, tinh thần đoàn kết, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN.

"Chúng ta thịnh vượng" - hướng tới thịnh vượng bền vững cho khu vực

Đại dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt mối đe dọa trong năm qua trở nên trầm trọng hơn. Những xu hướng tích cực như toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế bị đe dọa kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, trong khi đó chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng, đe dọa thịnh vượng và hợp tác mang tính xây dựng của khu vực. Giai đoạn sắp tới có thể là một bước ngoặt và ASEAN cần nắm bắt cơ hội này để điều chỉnh và định vị mình trong kỷ nguyên hậu Covid-19. Các quốc gia thành viên ASEAN tìm cách hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển nền kinh tế thay vì cạnh tranh không lành mạnh, từ đó biến ASEAN thành một thị trường hấp dẫn đối với các đối tác bên ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương và xây dựng nền kinh tế bao trùm với sự tham gia nhiều hơn của tất cả các thành phần trong xã hội. Với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 ở Hà Nội, ASEAN cũng cần thúc đẩy một FTA với EU, làm khuôn khổ hợp tác kinh tế và thương mại bền vững giữa hai khối nắm giữ quyền lực kinh tế đáng kể này.

Nguồn: ITN

Thực hiện đồng thuận 5 điểm về Myanmar

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của vai trò Chủ tịch ASEAN của Brunei là nhìn thấu tất cả các mốc thời gian và kế hoạch hành động thực tế để thực hiện "nhanh chóng và đầy đủ" Đồng thuận 5 điểm về Myanmar mà các nước đã đạt được hồi tháng 4.2021.

Về nhiệm vụ này, ASEAN đã bổ nhiệm Ngoại trưởng thứ hai của Brunei Erywan Yusof làm Đặc phái viên của khối tại Myanmar. Ông Erywan có sứ mệnh gây dựng lòng tin và uy tín giữa các bên, đồng thời cung cấp một lịch trình rõ ràng nhằm thực thi Đồng thuận 5 điểm để giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước này.

Chủ tịch và Ban Thư ký ASEAN cũng đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho Myanmar. Tại cuộc họp ASEAN thường niên giữa tháng 8, Thái Lan đã đề xuất một hội nghị gây quỹ để tập hợp các quỹ hỗ trợ nhân đạo cho đại dịch Covid-19. Hệ thống y tế công cộng ở Myanmar gần như sụp đổ do bác sĩ và y tá bị bắt giữ hoặc đình công. Hội nghị được kỳ vọng sẽ huy động đủ kinh phí để cung cấp hỗ trợ bền vững cho cuộc chiến chống Covid-19 ở Myanmar.

Thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN

Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, Brunei đã và đang làm rất tốt trong việc thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa đối với vai trò trung tâm của ASEAN, các chiến dịch chống đại dịch nói chung và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Brunei đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Vương quốc Anh chính thức trở thành đối tác đối thoại thứ 11 của khối. Lúc đầu, đã có những cuộc tranh luận kéo dài về việc liệu lệnh cấm mở rộng quan hệ đối tác đối thoại của ASEAN, vốn áp dụng trong ba thập kỷ qua có nên được dỡ bỏ hay không. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ASEAN sau đó đã nhất trí rằng Vương quốc Anh nên được ưu tiên hơn vì sức mạnh kinh tế - chính trị toàn cầu và vị thế là một thành viên cũ của Liên minh châu Âu (EU).

Đáp lại “thịnh tình” của ASEAN, lần đầu tiên Vương quốc Anh đã hào phóng viện trợ tới 50 triệu bảng Anh cho ASEAN để hỗ trợ nỗ lực chống lại đại dịch, trong đó bao gồm 7,5 triệu bảng cho Quỹ Ứng phó Covid-19 của ASEAN. Vương quốc Anh cũng nhắc lại sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, thực thi pháp luật và biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng nhận được tổng cộng 1,2 tỷ USD hỗ trợ từ tất cả các đối tác đối thoại. EU đứng đầu danh sách với 941 triệu USD. Mỹ đã viện trợ tổng cộng 158 triệu USD trước khi bổ sung 500.000 USD vào Quỹ Ứng phó Covid-19 của ASEAN.

Sau khi được ban hành vào năm 1976, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) đã trở thành bộ quy tắc khu vực quan trọng về các tinh thần giữa các quốc gia nhằm duy trì hòa bình và ổn định. Kể từ khi TAC mở cửa cho các bên ký kết bên ngoài vào năm 1992, tổng cộng 50 quốc gia, một phần tư thành viên Liên Hợp quốc, đã tham gia. Đầu tháng 8.2021, Đan Mạch, Hà Lan, Hy Lạp, Oman, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất đã tham gia TAC - số lượng lớn nhất trong một năm.

Ở tuổi 54, ASEAN đang đi đúng hướng và bất chấp những thách thức phía trước, ASEAN đang chứng tỏ sức mạnh tập thể của mình. Đại dịch Covid-19 vừa đặt ra thách thức đối với mục tiêu của Khối, song với những bước đi cụ thể để hướng tới thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2025, đây cũng là cơ hội để ASEAN khẳng định là một thực thể mạnh giai đoạn hậu đại dịch.

Đạt Quốc