Chung tay bảo vệ, nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ

- Thứ Tư, 17/11/2021, 19:29 - Chia sẻ
Theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân trong tình hình mới, một trong những mục tiêu được đặt ra đó là “mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe”. Theo đó, trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 tới sức khỏe tâm thần trẻ em thời gian gần đây cho thấy, ngành chức năng cũng như các địa phương cần chú trọng quan tâm, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ nhằm sớm phát hiện, giảm các sang chấn tâm lý cho trẻ em để trẻ có được sức khỏe tâm thần mạnh khỏe và hạnh phúc.

Đại dịch Covid-19 khiến trẻ đối diện với sự sợ hãi, nỗi buồn

Với áp lực từ cuộc sống, giáo dục, từ những kỳ vọng và từ các mối quan hệ, tỷ lệ những người gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần đã trở nên đáng lo ngại trong nhiều năm qua. Có sự gia tăng về số trẻ em bị kỳ thị do sự khác biệt, cha mẹ cảm thấy áp lực quá lớn, và trẻ em bị cô lập do bị xâm hại, sao nhãng và gặp khó khăn. Cụ thể, gần hai năm sau đại dịch Covid-19, trẻ em trên khắp thế giới đang thể hiện sự lo lắng, sợ hãi, bất an và bất ổn ở mức độ đáng lo ngại. Ở nhiều quốc gia, đại dịch đã dẫn đến tình trạng trẻ em tự làm hại mình và tự sát ngày càng tăng. Tại Việt Nam, trong nhiều diễn đàn mới đây về bảo vệ, chăm sóc trẻ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 mới đây, các chuyên gia bình đẳng giới cũng cho biết, trẻ em có nhiều nguy cơ bị mất an toàn và bị bạo lực, trầm cảm gia tăng khi ở nhà quá nhiều.

chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em thật tốt trong đại dịch Covid-19
Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em thật tốt trong đại dịch Covid-19

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Jana Flower cũng cho biết: trong hai năm vừa qua,  tác động của đại dịch đã thể hiện rõ trên mọi lĩnh vực của Công ước về Quyền Trẻ em, cho thấy sự thụt lùi trong việc đạt được tất cả các quyền trẻ em, ngày càng có nhiều trẻ bị bỏ lại phía sau. Đại dịch cũng cho thấy những lĩnh vực chưa được giải quyết triệt để như bạo lực, tiếp cận kỹ thuật số hoặc lao động trẻ em. Đại dịch cũng nêu bật sự bất ổn ở thế giới bên ngoài có thể ảnh hướng đến thế giới bên trong chúng ta. Rõ ràng rằng sức khỏe tốt không chỉ là sức khỏe thể chất, mà còn là sức khỏe tâm thần. Trẻ em không được tiếp xúc với bạn bè, thầy cô, bị mất đi những thói quen hàng ngày, và phải đối diện với những nỗi sợ hãi và đau buồn...

Tại Lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em thế giới do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức ngày 17.11 tại Hà Nội, UNICEF và Tiktok công bố một thử thách trên Tiktok. Lấy ý tưởng "ngắt kết nối để kết nối lại", thách thức trên Tiktok khuyến khích trẻ em rời xa các thiết bị kỹ thuật số và dành thời gian với gia đình, bạn bè và có những trải nghiệm tại thế giới thực.

Quan tâm tới sức khỏe tâm thần trẻ em

Việt Nam tự hào là quốc gia đầu tiên ở Châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này (vào ngày 20.2.1990). Trải qua hơn 30 năm thực hiện Công ước, Việt Nam đã đạt được những kết quả và tiến bộ trong việc thực hiện các quyền trẻ em, mang lại cho trẻ em cuộc sống ngày càng tốt hơn. Cụ thể, Việt Nam đã nội luật hóa tất cả các quyền và các nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em của Công ước, từ Hiến pháp năm 2013 đến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình...

Đặc biệt, gần đây Thủ Tướng chính phủ đã ban hành Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, các chương trình, đề án phòng ngừa xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích trẻ em, chăm sóc toàn diện trẻ em, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chỉ đạo triển khai trên toàn quốc”. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid -19 đang tác động tiêu cực đến trẻ em và thanh thiếu niên. Chuyên gia sức khỏe tâm thần, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho hay: “Qua các buổi tư vấn, trò chuyện với nhiều trẻ em vừa qua cho thấy, không ít trẻ đã cảm thấy rất khó mở lòng để chia sẻ, ngay cả với những người mình tin tưởng".

Trước dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 đang và tiếp tục diễn biến phức tạp, để nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ em và người chăm sóc trẻ vượt qua đại dịch Covid -19, các chuyên gia y tế khuyến cáo ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ nhằm sớm phát hiện, giảm các sang chấn tâm lý cho trẻ em; triển khai các can thiệp về chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em với cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực về cả y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội... Đồng thời, rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy định của luật pháp và chính sách liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em trong hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt chú trọng chương trình hỗ trợ tổng thể, toàn diện, đa ngành về chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.

Hải Thanh